Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Vụ Huyền Như: Tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra lại

 

 

Ngày 7-1, HĐXX phúc thẩm đã tuyên chấp nhận kiến nghị của VKS đối với 1.085 tỷ đồng Huyền Như chiếm đoạt của 5 công ty là có dấu hiệu của hành vi tham ô tài sản. 
Huyền Như tại tòa sáng 7-1 - Ảnh: Thuận Thắng

 

Toàn bộ số tiền này đã được mở tài khoản tại VietinBank và chuyển vào hệ thống ngân hàng này hợp pháp. Cấp phúc thẩm không thể sửa chữa được bản án sơ thẩm nên tuyên hủy phần bản án này, giao VKSND tối cao để Viện giao lại cho CQĐT để điều tra, xét xử lại.

Tòa bác kháng cáo của ACB và NaviBank

HĐXX cũng bác kháng cáo yêu cầu xem xét lại tư cách tố tụng của ACB và NaviBank cũng như phần trách nhiệm dân sự đối với số tiền 719 tỷ đồng của ACB và 200 tỷ đồng của NaviBank.

HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm đã xác định sai tư cách tố tụng của ACB, ACB chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan và nguyên đơn dân sự là 19 nhân viên ACB. Tuy nhiên, về bản chất vụ án thì số tiền này vẫn là tiền của ACB, vậy nên không chấp nhận kháng cáo thay đổi tư cách tố tụng của ACB và VietinBank.

HĐXX nhận thấy đầu năm 2007, Như đã vay hơn 200 tỷ để kinh doanh, khi bất động sản đi xuống, Như nợ nần nên đã đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền. Qua trung gian bà Huỳnh Ngọc Ánh, Như biết ACB có nhu cầu ủy thác gửi tiền lấy lãi suất vượt trần, Như lấy tư cách huy động vốn cho VietinBank nói với Ánh để huy động tiền.

Để Ánh và ACB tin tưởng chuyển tiền, Như đã lập 2 hợp đồng tiền gửi cho khách hàng Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm và giả chữ ký của lãnh đạo VietinBank Nhà Bè để 2 khách hàng này gửi 50 tỷ đồng. Như đã tự ký giả chữ ký của Nguyệt và Năm thành một bộ hồ sơ hoàn toàn mới đăng ký gửi tài khoản tại phòng giao dịch Võ Văn Tần.

Như vậy, hành vi lừa đảo của Như đã thực hiện trước khi bà Nguyệt và Năm gửi và mở tài khoản tiền gửi. Do vậy bà Nguyệt và Năm đã thực hiện các bước chuyển tiền tiếp theo để chiếm đoạt tiền của ACB từ tài khoản giả được mở tại VietinBank Nhà Bè.

Sự thiếu trách nhiệm của Nguyệt, Năm và bà Ánh cùng lãnh đạo ACB giúp Như đã chiếm đoạt số tiền khi 2 khách hàng này gửi tiền vào tài khoản giả.

Đối với  668 tỷ đồng do 17 nhân viên của ACB  nhận ủy thác. Như thông qua Huỳnh Thị Bảo Ngọc, phó phòng quản lý ngân quỹ để thỏa thuận lãi suất tiền gửi là 14%/năm và chênh lệch 10 tỷ cùng hoa hồng sẽ được trả ngay sau khi hợp đồng được ký. 

Để Ngọc và 19 nhân viên ACB gửi tiền, Như đã trình lãnh đạo VietinBank và ký 32 hợp đồng tiền gửi, sau khi ký, các nhân viên đã chuyển lại các hợp đồng cho Ngọc quản lý, chuyển các thông tin cá nhân đến cho Ngọc để mở tài khoản tại VietinBank. Sau đó các nhân viên chuyển toàn bộ số tiền 668 tỷ đồng này vào tài khoản và không biết gì về dòng tiền bởi toàn bộ số tiền này không phải là tiền thuộc quyền sở hữu của cá nhân.

Xét cả 32 hợp đồng là hợp đồng thật và được lãnh đạo VietinBank ký nhưng đã vô hiệu  ngay từ khi ký kết, HĐXX cho rằng Ngọc và 17 nhân viên bị Như lừa từ việc triển khai mở tài khoản thanh toán, và việc chiếm đoạt tiền đã hoàn thành từ giai đoạn này.

ACB trên thực tế không giao dịch gửi tiền với VietinBank, như vậy ACB không thể là nguyên đơn dân sự, VietinBank không phải là bị đơn, bởi vậy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ACB.

Bản án sơ thẩm tuyên Huyền Như trả tiền cho 19 nhân viên cho ACB là chưa chặt chẽ, tuy nhiên, ACB là người bị thiệt hại về vật chất trong vụ án nên không cần thiết phải xem xét sửa bản án, do vậy giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đối với kháng cáo của NaviBank, HĐXX nhận thấy NaviBank có chủ trương trái pháp luật khi gửi tiền kiếm lãi suất cao, NaviBank đã cho nhân viên vay tiền tiêu dùng, hợp đồng này là trái pháp luật và giả tạo.

Theo đó, hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ của các nhân viên vay tiêu dùng của NaviBank lên tới 16,5%/năm trong khi lãi suất các cá nhân được hưởng khi gửi vào VietinBank là 14%, HĐXX cho rằng đó là một nghịch lý và điều đó chứng tỏ sự giả tạo trong các giao dịch trên như đã phân tích.

NaviBank không phải là nguyên đơn, VietinBank cũng không phải là bị đơn dân sự trong vụ án này. HĐXX không chấp nhận kháng cáo của NaviBank.

Kiến nghị khởi tố, xem xét trách nhiệm hình sự nhiều cá nhân.

Kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai nguyên Phó giám đốc VietinBank là ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Làm rõ trách nhiệm của bà Vũ Hồng Hạnh, Công ty Chứng khoán Phương Đông; Xác minh thêm một số đối tượng cho vay lãi nặng nhưng chưa bị truy tố.

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hủy bỏ quy định lãi suất vượt trần; hủy bỏ quy định ủy thác đầu tư vốn gây lũng đoạn thị trường; kiến nghị VietinBank xem lại về quy định trưởng phòng được phép cho vay 50 tỷ mà không có cơ chế kiểm soát

Kiến nghị Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an xem xét về việc để vi phạm kéo dài tại VietinBank.

VKSND tối cao làm rõ trách nhiệm hình sự của các cá nhân tại ngân hàng Nam Việt.

VKSTC làm rõ trách nhiệm ông Nguyễn Văn Sẽ theo quy định pháp luật, làm rõ dòng tiền vật chứng đã bị Như chiếm đoạt để trả lại.

Kết quả điều tra lại nếu đủ căn cứ buộc Huyền Như phạm tội tham ô thì phải xem xét trách nhiệm của các cá nhân có trách nhiệm tại VietinBank.

Ngoài phần tuyên trên, HĐXX cũng tuyên sửa bản án về số tiền thu lời bất chính của các bị cáo phạm tội cho vay lãi nặng, theo đó, HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thị Lành nộp 9.028 tỷ; Hùng Mỹ Phương 218 tỷ ; Đào Thị Dung 440 tỷ; Nguyễn Thiên Lý 1296 tỷ, Phạm Văn Trí phải nộp lại 23 tỷ.

Giảm án cho nhiều bị cáo

Cho rằng các bị cáo này có nhiều tình tiết giảm nhẹ, ăn năn hối cải nên HĐXX đã chấp nhận kháng cáo, tuyên giảm án cho các bị cáo: Huỳnh Hữu Danh, 14 năm; Đào Thị Tuyết Dung 13 năm tội lừa đảo; 2 năm tội cho vay lãi nặng, hình phạt chung là 15 năm tù; Phạm Anh Tuấn 11 năm tù; Lương Việt Yên 6 năm tù; Hồ Hải Sỹ 5 năm tù; Trần Thanh Thanh 9 năm tù; Tống Nguyên Dũng 5 năm tù; Huỳnh Trung Chí 7 năm tù; Bùi Ngọc Quyên 13 năm tù; Nguyễn Vũ Xuân Tiên 9 năm tù; Nguyễn Thị Phúc Ngân 10 năm tù.

Riêng bị cáo Lê Thị Ngọc Lợi bị tuyên mức án 3 năm nhưng cho hưởng án treo.

Các bị cáo khác có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không có căn cứ xem xét nên giữ nguyên.

'Vietinbank phải bồi thường cho công ty Hưng Yên' 

Theo HĐXX, bản án sơ thẩm đã xác định sai tư cách tố tụng của 5 công ty (Hưng Yên, SBBS, An Lộc, Phương Đông, Toàn Cầu) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của Hưng Yên.

Bằng chứng tại tòa và hồ sơ cho thấy Hưng Yên đã gửi tiền hợp pháp và bị Huyền Như chiếm đoạt tại VietinBank, Như là người có quyền hạn tại ngân hàng này, hành vi của Như có dấu hiệu tham ô tài sản của công ty Hưng Yên.

Do đó, VietinBank phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền này. Do cấp phúc thẩm không thể khắc phục được những sai sót của bản án sơ thẩm nên chấp nhận kiến nghị của VKS là hủy một phần bản án để điều tra xét xử lại.

Phân tích cụ thể hành vi tham ô của Huyền Như, HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm xác định Như và đồng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 200 tỷ của công ty Hưng Yên là sai tư cách tố tụng và không đúng bản chất vụ án.

HĐXX cho rằng tài khoản được gửi là tài khoản thật, VietinBank cũng xác nhận các tài khoản được mở là hợp lệ, hợp pháp… sau khi xác định một số tài khoản Hưng Yên đã nhiều lần chuyển tiền vào, Như đã giả chữ ký để lập 24 lệnh chi và đóng dấu giả của Hưng Yên, sau đó tự ký vào mục kiểm soát viên giao dịch và chuyển tiền của Hưng Yên đi. Các nhân viên VietinBank chỉ làm theo mệnh lệnh của Như, tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt tiền.

Với thủ đoạn gian dối, Như đã chiếm đoạt 200 tỷ đồng trên, tất cả đều được Như thực hiện tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ.

HĐXX phúc thẩm cho rằng Như được bổ nhiệm quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ theo quyết định của giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM, nhiệm vụ của Như là người có quyền kiểm soát và ký xác nhận trên các giao dịch giấy tờ có giá, Như có quyền với các loại tín phiếu theo ủy quyền, Như ký duyệt kiểm soát hồ sơ vay vốn, thực hiện xác nhận số dư của thẻ tiết kiệm trong từng thời kỳ.

Công văn của VietinBank gửi tòa phúc thẩm trong giai đoạn xét xử trong báo cáo làm rõ có nội dung:  Đối với nghiệp vụ chuyển tiền và rút tiền, kiểm soát viên kiểm soát phê duyệt mức giao dịch đến 50 tỷ đồng.

Chứng cứ đó cho thấy rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Như đã làm hoàn toàn trái với quy trình vì Như đã thực hiện toàn bộ giao dịch rồi chuyển lại yêu cầu các bộ phận thực hiện. Như là người có chức vụ quyền hạn và lợi dụng điều này để chiếm đoạt tiền gửi của Hưng Yên và các công ty khác. 

Bản án sơ thẩm xác định sai tư cách tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của Hưng Yên. Việc kháng cáo của Hưng Yên là có cơ sở nhưng cấp phúc thẩm không thể sửa bản án sơ thẩm tuyên buộc VietinBank trả tiền, vì vậy đối với sai sót của cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm không thể bồi thường và bổ sung được để đảm bảo quyền của các bên đương sự. Vì vậy, đề nghị của VKS hủy một phần bản án để điều tra xét xử lại là có cơ sở pháp luật.

Tương tự với công ty Hưng Yên, sự việc ở các công ty: An Lộc, Phương Đông, Toàn Cầu và SBBS, cho thấy hành vi của Như có dấu hiệu của tội tham ô tài sản. HĐXX chấp nhận phần ý kiến của VKS và bác bỏ ý kiến của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của VietinBank.

Tóm tắt vụ án

Vụ án được cấp sơ thẩm tuyên ngày 27-1-2014 đã buộc Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ ngân hàng VietinBank chi nhánh TP.HCM) và các đồng phạm có trách nhiệm hoàn trả gần 4.000 tỷ cho các nguyên đơn dân dân sự, bị hại được xác định trong vụ án.

Ngay sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, đã có 1 kháng nghị tăng nặng hình phạt của VKSND TP.HCM, 20 bị cáo trong tổng số 23 bị cáo kháng cáo, 60 nguyên đơn dân sự, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, Huyền Như cho rằng Như không kháng cáo mà chỉ xin lại biệt thự trị giá 43 tỷ đồng cho mẹ. Ngoài ra, còn 2 nguyên đơn dân sự và một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan rút kháng cáo.

Phiên tòa phúc thẩm do tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét xử được bắt đầu từ ngày 15-12-2014 kéo dài đến 30-12-2014 cho phần xét hỏi và tranh luận.

Trong suốt 2 tuần xét xử, HĐXX đã tập trung làm rõ về các loại tài khoản, việc thu phí tài khoản của ngân hàng VietinBank cùng những quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, các khoản tiền gửi của các nguyên đơn dân sự, bị hại đã được chuyển vào tài khoản của VietinBank và đã được hạch toán trong hệ thống hay chưa, việc chiếm đoạt tiền của Huyền Như và các đồng phạm diễn ra trong giai đoạn nào, khách hàng có lỗi gì trong việc gửi tiền vào ngân hàng VietinBank…

Trong phần nêu quan điểm và đề nghị mức án, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng qua hồ sơ vụ án và phần xét hỏi, đã thấy rõ việc các khách hàng dù bị Huyền Như dẫn dụ nhưng mục đích của họ là gửi tiền vào tài khoản được mở tại VietinBank để hưởng lãi suất, và số tiền họ gửi cũng đã được chuyển vào tài khoản được mở hợp pháp tại VietinBank.

Huyền Như và các đồng phạm tại tòa - Ảnh: Thuận Thắng

Do đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX hủy một phần bản án, trả hồ sơ điều tra lại đối với hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty (SBBS, Toàn Cầu, Hưng Yên, An Lộc, Phương Đông).

Theo đại diện VKS, số tiền này đã được gửi vào hệ thống của VietinBank. Do đó, Như chiếm đoạt số tiền này là chiếm đoạt tiền của VietinBank chứ không phải lừa đảo của khách hàng, và Huyền Như là người có quyền hạn và chức vụ tại VietinBank, được ký duyệt chi đến 50 tỷ đồng nên hành vi của Như không phải là lừa đảo mà là tham ô tài sản.

Và trong việc gửi tiền vào VietinBank, các khách hành này không có lỗi, việc VietinBank đổ lỗi cho khách hàng là “đổ lỗi ngược”. Để xảy ra việc mất tiền là do việc quản lý tại VietinBank lỏng lẻo dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt tiền của chính VietinBank.

Riêng đối với số tiền gửi của ngân hàng ACB và NaviBank, HĐXX cho rằng, cả hai ngân hàng này đều là ngân hàng thương mại, biết rất rõ quy định cấm gửi lãi suất vượt trần nhưng vẫn thực hiện. Bởi vậy, pháp luật không thể bảo vệ cho số tiền của 2 ngân hàng này.

Về các bị cáo có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, VKS đề nghị HĐXX xem xét cho những bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng VietinBank chi nhánh TP HCM, họ đều tin vào uy tín của Huyền Như, một số bị Như chỉ đạo nên đã vi phạm về quy chế cho vay, nên đề nghị HĐXX xem xét giảm án.

Riêng về phần thu hồi vật chứng của vụ án đã không được cấp sơ thẩm làm rõ nên VKS đề nghị HĐXX làm rõ và thu hồi từ các khoản tiền thu lời bất chính của các bị cáo phạm tội cho vay lãi nặng và làm rõ các nguồn tiền này đã được chuyển đi đâu.

Trong phần tranh luận, đại diện ngân hàng VietinBank không đồng ý bồi thường tiền cho các khách hàng bởi cho rằng khách hàng không có lỗi ham lãi suất mà bị Như dẫn dụ lừa đảo. Tranh luận lại điều này, VKS cho rằng, việc ngân hàng phải có trách nhiệm với khách hàng là một điều quá rõ, không cần phải tranh cãi.

Sau 2 tuần làm việc, ngày 30-12, các bị cáo đã nói lời sau cùng, phần lớn các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt, một số bị cáo được tại ngoại xin HĐXX cho được ăn tết cùng gia đình trước khi phải thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Trưa 27-1-2014, HĐXX đã tuyên phạt Huyền Như mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu giấy tờ của cơ quan nhà nước.

Mức án sơ thẩm của Huyền Như và các đồng phạm:

Theo: tuoitre.vn
Xem thêm:
 
Tòa đồng tình với Viện Kiểm sát: Huyền Như có dấu hiệu tham ô
Hôm nay (7-1), Toà Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên án vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ VietinBank Chi nhánh TP.HCM) và các đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng sau nhiều ngày nghị án.
 
Vụ án Huyền Như: Hiệu lực pháp lý của các giao dịch dân sự
Trong khi khẳng định VietinBank có trách nhiệm bồi thường khoảng 1.080 tỉ đồng cho nhóm năm công ty gồm An Lộc, SBBS, Hưng Yên, Toàn Cầu và Phương Đông, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) lại bác bỏ trách nhiệm đó đối với ACB và Navibank vì hành vi gửi tiền của hai ngân hàng này là trái luật, nên không được pháp luật bảo vệ. Từ khía cạnh dân sự của vụ án, bài viết sau đây phân tích...
 
Rốt cuộc Huyền Như tham ô hay lừa đảo?
VKS nói Huyền Như vừa phạm tội tham ô tài sản, vừa phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về mặt học thuật, điều đó có ổn không? Tại sao cùng một hành vi giống nhau mà “đoạn” này thì tham ô,”khúc” kia lại lừa đảo?
 
Việt Nam thắng vụ kiện quốc tế
Hội đồng trọng tài của Tòa trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) bác bỏ toàn bộ các nội dung khiếu kiện của bệnh viện DialAsie.
 
Vụ năm CA đánh chết người ở Phú Yên: CA, tòa, viện đòi ‘xử’ luật sư
Công an, tòa và VKSND TP Tuy Hòa kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ cho gia đình bị hại, vì cho rằng luật sư này xúc phạm nhiều người.
 
Bồi thường gần 700 triệu đồng vì cho nghỉ việc trái luật
Ngày quay lại làm việc vì nghỉ thai sản, chị gọi điện cho tài xế lái xe và được báo là “Tổng giám đốc không cho dừng xe lại đón chị”. Đến công ty, chị tiếp tục bị bảo vệ ngăn lại.
 
Từ 5/1 lấy ý kiến dân về bộ luật Dân sự sửa đổi
Trong 3 tháng, từ 5/1 đến 5/4, người dân có thể góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản về dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi.
 
Vụ tử tù Hồ Duy Hải: 4 nghi vấn trong vụ án giết người tàn độc
Ngày 4-12, chỉ một ngày trước thời điểm thi hành án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải, người bị hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án tử hình về tội giết người, cướp tài sản xảy ra ở Bưu điện Cầu Voi (Long An), TAND tỉnh Long An đã quyết định hoãn thi hành án đối với tử tù này để chờ cấp có thẩm quyền xem xét.   
 
Nghĩ con đối xử tệ, mẹ đòi lại đất đã cho
Người mẹ cho rằng con gái ngược đãi, vi phạm điều cam kết trước đó khi bà tặng cho đất nên kiện ra tòa đòi lại.
 
Bộ trưởng Thăng: Tôi không tin vào lời hứa của tổng thầu
Chiều 4/1, làm việc với tổng thầu Trung Quốc dự án đường sắt trên cao, Bộ trưởng GTVT nói thẳng không tin vào lời hứa và nhận trách nhiệm của họ; không muốn dự án là nơi thí điểm cho những người không đủ năng lực và thiếu lương tâm.