Trang chủ » Bảo mật thông tin » Quyết định giám đốc thẩm số: 99/2013/DS-GĐT ngày 12/8/2013 về vụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn cụ Nguyễn Thị Hòa và bị đơn cụ Nguyễn Tấn Phong

…..
Ngày 12/8/2013, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản giữa:
Nguyên đơn: Cụ Nguyễn Thị Hòa (chết ngày 05/10/2010).
Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là:
1. Ông Nguyễn Văn Cây, sinh năm 1965;
2. Bà Nguyễn Thị Hoàng Dung, sinh năm 1970;
3. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, sinh năm 1967;
4. Ông Nguyễn Văn Hóa, sinh năm 1961;
5. Chị Nguyễn Thị Thu Nga, sinh năm 1984;
6. Anh Nguyễn Hồng Đức, sinh năm 1986;
Cùng trú tại ấp 3, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
7. Ông Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1949; trú tại 435 Bùi Quốc Khánh, tổ 56, khu 7, phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Bị đơn: Cụ Nguyễn Tấn Phong, sinh năm 1928; trú tại ấp 3, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; cụ Phong ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Thành; trú tại khu phố Phú Trung, thị trấn An Lộc, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước đại diện (văn bản ủy quyên ngày 04/09/2009).
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Phan Trung Hiếu sinh năm 1944; trú tại 26/91, ấp 4, xã Tương Bình Hiệp, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
2. Cụ Nguyễn Văn Huân sinh năm 1932; cư trú tại 9603 LaneyWay Sugar Land TX 77478281-242-8483 USA); cụ Huân ủy quyền cho bà Nguyễn Kim Thận; trú tại ấp 3, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đại diện (văn bản ủy quyền ngày 1/10/2007).
3. Ông Đặng Thành Tâm, sinh năm 1971;
4. Bà Đặng Thị Hồng, sinh năm 1968;
Cùng trú tại ấp 2, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
5. Ông Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1963;
6. Bà Phạm Thị Kiều Oanh, sinh năm 1963;
Cùng trú tại ấp 3, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
7. Ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1965; trú tại khu phố Phú Trung, thị trấn An Lộc, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước.
NHẬN THẤY
Tại đơn khởi kiện ngày 02/06/2009 và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị Hòa trình bày: cố Nguyễn Văn Cừ (chết năm 1976) và cố Hà Thị Cứng (chết năm 1985) có 5 người con là: cụ Nguyễn Thị Cớt (chết năm 1963, có 1 người con là ông Phan Trung Hiếu); cụ Nguyễn Văn Huân, cụ Nguyễn Tấn Phong, cụ Đặng Văn Nhì (chết năm 1971, có 2 người con là: ông Đặng Thanh Tâm và bà Đặng Thị Hồng) và cụ Hòa.
Về tài sản: cố Cừ và cố Cứng tạo lập được 6 thửa đất gò (thửa số 229, 230, 231,273,239, 403) với tổng diện tích 23.254m2 tại ấp 3, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương (trên đất có ngôi nhà thờ cấp 4, diện tích 28m2, do cụ Phong sử dụng).
Khi các cố còn sống thì cụ sử dụng đất và trồng điều tại thửa đất số 403. Năm 1985, cụ cho con là ông Nguyễn Văn Dũng cất nhà trên một phần đất (thửa 403); sau đó nhà này đã bị hư hỏng. Tại Quyết định số 45/QĐ-UB ngày 10/01/2001, Ủy ban nhân dân xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tặng nhà tình thương cho chị Nguyễn Thị Thu Nga (là con của ông Dũng), trị giá nhà 6.000.000đồng. Hiện nay, ông Dũng đã chết; các con của ông Dũng (chị Nga và anh Đức) đang sử dụng nhà này.
Cố Cừ và cố Cứng chết, không để lại di chúc. Các con của các cố sống phân tán, chưa tập trung được để phân chia tài sản của cha mẹ để lại. Năm 1998, cụ Phong (một trong 5 người con của các cố) tự ý kê khai đất, mà không báo cho anh em biết. Ngày 20/12/1999, hộ cụ Nguyễn Tấn Phong đươc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 23.254m2. Cụ và các đồng thừa kế khác đã nhiều lần yêu cầu cụ Phong chia tài sản của cha mẹ để lại cho anh em, nhưng cụ Phong không đồng ý. Do đó, cụ khởi kiện và yêu cầu chia tài sản như sau:
1) Căn nhà chính và nhà tạm đế cụ Phong tiếp tục sử dụng;
2) Chia giá trị thành 6 phần, trong đó riêng cụ Phong được hưởng 2 phần (trong đó có 1 phần là công sức); các con còn lại, mỗi người 1 phần.
3) Về đất: Đối với thửa đất số 403: Yêu cầu chia thửa đất này thành 2 phần, trong đó phần đất có nhà của phía cụ Hòa thì chia cho cụ Hòa, phần đất có nhà của phía cụ Phong thì chia cho cụ Phong. Đối với 5 thừa đất còn lại: cụ Hòa yêu cầu được nhận giá trị đối với phần của mình.
Ngày 12/6/2009, cụ Nguyễn Thị Hòa có đơn khởi kiện vụ án dân sự (bổ sung) về việc yêu cầu chia di sản thừa kế toàn bộ nhà đất nêu trên.
Bị đơn là cụ Nguyễn Tấn Phong (do ông Nguyễn Văn Thành đại diện theo ủy quyền) trình bày:
Diện tích đất gia đình cụ Phong đang quản lý, sử dụng có nguồn gốc do cố Cừ, cố Cứng để lại. Từ khi giải phóng, cụ Phong đã khai hoang, phục hóa và canh tác ổn định đến nay. Căn nhà cụ Phong đang ở do cụ Phong xây dựng năm 1975. Năm 1976 cố Cừ chết. Sau đó, cụ Phong đưa cố Cứng về phụng dưỡng. Năm 1984 cố Cứng chết. Gia đình cụ Phong ở nhà này từ năm 1975 đến nay. Năm 1999, hộ cụ Phong được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Toàn bộ đất, tài sản trên đất (nhà, cây cao su, tràm) là của cụ Phong.
-  Năm 2007, cụ Nguyễn Thị Hòa đã khởi kiện cụ Phong yêu cầu Tòa án chia tài sản chung (vụ án khác), Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành “Quvết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự” số 14/QĐST-DS ngày 6/9/2007 với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Nay cụ Hòa tiếp tục khởi kiện vụ án yêu cầu chia di sản thừa kế thì cụ không đồng ý với yêu cầu của cụ Hòa.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Nguyễn Văn Huân (do bà Nguyễn Kim Thận đại diện theo ủy quyền) trình bày: Căn nhà gia đình cụ Phong đang ở là do cụ Huân xây cất cho cố Cứng ở. Cụ Phong làm ăn ở nơi khác đến năm 1981 thì mới trở về đây. Cụ Huân ở tại nhà này từ sau giải phóng và trồng mì trên thửa đất số 403. Sau năm 1985, cụ Phong mới trồng tràm trên thửa đất đó. Cụ Huân đồng ý với đề nghị của nguyên đơn.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phan Trung Hiếu (con của cụ Cớt); ông Đặng Thanh Tâm và bà Đặng Thu Hồng (con cụ Nhì); chị Huỳnh Thị Thu Nga và anh Nguyễn Hồng Đức (các con của ông Dũng): thống nhất với yêu cầu của nguyên đơn.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn Thành, ông Nguyễn Văn Sơn và bà Phạm Thị Kiều Oanh: thống nhất yêu cầu của cụ Phong. Ông Sơn trình bày bổ sung: ông Sơn có căn nhà 68,3m trên thửa đất số 403; ông đang quản lý, sử dụng nhà này nên yêu cầu tiếp tục được sử dụng.
Tại Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 04/2010/QĐST-DS ngày 24/06/2010, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định: đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và trả lại đơn khởi kiện về việc “yêu cầu chia di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị Hòa; bị đơn là cụ Nguyễn Tấn Phong và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.
Ngày 6/7/2010, cụ Nguyễn Thị Hòa, bà Nguyễn Kim Thận, ông Phan Trung Hiếu, ông Đặng Thành Tâm và bà Đặng Thị Hồng kháng cáo yêu cầu chia thừa kế đối với toàn bộ nhà đất của cố Cừ, cố Cứng.
Ngày 14/07/2010, chị Nguyễn Thị Thu Nga và anh Nguyễn Hồng Đức kháng cáo nêu rằng: trên thửa đất số 403 có ngôi nhà tình thương của gia đình anh chị do Ủy ban nhân dân xã Tân Định tặng năm 2001; anh chị yêu cầu được chia phần đất có ngôi nhà này.
Tại Quyết định giải quyết việc kháng cáo số 186/2010/QĐDS-PT ngày 06/09/2010, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 04/2010/QĐST-DS ngày 24/06/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo quy định của pháp luật.
Ngày 05/10/2010, cụ Nguyễn Thị Hòa chết; những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cụ Hòa là ông Nguyễn Văn Cây, bà Nguyễn Thị Hoàng Dung, bà Nguyễn Thị Thu Hà, ông Nguyễn Văn Hóa, ông Nguyễn Văn Lợi, chị Nguyễn Thị Thu Nga và anh Nguyễn Hồng Đức tiếp tục yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án như yêu cầu của cụ Hòa.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2011/DSST ngày 25/07/2011, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định: không chấp nhận đơn khởi kiện của cụ Nguyễn Thị Hòa; đình chỉ giải quyết vụ kiện; trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn.
Ngày 08/08/2011, bà Nguyễn Thị Hòa Hiệp, ông Phan Trung Hiếu, cụ Nguyễn Văn Huân, ông Đặng Thanh Tâm và bà Đặng Thị Hồng kháng cáo yêu cầu được chia thừa kế.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 18/2011/DSPT ngày 27/10/2011, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định: hủy bản án dân sự sơ thẩm số 06/2011/DSST ngày 25/07/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương giải quyết sơ thẩm lại.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2012/DSST ngày 11/05/2012, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định:
-  Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đại diện những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ Hòa về việc chia thừa kế tài sản của cố Nguyễn Văn Cừ và cố Hà Thị Cứng. Riêng nhà của cố Cừ và cố Cứng các đương sự tự nguyện để cụ Phong sở hữu nên ghi nhận.
-  Giá trị di sản của hai cố là 12.432.535.000đ. Trích công sức cho cụ Phong bằng 30% giá trị là 3.729.682.500đ. Còn lại 8.702.852.500đ, mỗi kỷ phần được hưởng là 1.740.570.500đ (8.702.852.500đ: 5).
   Cụ Phong được hưởng kỷ phần và công sức, cộng là 5.470.253.000đ; quy ra hiện vật được nhận: phần 1 là 2.688,1m2 đất nông nghiệp và 300m2 đất ở tại các thửa 229, 230, 231 tờ bản đồ số 16, xã Tân Định (trên đất có nhà cụ Phong đang quản lý và cây trồng của cụ Phong- bản đồ số 1); phần 2 là 5.813,4m2 đất thuộc thửa 273 tờ bản đồ 16 xã Tân Định- bản đồ số 2); phần 3 là 3.584,20m2 đất tại thửa 403 tờ bản đồ số 16 xã Tân Định (ký hiệu trên bản đồ số 3 là khu 1) trên đất có nhà của anh Sơn và cây trồng của cụ Phong.
+ Các thừa kế của cụ Nguyễn Thị Hòa được chia 2.677,8m2 đất tại thửa 403 tờ bản đồ 16 xã Tân Định (ký hiệu trên bản đồ số 3 là khu 4), trên đất có nhà của chị Nga và anh Đức.
+ Ông Nguyễn Trung Hiếu (con cụ Nguyễn Thị Cớt) được chia 2.677,8m2 đất tại thửa 403 tờ bản đồ 16 xã Tân Định (ký hiệu trên bản đồ số 3 là khu 3).
+ Bà Nguyễn Kim Thận do cụ Huân ủy quyền được chia 2.677,8m2 tại thửa 403 tờ bản đồ số 16 xã Tân Định (ký hiệu trên bản đồ số 3 là khu 5).
+ Bà Đặng Thị Hồng và ông Đặng Thanh Tâm (là con của cụ Đặng Văn Nhì) được chia 2.677,8m2 đất tại thửa 403, tờ bản đồ số 16 xã Tân Định (ký hiệu bản đồ số 3 là khu 2).
-  Ông Hiếu, các đồng thừa kế của cụ Hòa, bà Thận, bà Hồng và ông Tâm phải thanh toán giá trị cây tràm cho cụ Phong mỗi phần 10.115.500đ.
Ngày 24/5/2012 cụ Phong kháng cáo: không đồng ý chia thừa kế; đề nghị bác yêu cầu của nguyên đơn.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 244/2012/DSPT ngày 14/08/2012, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định: giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ngày 10/11/2012 cụ Phong có đơn đề nghị xem xét bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm với nội dung: Tòa án thụ lý vụ án khi đã hết thời hiệu khởi kiện và việc áp dụng Nghị quyết số 1037/NQ-UBTVQH11 để giải quyết vụ án là không đúng.
Tại Công văn số số 891/BCXXPT-VPT3 ngày 27/11/2012, Viện thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định số 04/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 14-01-2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 244/2012/DSPT ngày 14/8/2012 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 02/2012/DSST ngày 11/05/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm lại với nhận định:
Về thời hiệu giải quyết vụ kiện: cố Cừ chết năm 1976 và cố Cứng chết năm 1985. Do đó theo Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 thì thời hiệu mở thừa kế di sản của cố Cừ và cố Cứng được tính từ ngày 10/9/1990. Ngày 2/6/2009, cụ Hòa mới có đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung và ngày 15/6/2009 cụ Hòa thay đổi yêu cầu khởi kiện chia thừa kế di sản là nhà và đất tranh chấp nêu trên là đã hết thời hiệu khởi kiện về chia thừa kế. Việc Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm lại áp dụng Nghị quyết sổ 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/07/1991 có người Việt Nam ở nước ngoài tham gia để xác định nhà và đất cố Cừ và cố Cứng để lại còn thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là không đúng. Theo hướng dẫn tại Công văn số 91/TANDTC-KHXX ngày 28/6/2011 của Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng Nghị quyết sổ 1037 nêu trên thì giao dịch phải có người Việt Nam ở nước ngoài tham gia từ trước ngày 01/7/1991. Tại thời điểm mở thừa kể chia di sản của cố Cừ và cố Cứng thì cụ Huân đang định cư tại Việt Nam; đến ngày 23/04/1992 cụ Huân mới xuất cảnh sang định cư tại Mỹ. Do đó, cụ Huân không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 1037 nêu trên.
Ngoài ra, diện tích đất tranh chấp cấp cho hộ gia đình cụ Phong; ngày 13/08/2012, Tòa án nhận đơn của cụ Nguyễn Thị Duyên khiếu nại về việc cụ và vợ cụ Phong, cụ không được Tòa án cấp sơ, phúc thấm đưa vào tham gia tố tụng là vi phạm pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ hộ cụ Phong gồm những ai để đưa các thành viên trong hộ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không đúng.
Quá trình Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết vụ kiện, ngày 13/08/2012, Tòa án nhận đơn của bà Nguyễn Thanh Phượng và anh Nguyễn Thanh Phương có trình bày họ là vợ và con của ông Nguyễn Văn Kèo (ông Kèo là con đẻ cụ Nguyễn Thị Hòa) và đề nghị được hưởng thừa kế thế vị do ông Kèo đã chết năm 2009. Tài liệu hồ sơ là sổ hộ khẩu do nguyên đơn cung cấp có tên ông Nguyễn Văn Kèo- con chủ hộ là cụ Hòa, lẽ ra, Tòa án cấp phúc thẩm cần tiến hành xác mình làm rõ ông Kèo có phải là con cụ Hòa để đưa vợ con ông Kèo tham gia tố tụng mới đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hủy bản án dân sự phúc thẩm số 244/2012/DSPT ngày 14/8/2012 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 02/2012/DSST ngày 11/5/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm lại.
XÉT THẤY:
Cố Nguyễn Văn Cừ (chết năm 1976) và cố Hà Thị Cứng (chết năm 1985) có 5 người con chung là: cụ Nguyễn Thị Cớt (chết năm 1963, có 1 người con là ông Phan Trung Hiếu); cụ Nguyễn Văn Huân, cụ Nguyễn Tấn Phong, cụ Đặng Văn Nhì (chết năm 1971, có 2 người con là: ông Đặng Thanh Tâm và bà Đặng Thị Hồng) và cụ Nguyễn Thị Hòa.
Các đương sự là con, cháu của cố Cừ và cố Cứng tranh chấp 6 thửa đất (thửa số 229, 230, 231,273,239, 403) với tổng diện tích 23.254m2 tại ấp 3, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương là tài sản của cố Cừ và cố Cứng để lại, hiện do cụ Nguyễn Tấn Phong và cháu nội của cụ Hòa là chị Nguyễn Thị Thu Nga quản lý, sử dụng (diện tích đất này hộ cụ Nguyễn Tấn Phong đã được Ủy ban nhân dân huyện Bến Cát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng); còn căn nhà của cố Cừ và cố Cứng thì nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng ý giao cho cụ Phong tiếp tục sử dụng.
Trong vụ án này thì toàn bộ những người thừa kế của cố Cừ, cố Cứng đều thống nhất về hàng thừa kế; về tài sản do cố Cừ, cố Cứng để lại thì hầu hết các nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều đồng ý phân chia thừa kế; riêng cụ Phong không đồng ý chia, nhưng cụ Phong có lời khai tại Biên bản hòa giải ngày 19/3/2009 tại Hội đồng hòa giải xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương là: “không chịu chia cho ai dù đây là tài sản chung”. Cụ Phong cũng có lời khai (ngày 9/9/2009) là đã được cố Cừ, cố Cứng cho cụ Phong diện tích đất nêu trên, nhưng cụ Phong cũng thừa nhận là cụ không có chứng cứ chứng minh. Tại Biên bản hòa giải không thành ngày 19/3/2009 của Hội đồng hòa giải xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương thì ông Trần Văn Trèo (phụ trách tư pháp xã) có ý kiến là: vụ tranh chấp này kéo dài từ năm 2006; tuy nhiên trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện điều này. Vì vậy, Tòa án các cấp cần phải thu thập chứng cứ (đặc biệt là các chứng cứ từ khi các đương sự mới tranh chấp) để làm rõ đã có đủ điều kiện để xem xét chia tài sản chung theo điểm 2.4 Mục I Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 hay chưa? Nếu đủ điều kiện chia tài sản chung thì phân chia theo quy định của pháp luật; trường hợp không đủ điều kiện thì mới xem xét về thời hiệu khởi kiện về thừa kế.
Về thời hiệu khởi kiện thừa kế: cố Cừ (chết năm 1976) và cố Cứng (chết năm 1985), di sản có nhà đất, nên phải xem xét theo các quy định của pháp luật về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991. Trong số các người con của cố Cừ, cố Cứng có cụ Huân đang cư trú tại Mỹ. Tại Biên bản xác minh ngày 5/5/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương thì ông Nguyễn Văn Nhơn (là Phó trưởng Công an phường Hiệp Thành) cho biết: cụ Nguyễn Văn Huân xuất cảnh sang Mỹ ngày 23/4/1992. Tuy vậy, Công an phường Hiệp Thành không phải là cơ quan Công an có thẩm quyền quản lý về xuất nhập cảnh. Trong trường hợp này phải thu thập chứng cứ tại Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền để làm rõ thời điểm cụ Huân được phép xuất cảnh. Nếu cụ Huân được phép xuất cảnh trước ngày 1/7/1991 thì phải áp dụng Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006; còn trường hơp cụ Huân được phép xuất cảnh sau ngày 1/7/1991 thì phải áp dụng Nghị quyết số 58/1998/NQ- UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết vụ án mới đúng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ các vấn đề trên nhưng đã giải quyết vụ án là chưa đủ căn cử.
Mặt khác thực tế trên thửa đất tranh chấp ông Nguyễn Văn Dũng (con của cụ Nguyễn Thị Hòa) xây cất một căn nhà vào khoảng năm 1985, nhưng sau đó căn nhà bị hư hỏng. Năm 2001, Ủy ban nhân dân xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã xây tặng nhà tình thương cho chị Nguyễn Thị Thu Nga (là con gái của ông Dũng). Như vậy, căn nhà này là của gia đinh chị Nga (nhà làm trên một phần đất tại thửa 403). Vì vậy, nếu trường hợp không còn thời hiệu khởi kiện về thừa kế thì cũng cần phải công nhận cho gia đình chị Nguyễn Thị Thu Nga và các thừa kế của ông Nguyễn Văn Dũng được sử dụng khuôn viên đất hợp lý, thuận tiện cho sinh hoạt nơi có căn nhà tình thương thì mới có tình, có lý.
Hơn nữa, quá trình Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết vụ kiện, ngày 13/08/2012 bà Nguyễn Thanh Phượng và anh Nguyễn Thanh Phương có đơn trình bày họ là vợ và con  của ông Nguyễn Văn Kèo (ông Kèo là con của cụ Nguyễn Thị Hòa) và đề nghị được hưởng thừa kế thế vị do ông Kèo đã chết năm 2009. Trong hồ sơ vụ án có sổ hộ khẩu do nguyên đơn cung cấp có tên ông Nguyễn Văn Kèo- con của cụ Hòa. Lẽ ra, trong trường hợp này cần tiến hành xác minh làm rõ ông Kèo có phải là con cụ Hòa hay không? Nếu đúng ông Kèo là con cụ Hòa thì phải đưa vợ con của ông Kèo tham gia tố tụng mới đúng quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm không xem xét về vấn đề trên, nhưng đã giải quyết vụ án là thiếu sót.
Ngoài ra, diện tích đất tranh chấp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cụ Phong. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa thu thập chứng cứ làm rõ hộ cụ Phong gồm những ai để đưa các thành viên trong hộ trong đó có cụ Nguyễn Thị Duyên (vợ của cụ Phong) tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không đưa đủ những người tham gia tố tụng.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và khoản 1 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung);
QUYẾT ĐỊNH:
1. Hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm số 244/2012/DSPT ngày 14/8/2012 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 02/2012/DSST ngày 11/5/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương về vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản có nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị Hòa với bị đơn là cụ Nguyễn Tấn Phong; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phan Trung Hiếu, cụ Nguyễn Văn Huân, ông Đặng Thành Tâm, bà Đặng Thị Hồng, ông Nguyễn Văn Sơn, bà Phạm Thị Kiều Oanh và ông Nguyễn Văn Thành.
2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
                                                                                                                                Nguồn:toaan.gov.vn
Xem thêm:
 
 
 

Trang chủ » Các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm

 
-Quyết địnhđốc thẩm xét xử vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, giữa: Người khởi kiện: Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng, trụ sở tại số 12 đường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hả
 
 
-QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM VỤ ÁN DÂN SỰ TRANH CHẤP CHIA TÀI SẢN CHUNG VÀ CHIA THỪA KẾ TÀI SẢN
 
 
- QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 14/2009/DS-GĐT NGÀY 16/07/2009 VỀ VỤ ÁN
 
 
- QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 17/2009/DS-GĐT NGÀY 17/07/2009 VỀ VỤ ÁN
 
 
- Quyết định giám đốc thẩm     Số: 01/2012/HSGĐT
 
 
 
 
 
 
- Quyết định giám đốc thẩm vụ án dân sự Tranh chấp về thừa kế tài sản giữa các đương sự Nguyễn Quốc Bảo và bà Nguyễn Thị Tập
 
 
 	Quyết định giám đốc thẩm số 09/2012/DS-GĐT ngày 13 tháng 03 năm 2012 xét xử vụ án dân sự về việc đòi bồi thường giá trị đất giữa nguyên đơn là bà Trang Phù Dung và bị đơn là Nhà nghỉ kachs sạn Bưu điện Núi Sam
 

Thống kê ngày

Có 73 người online (0 thành viên và 73 khách).
Thành viên:
Chúc mừng sinh nhật:
Tìm luật sư giỏi | Tin tức pháp luật | Tư vấn pháp luật | Dịch vụ luật sư | Luật sư tranh tụng | Luật sư riêng | Tư vấn luật sở hữu trí tuệ | Tư vấn luật đầu tư | Tư vấn luật đất đai, nhà ở | Tư vấn pháp luật thuế | Tư vấn, đàm phán, soạn thảo hợp đồng | Tư vấn luật hình sự | Luật sư bào chữa | Tư vấn luật hôn nhân, thừa kế | Tư vấn thường xuyên doanh nghiệp | Soạn thảo, làm chứng di chúc| Thủ tục mua bán, chuyển nhượng bất động sản...
LUẬT SƯ VIỆT NAM - TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT
             VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Trụ sở chính: Số 65B phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoai:  0437 327 407 - 0977 999 896
Fax: 043 732 7407
Email    : luatsuchinhphap@gmail.com  
Website: luatsuchinhphap.hanoi.vn - Trungtamtuvanphapluat.vn
Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động số 01010794/ĐKHĐ do Sở tư pháp thành phố Hà Nội cấp ngày 31/5/2012, cấp đổi ngày 06/11/2015;
Mã số thuế: 0105916551
Chịu trách nhiệm pháp lý:   Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
Điện thoại: 0977999896

 

khung anh

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP - ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
- Luật sư bào chữa, tham gia tố tụng trong các vụ án: Hình sự - Dân sự (đất đai, nhà ở, xây dựng, hợp đồng..) - Lao động - Hành chính - Hôn nhân, thừa kế - Kinh doanh & thương mại...Tham gia giải quyết các tranh chấp kinh tế thông qua thương lượng, đàm phán, trọng tài thương mại.
- Luật sư tư vấn pháp luật: Chỉ ra tình trạng pháp lý và cung cấp các giải pháp pháp lý trong tất cả các lĩnh vực pháp luật. 
- Dịch vụ pháp lý khác: Thu hồi nợ; Luật sư riêng; Soạn thảo hợp đồng, văn bản; Soạn thảo và làm chứng di chúc...Thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý như: Mua bán, chuyển nhượng bất động sản, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký kinh doanh...

Chịu trách nhiệm về nội dung -  Trưởng Văn phòng: Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường
Copyright© 2012 chinhphaplawyer
Khung anh
Bản đồ