Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Từ vụ đại án AIC: Nên hiểu thế nào về "khoan hồng đặc biệt"?

Từ vụ đại án AIC: Nên hiểu thế nào về "khoan hồng đặc biệt"?
Từ vụ đại án AIC, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, "khoan hồng đặc biệt" là gì và vận dụng thế nào cho đúng?

Khái niệm mới chứ không phải chính sách mới

Tại phiên tòa sơ thẩm vụ đại án AIC, luật sư đề nghị cho cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành được hưởng "khoan hồng đặc biệt" để "giáo dục con cháu đừng đi theo vết xe đổ của mình"…

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, "khoan hồng đặc biệt" là gì và vận dụng thế nào cho đúng?

Từ vụ đại án AIC: Nên hiểu thế nào về "khoan hồng đặc biệt"? - Ảnh 1.

Cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, thời gian gần đây nhiều người có nhắc đến từ chính sách "khoan hồng đặc biệt".

Tuy nhiên, đây là một khái niệm mới chứ không phải là một chính sách mới. Chính sách khoan hồng nhân đạo đã có từ lâu, đây là biểu hiện của bản chất pháp luật xã hội chủ nghĩa và luôn tồn tại trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Khoan hồng sẽ được áp dụng đối với từng đối tượng, từng nhóm tuổi, từng người phạm tội trong những hoàn cảnh cụ thể. Bản án của tòa án đòi hỏi luôn luôn phải thể hiện được sự khoan hồng của pháp luật nhưng cũng phải thể hiện tính nghiêm trị để mỗi bản án khi kết tội đối với bị cáo, sẽ có những loại hình phạt và mức hình phạt phù hợp.
 

Nhưng khoan hồng không đồng nghĩa với việc áp dụng sai pháp luật, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt một cách tùy tiện, vô tội vạ.

Theo ông Cường, luật hình sự năm 2015 có nhắc đến khái niệm "khoan hồng đặc biệt". Cụ thể tại Điều 59 quy định về "Miễn hình phạt".

Theo đó, người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, Bộ luật hình sự có quy định về trường hợp miễn hình phạt. Nếu người thực hiện hành vi phạm tội không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có thể áp dụng quy định để chuyển khung, khoản hình phạt và đáng được khoan hồng ở mức độ "đặc biệt" sẽ có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Sự "đặc biệt" ở đây khác với khoan hồng thông thường, phổ thông, phổ biến, người được miễn hình phạt phải là người có những tình tiết, hoàn cảnh "đặc biệt" về nhân thân hoặc về hành vi mà xét thấy không cần phải áp dụng hình phạt cũng có thể đủ để giáo dục, cải tạo, răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Còn đối với người thực hiện hành vi phạm tội mà thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, có nhân thân tốt, có thành tích suất sắc trong học tập, lao động, là người có công với cách mạng... thì đó là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được quy định cụ thể tại điều 51 Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp này tòa án có thể áp dụng điều 54 Bộ luật hình sự để chuyển khung hình phạt xuống khung liền kề nhẹ hơn hoặc áp dụng hình phạt ở khung thấp nhất của tội danh theo nguyên tắc mà Bộ luật hình sự đã quy định.

Nếu yếu tố nhân thân và hành vi không có gì đặc biệt sẽ không thể cho rằng đây là trường hợp áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt để miễn hình phạt cho bị cáo…

Xử lý tội phạm phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho biết, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán cũng quy định nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ.

Cụ thể, việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.

Từ vụ đại án AIC: Nên hiểu thế nào về "khoan hồng đặc biệt"? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

Bên cạnh đó, cũng xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một số trường hợp cụ thể.

Đây là những chính sách xuyên suốt trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ nói riêng và các loại tội phạm khác nói chung.

Khi áp dụng pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải xem xét đến trường hợp hành vi như vậy đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa, có thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự hay không, có thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự hay miễn hình phạt hay không chứ không có chính sách khoan hồng đặc biệt đối với nhóm tội phạm nào, với người phạm tội cụ thể nào.

Bởi vậy, trong những vụ án có bị cáo là người có chức vụ, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội, lợi dụng dịch bệnh để phạm tội, là người có vai trò chính, phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…thì dù có thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, dù bản thân có nhiều thành tích, nhân thân tốt, đã bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả…

Đó cũng chỉ là những tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự chứ không thể là căn cứ để miễn hình phạt, không thể cho rằng đó là trường hợp phải được "khoan hồng đặc biệt".
Theo: Báo Dân Việt