Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » TS.LUẬT SƯ ĐẶNG VĂN CƯỜNG: GIẢI ĐÁP NHỮNG TỒN TẠI, VƯỚNG MẮC TỪ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẾN TỔ CHỨC THỰC THI
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp
Phóng viên: Chiều nay (03/11), Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày đối với các nhóm vấn đề xây dựng, nội vụ, thông tin và truyền thông, thanh tra. Luật sư đánh giá như nào về 4 nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn lần này?
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Đây là bốn nhóm vấn đề quan trọng và phải gọi là các vấn đề nóng trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay. Đối với vấn đề xây dựng, tôi cho rằng đây là vấn đề cơ bản quan trọng liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, các công trình xây dựng để đáp ứng nhu cầu ở, sản xuất, kinh doanh của nhân dân, các công trình đầu tư công, công trình phục vụ an ninh, quốc phòng và các công trình công cộng. Vấn đề xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật, liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đặc biệt có tác động đến mọi chủ thể trong xã hội khi thực hiện việc xây dựng, sửa chữa các công trình dân dụng, và là cơ sở pháp lý để tiến hành xây dựng các công trình đầu tư công.
Hiện tượng buông lỏng quản lý, vi phạm quản lý về trật tự xây dựng còn diễn ra ở nhiều địa phương gây bức xúc, khiếu kiện. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn vi phạm về xây dựng đến mức bị xử lý hình sự; nhiều cán bộ có trách nhiệm trong công tác quản lý cũng bị xem xét xử lý kỷ luật phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến việc quản lý đất đai, quản lý xây dựng. Nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực này còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập. Các quy định của Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch, Luật Đất đai và Luật Xây dựng còn có những mâu thuẫn, chồng chéo, ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai các dự án về bất động sản thương mại và các dự án đầu tư công.
Một số thành phố lớn có những công trình vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng như vừa tăng, xây dựng tầng hầm trái phép; mật độ xây dựng không phù hợp với quy hoạch gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình, áp lực đối với hạ tầng kỹ thuật gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, gây ách tắc giao thông và nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp... Các công trình xây dựng đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng không đảm bảo có một phần nguyên nhân từ những bất cập chồng chéo, không hợp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bởi vậy, tất cả những vấn đề này cần phải được bàn luận để tìm ra nguyên nhân và cần đưa ra những giải pháp khắc phục, trong đó có giải pháp sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Đối với vấn đề về nội vụ, đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhưng là vấn đề quan trọng có liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, liên quan đến nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội. Nội vụ là vấn đề lớn, bao trùm lên nhiều lĩnh vực. Vấn đề này thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp của Bộ Nội vụ. Theo quy định của pháp luật, Bộ Nội vụ là cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; hội, tổ chức ... Trong rất nhiều vấn đề về nội vụ, vấn đề mà nhân dân và cử tri quan tâm đó là chất lượng nguồn nhân lực trong các cơ quan nhà nước; vấn đề chuyển dịch nhân lực từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục trong thời gian gần đây. Vấn đề chế độ tiền lương và các quyền lợi của người hưởng lương chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa đảm bảo được quyền lợi của người lao động; vấn đề tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp gây bất bình trong nhân dân, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với chính quyền.
Bởi vậy, tôi cho rằng vấn đề nội vụ là vấn đề đặc biệt quan trọng, là chìa khóa để phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát tình hình tham nhũng, xây dựng uy tín của đảng và nhà nước trước nhân dân. Cần phải kiện toàn, hoàn thiện các quy định về đánh giá chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình tuyển chọn, bồi dưỡng, lựa chọn, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ cho phù hợp. Nếu tiêu chí, tiêu chuẩn, cách đánh giá, phương pháp lựa chọn không phù hợp sẽ dẫn đến việc nhà nước tuyển chọn nhân lực không có chất lượng hoặc khi đã tuyển chọn nhân lực đã có chất lượng nhưng không có lộ trình, kế hoạch, phương pháp để đào tạo bồi dưỡng thì việc sử dụng nhân lực cũng không hiệu quả. Cần phải kiên quyết loại bỏ tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy việc. Việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cần phải có quy định, quy trình chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc để lựa chọn được nhân tài và những vị trí phù hợp.
Khi nào còn để xảy ra hiện tượng chạy việc, chạy chức, chạy quyền, chạy ghế, chạy luân chuyển... thì còn tham nhũng, còn tiêu cực và những vấn đề này còn nóng bỏng, còn diễn biến phức tạp. Khi chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện, không được nâng cao thì hiệu quả công việc sẽ không đảm bảo và công tác quản lý xã hội sẽ lỏng lẻo, thiếu sót, thậm chí vi phạm dẫn đến những tiêu cực và hệ lụy xã hội.
Đối với vấn đề thông tin truyền thông, tôi cho rằng đây là vấn đề rất mới, rất nóng, rất thời sự có tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, là vấn đề thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như một cuộc đua giữa các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa, Quốc gia nào đi trước một bước về thông tin truyền thông thì quốc gia đó sẽ có lợi thế trong các mối quan hệ kinh tế, văn hóa xã hội, quan hệ an ninh, quốc phòng, đảm bảo giữ vững chủ quyền quốc gia, phát triển lực lượng sản xuất, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển đa dạng, phong phú, giảm bớt các chi phí xã hội và gia tăng của cải trong xã hội. Với tầm quan trọng của lĩnh vực thông tin truyền thông và những tác động trực tiếp của lĩnh vực này đến với đời sống xã hội, Việt Nam cần quan tâm chú trọng và đầu tư hơn nữa đối với lĩnh vực này.
Đầu tiên là vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng, biến không gian mạng trở thành một môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, môi trường xây dựng đạo đức văn hóa; là không gian vui chơi giải trí, là điểm giao thoa văn hóa thế giới và tiếp thu những thành tựu khoa học kĩ thuật. Tuy nhiên vấn đề thông tin truyền thông luôn phải ưu tiên hàng đầu là đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đấu tranh kiên quyết đối với những thế lực thù địch, sử dụng không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước. Cần phải xây dựng lực lượng phòng, chống tội phạm công nghệ cao hùng mạnh, tinh nhuệ, chuyên nghiệp, được trang bị hiện đại để thực hiện các giải pháp phòng ngừa cũng như đấu tranh với tội phạm công nghệ cao trên không gian mạng.
Cần xây dựng văn hóa, đạo đức cho cộng đồng mạng, biến không gian mạng trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề tự do ngôn luận trên không gian mạng, tự do báo chí, tự do hội họp cần được đảm bảo theo quy định của hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên cần tăng cường công tác quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm. Với những đối tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo trong sạch môi trường mạng; đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo uy tín của Đảng, của Nhà nước và của mọi công dân.
Đối với vấn đề thanh tra, đây không phải là vấn đề mới, tuy nhiên trong thời gian qua vấn đề thanh tra cũng bộc lộ rất nhiều vấn đề cần phải xem xét đổi mới để đảm bảo tính hiệu quả. Cần phải có những thống kê rà soát thực tiễn kết quả thanh tra, kiểm tra đối với từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực. Cần so sánh kết quả thanh tra với kết quả xử lý vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Cần làm rõ nguyên nhân tại sao thời gian qua ở một số địa phương quá trình thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo không phát hiện ra vi phạm nhưng khi cơ quan điều tra vào cuộc thì lại phát hiện nhiều vi phạm, thậm chí có những vi phạm nghiêm trọng, kéo dài và xử lý hàng loạt cán bộ?
Thẩm quyền thanh tra, thủ tục thanh tra, quy trình thực hiện việc thanh tra đối với từng ngành, lĩnh vực cũng như kết quả thanh tra; vấn đề giám sát hoạt động thanh tra, đánh giá kết quả thanh tra theo quy định của pháp luật cần phải sửa đổi bổ sung phù hợp để đảm bảo tính khách quan, hiệu quả trong công tác thanh tra. Vấn đề thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan thanh tra trong thời gian qua cũng còn nhiều tồn tại, nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài thời gian giải quyết không phù hợp với quy định của pháp luật. Đây là thực tiễn cần phải đối chiếu với các quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại để đảm bảo các quy định pháp luật có tính khả thi, được thực hiện hiệu quả trên thực tế.
Kết quả quá trình thanh tra là phải phát hiện ra những thiếu sót, vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa và làm căn cứ chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xem xét xử lý. Vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là hoạt động quan trọng trong lĩnh vực thanh tra, đây là vấn đề giải quyết những bức xúc trong dư luận xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bởi vậy, việc giải quyết khiếu nại tố cáo cần có những sửa đổi, bổ sung để quy định cụ thể hơn nữa về thẩm quyền, thời gian, về trình tự thủ tục, về chất lượng nhân lực thực hiện nhiệm vụ (đặc biệt là vấn đề nghiệp vụ và đạo đức của người tham gia xác minh, giải quyết khiếu nại tố cáo) và đảm bảo tính khách quan, có sự giám sát đối với hoạt động này.
Phóng viên: Trong các nhóm vấn đề trên, Luật sư quan tâm cụ thể đến nội dung nào?
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Trong bốn nhóm vấn đề trên, tôi quan tâm nhiều đến vấn đề thông tin và truyền thông, vấn đề nội vụ và vấn đề thanh tra. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông còn chưa đầy đủ, chồng chéo, thiếu thống nhất dẫn đến môi trường mạng chưa được kiểm soát tốt. Vấn đề thông tin và truyền thông còn nhiều bất cập dẫn đến tội phạm công nghệ cao phát triển mạnh mẽ, việc đấu tranh với loại tội phạm này còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, không gian mạng là mở rộng biên giới lãnh thổ quốc gia, là môi trường quan trọng trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và cả lĩnh vực an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Bởi vậy, vấn đề tồn tại về thông tin và truyền thông cần được nêu ra, bàn thảo, từ đó đề ra những chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các chủ thể hoạt động hiệu quả và được an toàn trong trong lĩnh vực này
Đối với vấn đề nội vụ, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo hiện nay đang là vấn đề dư luận xã hội và cử tri đặc biệt quan tâm. Hiện tượng hàng loạt cán bộ cao cấp, nhiều lãnh đạo ở nhiều địa phương, nhiều bộ, ngành bị phát hiện sai phạm, bị xử lý kỷ luật và khởi tố hình sự là một thực trạng rất đáng buồn. Sai phạm trong công tác quản lý, vi phạm pháp luật về tham nhũng, tiêu cực diễn ra trong mọi ngành, mọi lĩnh vực. Những lĩnh vực được xã hội tôn vinh, những ngành nghề được cho là cao quý như lĩnh vực y tế, giáo dục, đó là những người thầy. Đáng lẽ ra nhân sự các lĩnh vực này phải là những con người chuẩn mực, hình mẫu về đạo đức, văn hóa nhưng thời gian qua kết quả đấu tranh, phòng, chống tham nhũng cho thấy đây là lĩnh vực có nhiều bê bối, nhiều vị cán bộ, lãnh đạo trong ngành này vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý hình sự.
Vấn đề tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức không còn phù hợp, không tạo động lực phấn đấu, làm chảy máu chất xám. Xu hướng nghỉ việc, bỏ việc, dịch chuyển lao động từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư trở thành hiện tượng đáng lo ngại. Nếu không cải cách tiền lương, cải thiện điều kiện làm việc, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng không hợp lý sẽ gây ra nhiều bê bối trong xã hội. Qua đó có thể tạo ra những nhũng nhiễu, tiêu cực và tham nhũng, dẫn đến trì trệ trong công tác quản lý.
Đối với vấn đề thanh tra, tôi cho rằng cần phải đổi mới công tác thanh tra. Xây dựng quy trình thủ tục chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi; xây dựng nguồn nhân lực có trình độ, đạo đức, bản lĩnh và tác phong làm việc chuyên nghiệp để kiểm soát mọi hoạt động về quản lý nhà nước, kịp thời phát hiện những lỗ hổng, những nguy cơ, sai phạm để khắc phục sửa chữa. Từ đó giảm bớt những vi phạm, tiêu cực gây thất thoát tài sản nhà nước, thiệt hại về nguồn nhân lực. Công tác thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện tốt hơn nữa để đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.
Phóng viên: Luật sư có kỳ vọng như nào vào hiệu quả từ hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV?
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Tôi đánh giá cao hoạt động của Quốc hội khóa XV trong các kỳ họp. Việc điều hành hoạt động của Quốc hội trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội rất khoa học, dân chủ, thẳng thắn do đó đã mang lại những hiệu quả tích cực. Các đại biểu Quốc hội rất có trách nhiệm trong việc thực hiện hoạt động chất vấn, những vấn đề đưa ra là những vấn đề cử tri rất quan tâm và cần được giải quyết kịp thời trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Qua các kỳ họp, tôi nhận thấy việc trả lời chất vấn của các đại biểu cũng rất cụ thể, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề đã giải đáp được những thắc mắc của cử tri, hướng đến việc chia sẻ, thấu hiểu với khó khăn của các bộ, ngành. Từ đó tìm ra những vấn đề còn tồn tại ở cơ chế, chính sách, pháp luật, làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, xây dựng pháp luật. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động quan trọng trong các kỳ họp của Quốc hội được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Những vấn đề còn tồn tại, bức xúc trong xã hội sẽ được các đại biểu nêu ra tại phiên chất vấn. Việc trả lời các đại biểu với những câu hỏi cũng sẽ giải đáp phần nào những tồn tại, vướng mắc từ cơ chế, chính sách, pháp luật từ chất lượng nguồn nhân lực cũng như yếu tố tác động, ảnh hưởng đến những tồn tại trong các lĩnh vực. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng cho thấy chất lượng, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; tính chất dân chủ, khách quan, khoa học trong hoạt động lập pháp của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Việt Nam.
Tôi kỳ vọng, kỳ họp lần này của Quốc hội sẽ giải quyết được nhiều vấn đề mà cử tri và Chính phủ đang rất quan tâm hiện nay, là cơ sở để hoàn thiện chính sách, xây dựng pháp luật, tạo động lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cử tri và nhân dân Việt Nam.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!
- Re: Luật sư Đặng Văn Cường
- Đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác qua tin nhắn điện thoại bị xử lý như thế nào?
- Khởi kiện tội hiếp dâm - Mong luật sư và mọi người giúp đỡ
- tách đất trong quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất.
- Hỏi luật sư về thuế môn bài
- Về điều kiện được cấp sổ đỏ