Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » TS.LUẬT SƯ ĐẶNG VĂN CƯỜNG: Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CỦA NHÂN DÂN PHẢI ĐƯỢC TỔNG HỢP ĐẦY ĐỦ, TIẾP THU VÀ GIẢI TRÌNH NGHIÊM TÚC

TS.LUẬT SƯ ĐẶNG VĂN CƯỜNG: Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CỦA NHÂN DÂN PHẢI ĐƯỢC TỔNG HỢP ĐẦY ĐỦ, TIẾP THU VÀ GIẢI TRÌNH NGHIÊM TÚC

Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03/01 đến hết ngày 15/3/2023. Quan tâm đến vấn đề này, TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng cơ quan, tổ chức lấy ý kiến cần xác định rõ vấn đề trọng tâm, địa bàn trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng tác động trực tiếp để việc lấy ý kiến hiệu quả nhất. Ý kiến đóng góp của Nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc.

Đất đai có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người và các hoạt động xã hội. Sau thời gian tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Với vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, Luật Đất đai là đạo luật hết sức quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng lớn đến việc thực thi quy định của nhiều luật khác. Đây cũng là đạo luật phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và tới tất cả các tổ chức và từng người dân. Việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai lần này là sự kiện có ý nghĩa chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm hàng đầu trong định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV. Trước tầm quan trọng đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Phóng viên: Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03/01 đến hết ngày 15/3/2023. Luật sư có đánh giá như nào về sự cần thiết của việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật này?

TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội. Mục đích sửa đổi Luật Đất đai là để giải quyết các bất cập, chồng chéo, vướng mắc của các quy định pháp luật cũ, phù hợp với thực tiễn xã hội; tăng cường công tác quản lý đất đai. Thay đổi Luật Đất đai phải hướng đến hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật đó, lợi ích của Nhà nước và các chủ thể trong xã hội, tạo điều kiện kích thích đầu tư, phát triển, phát huy tính dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Xây dựng luật cần tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đó có quy định về lấy ý kiến các đối tượng tác động. Thực tế có ít luật tổ chức lấy ý kiến Nhân dân rộng rãi mà chỉ những dự án lớn như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai… Tuy nhiên, lấy ý kiến của Nhân dân khác với việc lấy ý kiến đối tượng tác động theo quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc lấy ý kiến Nhân dân là quan trọng, thể hiện sự quan tâm, lắng nghe ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong việc xây dựng pháp luật của Đảng và Nhà nước. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết nhằm bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Luật; tạo sự đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai và nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi).

Phóng viên: Theo dự kiến, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 10/2023. Hiện nay, việc lấy ý kiến Nhân dân đã trôi qua hơn 1 tháng nhưng số lượng ý kiến đóng góp còn khiêm tốn, theo luật sư, việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật này cần phải thực hiện như thế nào để tránh tính hình thức và đảm bảo hiệu quả?

TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Nghị quyết đã quy định việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm. Tình trạng số lượng ý kiến đóng góp còn khiêm tốn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Để tránh việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo luật thực hiện một cách hình thức, cơ quan tổ chức lấy ý kiến cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý... Ban hành kế hoạch, triển khai tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và Nhân dân một cách khoa học, hợp lý; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo luật, đặc biệt tập trung vào các vấn đề quan trọng và các vấn đề được nhiều người dân quan tâm.

Cùng với đó cần quan tâm phân tích, giải thích các quy định mới trong dự thảo luật, sự tác động của các chính sách mới đối với từng đối tượng chịu sự điểu chỉnh. Cần xác định rõ vấn đề trọng tâm, địa bàn trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng tác động trực tiếp để việc lấy ý kiến hiệu quả nhất. Ý kiến đóng góp của Nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc.

Phóng viên: Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và tới tất cả các tổ chức và từng người dân. Với những nội dung trong dự thảo luật, Luật sư đặc biệt quan tâm tới vấn đề nào? Đâu là những nội dung cần chú trọng để hoàn thiện dự thảo Luật?

TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có hai nội dung tôi quan tâm nhất bởi nó liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của Luật sư. Đó là trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (hiện nay đang quy định tại điều 62 Luật Đất đai năm 2013) và quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất khi nhà nước thu hồi, trong đó có quyền lợi giá trị bồi thường, hỗ trợ và chính sách tái định cư.

Trong quá trình nghiên cứu pháp luật về đất đai cũng như thực tiễn hành nghề Luật sư bảo vệ quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất, chúng tôi thấy rằng ở rất nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng lợi dụng vào Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 để thu hồi đất vô tội vạ sau đó giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền gây bức xúc trong dư luận, bất bình đẳng trong việc sử dụng đất, gây khiếu kiện kéo dài, nhiều nơi dẫn đến mất an ninh trật tự, suy giảm niềm tin của người dân đối với các cấp chính quyền, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Trước đây, Luật Đầu tư còn quy định hình thức đầu tư “BT” dẫn đến nhiều địa phương đã vận dụng quy định này để "đổi đất lấy hạ tầng".

Theo đó, doanh nghiệp có thể đầu tư để làm một đoạn đường hoặc một công trình công cộng phúc lợi nào đó rồi bàn giao cho địa phương, chính quyền địa phương không có nguồn kinh phí để chi trả nên đã thu hồi đất của nhiều hộ dân để giao cho doanh nghiệp nhằm “đổi lấy” hạ tầng kĩ thuật về giao thông, công trình công cộng ở địa phương. Sau khi nhận đất, doanh nghiệp phân lô bán nền với giá rất cao, trong khi đó đơn giá bồi thường thì quá thấp dẫn đến bất bình đẳng, khiếu kiện kéo dài ở nhiều nơi. Việc không quy định rõ ràng thế nào là dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng dẫn đến tình trạng nhiều địa phương lợi dụng quy định này để lấy đất của người dân, sau đó giao cho doanh nghiệp theo hình thức “BT”.

Vấn đề thứ hai là vấn đề giá đất để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Luật Đất đai quy định giá đất nhà nước đưa ra để bồi thường phải sát với giá thị trường. Nhưng trên thực tế không có đủ cơ chế để đảm bảo việc giá đất nhà nước đưa ra bằng với giá thị trường dẫn đến người có đất bị thu hồi bị thiệt thòi, không đồng ý bàn giao mặt bằng, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng và gây thiệt hại đến tài sản của người sử dụng đất.

Nghị quyết 18-NQ/TW quy định quyền lợi của người sử dụng đất sau khi bị thu hồi đất phải được đảm bảo. Theo đó, bỏ khung giá đất để địa phương lập giá đất phù hợp với giá thị trường, điều kiện đời sống của người dân sau khi bị thu hồi đất, ít nhất là bằng hoặc tốt hơn điều kiện sống trước đây. Nội dung quy định, định hướng này trong Nghị quyết 18-NQ/TW cần phải được thể chế hóa thành những điều luật cụ thể, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ áp dụng và đảm bảo tính khả thi trên thực tế.

Nếu thực hiện được điều này thì vấn đề khiếu kiện hành chính về đất đai khi nhà nước thu hồi sẽ giảm đi rất nhiều, đảm bảo công bằng xã hội và giảm bớt những hệ lụy, tiêu cực xã hội khi thực hiện thủ tục thu hồi đất. Khi giá đất mà nhà nước thu hồi bằng với giá thị trường, quyền lợi điều kiện tái định cư tốt hơn chỗ ở hiện tại thì người dân sẽ sẵn sàng bàn giao đất, sẵn sàng hợp tác phối hợp tối đa với chính quyền để bàn giao mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất, các dự án sử dụng đất sẽ được đưa vào triển khai nhanh chóng bởi khi đó đã hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Qua nghiên cứu, tôi cho rằng có mấy vấn đề trọng tâm cần phải nghiên cứu, bàn luận để đảm bảo chất lượng của văn bản pháp luật. Đó là vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vấn đề về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về thu hồi đất, quy định về quyền lợi của người sử dụng đất khi nhà nước thu hồi và vấn đề đất đai gắn với thị trường bất động sản. Đây là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, liên quan đến công tác quản lý sử dụng đất và liên quan đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục, các giao dịch, các hoạt động dân sự, kinh tế xã hội liên quan đến quyền sử dụng đất.

Nếu những vấn đề này quy định không chặt chẽ, thiếu thống nhất, không khoa học, chưa phù hợp với chính sách mới về đất đai thì sẽ dẫn đến có những cách hiểu khác nhau, khó áp dụng, dễ gây ra tranh chấp, khiếu kiện, tiêu cực trong công tác quản lý đất đai. Bởi vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 cần phải bám sát vào chính sách trên cơ sở tổng kết thực tiễn và có học hỏi, vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài. Nếu Luật Đất đai không phù hợp với chính sách thì không thể phát huy hiệu quả, nếu kỹ thuật lập pháp không tốt, thiếu pháp điển hóa thì sẽ dẫn đến khó áp dụng, không đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể trong mối quan hệ hành chính, dân sự, kinh tế về đất đai. Bởi vậy, tất cả các chương, mục, điều, khoản của Luật Đất đai đều có những vai trò, ý nghĩa khác nhau.

Tuy nhiên, những vấn đề quan trọng nhất là những vấn đề liên quan đến quản lý vĩ mô, quản lý đất đai với tư cách là công sản quốc gia, là tài nguyên quý giá và hữu hạn, là chủ quyền lãnh thổ, là nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời đất đai cũng là động lực để cho người dân và doanh nghiệp có cơ hội sử dụng, vận dụng, phát huy tối đa hiệu quả để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Hy vọng rằng, những đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, của các cơ quan quản lý nhà nước, ý kiến đóng góp của nhân dân sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo, làm cơ sở để trình Quốc hội thông qua trong các kỳ họp tới đây.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Minh Thành-Cổng thông tin điện tử Quốc hội