Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Vì sao Công ty Housing Group lại “lọt mọi cửa”?

 

Việc một doanh nghiệp tương đối nhỏ như Công ty Housing Group ngang nhiên triển khai những dự án lớn dù “thiếu Đông thiếu Tây” đã đặt ra nghi vấn có phải do đã được một số cơ quan của TP Hà Nội giúp sức?
 

Vốn ít vẫn triển khai nhiều dự án “khủng”

Báo CAND số 3453 đã thông tin về những sai phạm của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) do bà Châu Thị Thu Nga làm Chủ tịch HĐQT và Công ty HAIC. Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi có được Công ty Housing Group còn có dấu hiệu sai phạm tại một số dự án khác. 

Cụ thể, Công ty Housing Group đã huy động vốn của 57 khách hàng và ký hợp đồng tại nhà với 10 khách hàng tại Khu nhà ở kinh doanh tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) với tổng số tiền thu được là hơn 51 tỷ đồng. Tại dự án Trung tâm thương mại kết hợp văn phòng và nhà ở chung cư cao tầng tại 132 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), mặc dù Công ty Housing Group không phải là chủ đầu tư dự án, công ty này huy động vốn của 39 cá nhân và 3 tổ chức với tổng số tiền hơn 63,2 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, năng lực tài chính của Công ty Housing Group và đối tác - Công ty HAIC không đảm bảo theo quy định “không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha…” (Điều 5 Nghị định 153/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản). Kiểm tra trên hồ sơ tài chính của Công ty Housing Group, cơ quan chức năng xác định: Năm 2008, vốn chủ sở hữu chỉ là 15 tỷ đồng, đến năm 2013 tăng lên 164 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty này đã hạch  toán cả tiền huy động vốn của một số khách hàng tại dự án B5 Cầu Diễn, dự án Phú Thượng vào nguồn vốn chủ sở hữu để “làm đẹp” báo cáo tài chính. Theo đó, vốn của chủ sở hữu Công ty Housing Group, vào thời điểm cuối 2008 là hơn 96 tỷ đồng và đến cuối năm 2013 con số này đã tăng lên gấp 3 lần đạt mức 292 tỷ đồng. 

Vốn ít nhưng Công ty Housing Group vẫn “liều” triển khai đồng thời các dự án “khổng lồ”: Dự án B5 Cầu Diễn có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 2.604 tỷ đồng; Dự án 132 Thanh Xuân có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 953 tỷ đồng và dự án tại Phú Thượng có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 70 tỷ đồng.
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã góp vốn vào dự án B5 Cầu Diễn nhưng đến nay khu đất này vẫn là một… bãi hoang. Ảnh: Trung Kiên
 
Ai đã “tiếp tay” cho sai phạm của Công ty Housing Group?
Trong một báo cáo đề ngày 10/10/2014, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã chỉ rõ: UBND thị trấn Cầu Diễn, Thanh tra Xây dựng huyện Từ Liêm chưa lập hồ sơ xử lý vi phạm trật tự xây dựng của Công ty Housing Group tại khu đất B5 Cầu Diễn. Hai đơn vị  này cũng xác nhận không đúng hiện trạng sử dụng đất thuộc Công ty HAIC (tại thời điểm xác nhận, lô đất CT5 và HH2 đã có quyết định của UBND TP thu hồi đất, giao đất cho Công ty VIGEBA tiến hành đầu tư theo quy hoạch Khu đô thị Thành phố giao lưu - PV).
Liên quan đến dự án tại thị trấn Cầu Diễn, năm 2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NN&PTNT) có văn bản đồng ý với đề nghị của Công ty HAIC chuyển mục đích sử dụng 20.000m2 đất tại khu B5 Cầu Diễn và xin hợp tác với Công ty Housing Group để lập và thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng khu chung cư cao tầng và biệt thự, nhà vườn”.
Cũng tại dự án B5 Cầu Diễn, tuy Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) là cơ quan đề xuất UBND TP cho liên doanh nghiên cứu thực hiện dự án xây dựng công trình và cho phép liên doanh được tiếp nhận hồ sơ dự án từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) nhưng lại “quên” kiểm tra, đôn đốc quyết liệt nhà đầu tư triển khai các thủ tục thực hiện dự án. Chưa kể, Sở KH-ĐT còn báo cáo đề xuất UBND TP chủ trương cho liên doanh điều chỉnh quy hoạch toàn bộ ô số 14 khu B5 Cầu Diễn mà không tham khảo ý kiến của Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Về dự án nhà ở để bán cho cán bộ công nhân viên khó khăn về nhà ở và các đối tượng khác, UBND quận Cầu Giấy đã “tự động” ra Thông báo số 31/UBND-TBHĐ ngày 18/4/2007 thu hồi đất trong khi TP chưa chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa có văn bản giao Công ty Housing Group làm chủ đầu tư… Quyết định 216 phê duyệt dự án này của lãnh đạo quận Cầu Giấy cũng được kết luận là “không đúng thẩm quyền”, “vi phạm Luật Nhà ở”.
UBND quận Cầu Giấy còn cấp giấy phép xây dựng cho Công ty Housing Group trong khi công ty này chưa được Sở Tài nguyên - Môi trường bàn giao đất và tất nhiên cũng chưa nộp tiền sử dụng đất... Và Sở Tài nguyên - Môi trường cũng “quên” báo cáo UBND TP về việc không phải lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này như chỉ đạo của TP.
Dư luận cũng không hiểu lý do Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận đề xuất của Công ty Housing Group được điều chỉnh cục bộ khu đất 132 Nguyễn Trãi từ chức năng sử dụng đất công cộng sang đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, căn hộ cho thuê và chung cư cao tầng trong khi công ty này chẳng phải chủ thể sử dụng đất, chủ dự án. Khi giải trình, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nại lý do “dựa trên hợp đồng ủy quyền giữa Tổng Công ty thương mại Hà Nội với Công ty Housing Group”. Thêm nữa, việc Sở này đề xuất bổ sung chức năng sử dụng đất căn hộ cho thuê và chung cư cao tầng cũng không đúng với chỉ đạo của UBND TP, vi phạm quy hoạch chi tiết 1/2000 quận Thanh Xuân, đã được UBND TP phê duyệt.
Tại Thông báo kết luận số 829-TB/TU, ngày 20/10/2014, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu xác định rõ hơn trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền các cấp của thành phố liên quan đến các sai phạm của Công ty Housing Group, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp... Tuy nhiên, đến nay, công luận chưa rõ đã có cơ quan nào, cá nhân nào bị xử lý với mức độ ra sao đối với những sai phạm này. Và chỉ khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an “vào cuộc” thì những sai phạm tại doanh nghiệp của bà Châu Thị Thu Nga mới bị “lộ sáng”.
Theo: dantri.com.vn
Xem thêm:
Bắt bà Thu Nga: Trăm tỷ mua 'bánh vẽ' đòi ai?
Đóng hàng tỉ đồng để mua nhà, rồi dài cổ chờ đợi hết năm này qua năm khác nhưng vẫn không được nhận nhà trong khi dự án bất động sản vẫn nằm im lìm, cỏ hoang mọc lút đầu. Không ít người mua nhà hoang mang, liệu dự án có tiếp tục thực hiện hay làm thế nào để lấy lại tiền đang là một câu hỏi lớn? 
 
Đầu năm, nhà băng lớn bé đua nhau báo lãi
Nhiều nhà băng đã vượt qua những khó khăn của năm 2014 đầy ngoạn mục nên nhanh chân báo lãi ngay từ tuần đầu tiên của năm 2015. Cùng với đó, tổng tài sản của các nhà băng cũng được bảo toàn và tăng lên.
 
Chấm dứt tình trạng 1 con gà “cõng” 14 loại phí
Trước phản ánh một con gà đang phải “cõng” 14 loại phí, đẩy giá bán sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu các đơn vị liên quan có biện pháp để chấm dứt tình trạng bất hợp lý như vậy.
 
33 năm ròng rã kêu oan
Gần 34 năm về trước, bốn người bị bắt vì công ty nơi họ làm việc có trộm. Sau khi bị tạm giam chín tháng 20 ngày, họ được tha về nhưng thân phận bị can cứ bị treo lơ lửng, mãi đến tháng 5-2014 mới được đình chỉ điều tra…
 
Vụ luật sư Đôn và những tín hiệu vui
 Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên đã yêu cầu Thành ủy TP Tuy Hòa chỉ đạo các cơ quan tố tụng Tuy Hòa kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, rút kinh nghiệm việc ra “văn bản kiến nghị” thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư đối với luật sư Võ An Đôn (ảnh), người bảo vệ quyền lợi cho gia đình anh Ngô Thanh Kiều trong vụ “năm công an đánh chết người” là tín hiệu vui.
 
Vụ án Huyền Như: Sơ thẩm thu 150 tỉ đồng, phúc thẩm thu 9.000 tỉ đồng!
 Tòa án cấp phúc thẩm xác định tiền gốc và lãi là phương tiện phạm tội nên tịch thu tất cả, kể cả với các bị cáo không kháng cáo, kháng nghị. Việc này đúng hay sai?
 
Áp dụng luật rất khôi hài trong vụ án ở Sóc Trăng
Đó là đánh giá của ông Nguyễn Đình Quyền, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khi nói về một vụ án được đình chỉ điều tra ở Sóc Trăng. 
 
Một con gà 'cõng' 14 loại phí
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp vừa chỉ đạo các đơn vị kiểm tra toàn bộ các loại phí, lệ phí trong ngành, trước thực trạng một con gà thịt đang phải chịu tới 14 loại phí.
 
Hà Nội: Hàng loạt vụ án có dấu hiệu oan, sai
 Sau khi nhận được án có dấu hiệu oan, sai do các cơ quan liên quan thống kê, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ thẩm định để báo cáo Chủ tịch nước…
 
Hà Nội: Làm sổ đỏ 32m2 đất, công dân bị áp thuế gần nửa tỷ đồng
Chủ sở hữu mảnh đất tại 9A, ngõ 178/2, đường Giải Phóng đã sử dụng ổn định đất tái định cư từ năm 1984, hàng năm nộp thuế đầy đủ theo quy định. Khi người nhận chuyển nhượng xin cấp sổ đỏ 32,18m2, công dân đã “sốc” vì bị áp thuế gần nửa tỷ đồng.