Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ !
CÁC VẤN ĐỀ VỀ DÂN SỰ,
HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Câu hỏi 1. Anh A làm đơn yêu cầu Tòa án chia thừa kế quyền sử dụng đất của ông B nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lại mang tên ông X. Trong trường hợp này, Tòa án thụ lý vụ án dân sự hay vụ án hành chính? Nếu thụ lý vụ án dân sự thì có thể chia thừa kế của ông B trong khi GCNQSDĐ vẫn mang tên ông X được không?
Trả lời:
Vụ án dân sự hay vụ án hành chính là phụ thuộc vào quan hệ tranh chấp là quan hệ dân sự hay quan hệ hành chính. Quan hệ tranh chấp xác định bởi đối tượng tranh chấp và chủ thể tranh chấp; nói cách khác là ai khởi kiện? kiện ai? Yêu cầu khởi kiện là gì?
Nếu việc khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự thì đó là vụ án dân sự (ví dụ: yêu cầu chia thừa kế). Nếu việc khởi kiện là yêu cầu phán quyết về một quyết định hành chính, hành vi hành chính và đối tượng khởi kiện là cá nhân, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các công vụ hành chính thì đó là vụ án hành chính (ví dụ: khởi kiện yêu cầu hủy GCNQSDĐ ).
Trong trường hợp khởi kiện vụ án dân sự như xin chia thừa kế của ông B thì Tòa án vẫn có quyền giải quyết việc chia thừa kế trong khi GCNQSDĐ vẫn mang tên ông X.Đất tranh chấp đã có GCNQSDĐ là căn cứ xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp vụ án dân sự là của Tòa án. Khi đã xác định thẩm quyền thuộc về Tòa án thì Tòa án có quyền hạn xác định thực chất đất đó là của ai chứ không phụ thuộc vào giấy chứng nhận đã được cấp cho ai. Khi Tòa án giải quyết vụ án dân sự mà xác định tài sản đó là của ai và chia thừa kế thì căn cứ vào quyết định của Tòa án, cơ quan hành chính có nghĩa vụ thay đổi giấy chứng nhận theo quyết định của Tòa án căn cứ vào Điểm đ Khoản 5 Điều 41 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai (sau đây viết tắt là Nghị định 181/2004/NĐ-CP).
Khoản 5 Điều 41 nêu trên quy định:
“ Trong quá trình sử dụng đất, những trường hợp sau đây phải được cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Theo các quy định hiện hành như nêu ở trên thì Tòa án có thể giải quyết vụ án dân sự và có phán quyết về quyền sử dụng đất khác với GCNQSDĐ đã được cấp mà không phải hủy giấy này. Người được giao quyền sử dụng đất theo bản án dân sự cũng không cần phải khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu hủy giấy chứng nhận cũ; họ có quyền yêu cầu cơ quan hành chính cấp giấy chứng nhận mới theo bản án dân sự, và nếu không được cấp theo đúng quy định thì họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu phải cấp GCNQSDĐ mới.
Câu hỏi 2. Tòa án nhận được đơn khởi kiện của ông T yêu cầu giải quyết vụ án chia thừa kế, nhưng tài liệu chứng cứ kèm theo đơn chưa đủ. Tòa án đã yêu cầu ông T bổ sung đơn khởi kiện và gia hạn thời hạn bổ sung đơn khởi kiện, nhưng ông T vẫn không nộp đủ. Tòa án trả lại đơn khởi kiện. Sau đó, ông T khởi kiện lại nhưng thời hiệu khởi kiện đã hết. Trong trường hợp này có thể tính thời hiệu khởi kiện kể từ ngày nộp đơn khởi kiện lần đầu hay không?
Trả lời:
Nếu Tòa án quyết định trả lại đơn khởi kiện và quyết định trả lại đơn khởi kiện đã có hiệu lực (nếu có khiếu nại thì cũng đã được giải quyết khiếu nại) thì việc khởi kiện lần đó đã chấm dứt. Do vậy thời hiệu khởi kiện tính từ lần nộp đơn sau, không được tính từ lần nộp đơn trước.
Cần phải phân biệt nghĩa vụ nộp tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện với việc bổ sung đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện chưa đầy đủ về mặt nội dung thì phải bổ sung, nếu không bổ sung đầy đủ nội dung thì đơn đó chưa hợp lệ, Tòa án không thể nhận đơn đó để thụ lý. Còn tài liệu, chứng cứ là những căn cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện thì họ có quyền xuất trình trong suốt quá trình giải quyết vụ án và ngay cả tại phiên tòa chứ không đòi hỏi phải xuất trình ngay trước khi thụ lý vụ án.
Hình thức, nội dung đơn khởi kiện được quy định cụ thể tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS).
Theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì:
- Về nguyên tắc, khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do khách quan nên họ không thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, thì họ phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Toà án trong quá trình giải quyết vụ án.”
Câu hỏi 3.
A là nguyên đơn khởi kiện đòi lại nhà ở của mình do B đang chiếm hữu, sử dụng. Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết không chấp nhận yêu cầu của A. Sau đó, A kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của A, buộc B phải trả lại ngôi nhà đó cho A (Bản án đã được cưỡng chế thi hành). Vụ án bị kháng nghị giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm đã hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu theo thủ tục sơ thẩm.
Vụ án được chuyển lại cho Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa sơ thẩm đã thông báo gọi A đến Tòa án để tiếp tục thụ lý giải quyết vụ án, nhưng A không đến (vì A đã được sử dụng, quản lý ngôi nhà).
Trường hợp này Tòa án phải giải quyết như thế nào? Nếu B làm đơn khởi kiện yêu cầu A phải trả nhà cho mình (trở thành nguyên đơn) thì Tòa án có thụ lý vụ án mới hay chỉ cần thay đổi địa vị tố tụng giữa nguyên đơn và bị đơn và tiếp tục giải quyết vụ án ?
Trả lời:
Đây là trường hợp có quyết định giám đốc thẩm sau khi bản án đã được đưa ra thi hành xong, nguyên đơn trong vụ kiện đã được giao tài sản. Như vậy, khi thụ lý sơ thẩm lại thì tình trạng tranh chấp đã khác với tình trạng tranh chấp khi xử sơ thẩm trước đây. Tòa án giải quyết sơ thẩm lại phải giải quyết vụ án mới với tất cả những tình tiết mới.
Ví dụ: Khi xét xử sơ thẩm lần đầu, nhà đang do B sử dụng nên khi chấp nhận yêu cầu đòi nhà của A thì Tòa án phải quyết định buộc B giao nhà cho A. Khi xét xử sơ thẩm lại thì người sử dụng nhà là A và A đã có sửa chữa lại nhà thì Tòa án có thể vẫn chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn A nhưng không có việc buộc B phải giao nhà cho A; nếu bác yêu cầu của A thì Tòa án phải giải quyết định cả việc A phải giao lại nhà cho B và cả việc thanh toán chi phí sửa chữa (nếu A có yêu cầu).
Tuy nhiên, khi thụ lý lại vụ án, địa vị tố tụng của các đương sự vẫn xác định theo vụ án cũ nên A vẫn là nguyên đơn. Nguyên đơn được triệu tập đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án phải ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 192 BLTTDS.
Trường hợp B làm đơn khởi kiện đòi lại nhà thì B là nguyên đơn của vụ án mới mà A là bị đơn. Đây không phải là trường hợp thay đổi địa vị tố tụng quy định tại Điều 219 BLTTDS vì yêu cầu của B không phải là yêu cầu phản tố (phản tố phải là yêu cầu về một quan hệ tranh chấp khác). Việc Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do A là nguyên đơn không cản trở quyền khởi kiện của B và thụ lý vụ án mới (theo quy định tại Điều 193 BLTTDS) và cũng không phải là trường hợp “sự việc đã được giải quyết…” quy định ở Điểm c Khoản 1 Điều 168 BLTTDS.
Câu hỏi 4. Anh A nộp đơn đến Tòa án huyện X xin ly hôn với chị B, đồng thời yêu cầu chia tài sản chung là quyền sử dụng đất tại huyện X. Nguồn gốc đất là do bà C (mẹ của chị B) lập văn bản cho anh A và chị B có xác nhận của anh trai của chị B nhưng bà C vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án xác định các anh, chị, em của chị B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trong đó có một người chị của chị B đã định cư ở nước ngoài trước khi Tòa án thụ lý vụ án). Trường hợp này Tòa án huyện X có tiếp tục giải quyết hay không?
Trả lời:
Khoản 4 Điều 56 BLTTDS quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
- A có yêu cầu chia tài sản chung là quyền sử dụng đất trong vụ án ly hôn. Đất đã đượcbà C lập văn bản cho nhưng bà C chưa được cấp GCNQSDĐ nên việc cho đất chưa hoàn tất về thủ tục. Tòa án phải giải quyết việc cho đất đã hợp pháp và hoàn thành chưa. Do vậy, việc Tòa án giải quyết yêu cầu chia tài sản là quyền sử dụng đất có liên quan trực tiếp tới quyền tài sản của các thừa kế của bà C. Tòa án xác định các anh chị em của chị B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là đúng.
Cũng cần lưu ý là trường hợp nêu trên khác với trường hợp “Không thay đổi thẩm quyền giải quyết của Tòa án” quy định tại Điều 412 BLTTDS và Khoản 5 Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Đó là trường hơp Tòa án đã thụ lý đúng thẩm quyền, trong quá trình giải quyết mới xuất hiện những yếu tố mới (như có đương sự ra nước ngoài hay từ nước ngoài trở về Việt Nam…) thì Tòa án đã thụ lý vẫn tiếp tục giải quyết vụ án đó.
Câu hỏi 5. Những trường hợp ly hôn có yêu cầu chia tài sản chung là quyền sử dụng đất mà các bên đã có hợp đồng chuyển nhượng (có công chứng hoặc chưa công chứng) nhưng vì những lý do khác nhau mà chưa đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án phải giải quyết như thế nào? Có cần phải tách yêu cầu chia tài sản bằng một vụ án khác để giải quyết hay không?
Trả lời:
Trong vụ án ly hôn, đương sự có quyền yêu cầu chia tài sản chung, tài sản chung có thể bao gồm: tiền, vật, quyền tài sản.
Trong vụ án ly hôn, đương sự cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết toàn bộ tài sản chung hoặc một phần tài sản chung, còn một phần tài sản chung họ cũng có quyền yêu cầu chưa giải quyết hoặc tách ra giải quyết trong vụ án khác.
Đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì đây là một giao dịch của vợ chồng về tài sản. Nếu có yêu cầu giải quyết trong cùng vụ án ly hôn (hoặc vợ, hoặc chồng, hoặc người tham gia giao dịch) thì Tòa án phải giải quyết và việc giải quyết thì như các hợp đồng chuyển nhượng khác, cụ thể là:
- Hợp đồng đã được công chứng là hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật thì giải quyết theo các quy định của pháp luật về hợp đồng đã có hiệu lực.
- Hợp đồng chưa được công chứng là hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức thì được giải quyết theo các quy định của pháp luật về hợp đồng vô hiệu.
Câu hỏi 6. Trong vụ án tranh chấp thừa kế là quyền sử dụng đất. Nếu thửa đất được cấp giấy CNQSDĐ cho một người không đúng thì Tòa án có đồng thời hủy giấy CNQSDĐ đó không? Nếu hủy giấy CNQSDĐ đất thì có đưa Uỷ ban nhân dân nơi cấp giấy vào tham gia tố tụng không?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 32a BLTTDS quy định: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng.”
Như vậy, trong trường hợp nêu trên nếu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là rõ ràng trái pháp luật thì Tòa án có quyền hủy GCNQSDĐ đã được cấp. Nếu Tòa án dự kiến sẽ hủy GCNQSDĐ đó thì phải đưa Ủy ban nhân dân đã cấp giấy chứng nhận đó tham gia tố tụng và thẩm quyền của Tòa án được xác định theo Luật tố tụng hành chính.Ví dụ: cơ quan cấp GCNQSDĐ là UBND cấp huyện thì Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự và hủy GCNQSDĐ là TAND án cấp huyện; nếu cơ quan cấp GCNQSDĐ là UBND cấp tỉnh thì thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự và hủy GCNQSDĐ là TAND cấp tỉnh. Như vậy, sẽ có tình trạng vụ án dân sự đang thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, do có dự kiến hủy quyết định hành chính, vụ án trở thành thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh.
Cần chú ý là điều kiện để áp dụng Điều 32a trên là quyết định cá biệt phải rõ ràng trái pháp luật. Trong trường hợp chưa phải rõ ràng trái pháp luật thì Tòa án không được giải quyết ngay trong vụ án dân sự. Việc Tòa án không giải quyết hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không làm cản trở Tòa án giải quyết vụ án dân sự. Sau khi Tòa án có bản án, quyết định về việc giải quyết vụ án dân sự thì cơ quan hành chính có nghĩa vụ thay đổi giấy chứng nhận theo quyết định của Tòa án căn cứ vào Điểm đ, Khoản 5 Điều 41 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ.
Trường hợp cơ quan hành chính không thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án thì đương sự có quyền khởi kiện vụ án hành chính.
Câu hỏi 7.
Năm 2005, UBND huyện A cấp giấy CNQSDĐ đất diện tích 550m2 đất đình làng cho thôn B để xây dựng nhà văn hóa thôn. Trước khi cấp giấy CNQSDĐ, ông C đã chiếm một phần diện tích đất trên làm nhà ở.
Năm 2012, Trưởng thôn B đã làm đơn kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông B phải trả lại đất và bồi thường cho thôn do sử dụng đất trái pháp luật là 93.000.000 đồng.
Vụ kiện trên có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án không? Trưởng thôn hay già làng có được quyền tham gia tố tụng không?
Trả lời:
Thôn không phải là một pháp nhân và cũng không phải là một chủ thể độc lập theo quy định của pháp luật dân sự. Theo quy định của pháp luật dân sự thì chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình.
Thôn không phải là một pháp nhân nên Trưởng thôn không đương nhiên thay mặt cho thôn trong các quan hệ pháp luật dân sự và tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân cấp đất cho thôn là cấp cho cộng đồng dân cư thôn đó nên Trưởng thôn phải tham gia tố tụng với tư cách là người được cộng đồng dân cư ủy quyền.
Như vậy, chủ thể tố tụng là cộng đồng dân cư, cộng đồng dân cư cũng là người được giao đất, là chủ sử dụng đất nên có quyền khởi kiện yêu cầu người đang chiếm giữ một phần đất trả lại đất. Do đó, đây là quan hệ tranh chấp dân sự, đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Quyền tham gia tố tụng phải là đại diện theo ủy quyền của cộng đồng dân cư. Đại diện ở đây có thể là Trưởng thôn hoặc người khác được cộng đồng dân cư ủy quyền tham gia tố tụng.
Câu hỏi 8. Trong vụ án ly hôn mà bị đơn đang bị tạm giam, thi hành án phạt tù thì Tòa án có thể hòa giải tại trại giam được không?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 180 BLTTDS quy định:
“1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hoà giải hoặc không tiến hành hoà giải được quy định tại Điều 181 và Điều 182 của Bộ luật này.”
Trường hợp một bên đương sự (bị đơn) đang bị tạm giam, đang thi hành án phạt tù thì không thuộc trường hợp không được hòa giải theo Điều 181 BLTTDS, do vậy, việc hòa giải phải được thực hiện trừ trường hợp không tiến hành hòa giải được theo Điều 182 BLTTDS.
Về nguyên tắc, chưa có quy định cơ quan đang quản lý người bị tạm giam, trại giam nơi người �ang thi hành án phạt tù phải có nghĩa vụ dẫn giải người bị tạm giam, người đang thi hành án phạt tù đi thực hiện công việc riêng hay việc giải quyết vụ án dân sự. Vì vậy,việc hòa giải được tiến hành nếu cơ quan đang quản lý người bị tạm giam, trại giam nơi người đang thi hành án phạt tù tổ chức được việc hòa giải tại trại giam. Trường hợp cơ quan đang quản lý người bị tạm giam, trại giam nơi người đang thi hành án phạt tù không tổ chức được việc hòa giải thì phải coi là trường hợp không tiến hành hòa giải được.
Pháp luật không quy định về địa điểm tiến hành hòa giải giữa các đương sự nên việc hòa giải nói chung được thực hiện tại trụ sở của Tòa án nhưng cũng có thể được thực hiện ở nơi khác, kể cả nơi đương sự (bị đơn) đang bị tạm giam hay thi hành án phạt tù.
Câu hỏi 9. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án đã định giá tài sản. Một bên đương sự khiếu nại cho rằng giá mà Hội đồng định giá là thấp và có đưa ra một số chứng cứ chứng minh. Tòa án đã trưng cầu định giá lại. Khi có kết quả định giá lại, đương sự này vẫn không đồng ý với kết quả định giá mặc dù không đưa được chứng cứ chứng minh và cũng không có đơn đề nghị định giá lại. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, kiểm sát viên tham gia phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ vụ án có kiến nghị đề nghị Tòa án xem xét lại kết quả định giá. Trường hợp này Tòa án có phải tiến hành định giá lại không?
Trả lời:
Cần phải phân biệt quyền yêu cầu định giá tài sản,tức là quyền yêu cầu giám định về giá cả là một quyền tố tụng của đương sự, khác với quyền đánh giá của đương sự về kết quả định giá, giá cả của tài sản tranh chấp. Do vậy, nếu đương sự không có yêu cầu định giá mà chỉ cho rằng kết quả định giá chưa đúng thì chưa có căn cứ để Tòa án quyết định định giá lại. Tòa án tự quyết định định giá lại trong trường hợp này là không đúng.
Sau khi có kết quả định giá lại mà đương sự vẫn có ý kiến về kết quả định giá thì đó là quyền của đương sự. Cũng như ý kiến kiến nghị của Kiểm sát viên về định giá cũng sẽ được Hội đồng xét xử xem xét khi giải quyết vụ án.
Câu hỏi 10. Anh A nộp đơn yêu cầu Tòa án cho ly hôn với chị B. Trong quá trình Tòa án giải quyết, anh A và chị B đã thỏa thuận ly hôn và thỏa thuận về việc nuôi con chung. Tuy nhiên, về tài sản thì còn có một mảnh đất mà chị B đã ký chuyển nhượng cho C và anh A không đồng ý việc chuyển nhượng này. Chị B thừa nhận chị đã đã ký vào hợp đồng và được công chứng (trong hợp đồng ghi phần bên bán có cả tên của anh A). Hiện nay C đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tòa án có giải quyết về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này trong cùng một vụ án hay tách ra giải quyết bằng một vụ án khác?
Trả lời:
Đây là trường hợp ly hôn có tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản chung vợ chồng.
Khoản 1 Điều 5 BLTTDS quy định:
“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.”
Với nguyên tắc quy định như trên, khi ly hôn, đương sự yêu cầu giải quyết về tài sản nào thì Tòa án giải quyết tài sản đó. Vợ chồng có thể tự giải quyết chia tài sản và việc tự chia ấy cũng là có hiệu lực nếu thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Vợ chồng cũng có quyền thỏa thuận về việc chia tài sản và yêu cầu Tòa án công nhận.Đối với tài sản tranh chấp thì vợ chồng cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết đối với từng loại tài sản và có thể yêu cầu giải quyết ở các thời điểm khác nhau, các vụ án khác nhau. Do vậy, nếu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà có đương sự yêu cầu giải quyết cùng với vụ án ly hôn (hoặc anh A, hoặc chị B, hoặc C) thì quan hệ tranh chấp này cần phải được giải quyết.
Câu hỏi 11. Ông C kết hôn với bà V năm 1975, có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã T. Năm 1978, ông C kết hôn với bà H cũng có đăng ký kết hôn. Năm 2012, bà H nộp đơn yêu cầu xin ly hôn với ông C và bà V cũng yêu cầu Tòa án giải quyết về tài sản. Vậy bà V tham gia tố tụng với tư cách gì? Đây là vụ án ly hôn hay là việc hủy hôn nhân trái pháp luật?
Trả lời:
Ông C kết hôn lần đầu vào năm 1975 theo đúng quy định của pháp luật nên hôn nhân giữa ông C và bà V là hợp pháp.
Năm 1978 là thời điểm luật Hôn nhân gia đình năm 1959 đã có hiệu lực thi hành trong cả nước (từ 25/3/1977) nên việc ông C đang có vợ lại đăng ký kết hôn với bà H là trái pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay bà H không yêu cầu hủy hôn nhân giữa bà và ông C mà yêu cầu xin ly hôn, có nghĩa là yêu cầu xác định quan hệ hôn nhân giữa bà và ông C là hợp pháp và được giải quyết vấn đề tài sản như quan hệ hôn nhân hợp pháp thì Tòa án phải thụ lý vụ án ly hôn theo khởi kiện của nguyên đơn chứ không phải thụ lý vụ án về việc hủy hôn nhân trái pháp luật.
Như vậy, trong vụ án, bà H đã là nguyên đơn, ông C là bị đơn nên bà V có yêu cầu giải quyết về tài sản thì tư cách tham gia tố tụng của bà C là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Khi giải quyết vụ án thì căn cứ vào các quy định của pháp luật, nếu xác định là quan hệ hôn nhân trái pháp luật thì Tòa án xử hủy quan hệ hôn nhân trái pháp luật và giải quyết tài sản theo tính chất của từng mối quan hệ hôn nhân (quan hệ giữa ông C và bà V là quan hệ hôn nhân hợp pháp thì giải quyết quan hệ tài sản được hình thành từ quan hệ hôn nhân hợp pháp; quan hệ giữa ông C và bà H là quan hệ hôn nhân không hợp pháp thì chia tài sản chung giữa những người không có quan hệ hôn nhân, không được công nhận quan hệ vợ chồng).
Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về hậu quả của việc hủy việc kết hôn trái pháp luật là:
“1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
2. Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn.
3. Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.”
Cũng lưu ý là: Bà V có quan hệ hôn nhân hợp pháp với ông C nên quan hệ tài sản giữa hai người là quan hệ tài sản theo quy định của hôn nhân hợp pháp. Bà V có quyền xin ly hôn và chia tài sản chung và cũng có thể không yêu cầu ly hôn nhưng vẫn có quyền yêu cầu chia tài sản chung (chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình).
Câu hỏi 12.
Ông A và bà B sinh được 5 người con là C, D, H, E và G. Cả 5 người con đều đã có gia đình riêng. Năm 2002, bà B chết. Năm 2006, ông A chết. Năm 2004, ông A có di chúc để lại tài sản cho người con gái út là chị G. Bản di chúc này do chị G viết theo lời của ông A. Hai ngày sau, chị G đưa cho chị D và chị H ký và hai mươi ngày sau đưa bản di chúc cho chính quyền địa phương xác nhận.
Những người con khác không đồng ý với bản di chúc nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo pháp luật. Hỏi bản di chúcnhư trên có hợp pháp không?
Trả lời:
Di chúc được lập vào năm 2004 nên việc xác định di chúc hợp pháp phải căn cứ vào pháp luật có hiệu lực thi hành ở thời điểm lập di chúc là BLDS năm 1995. Trong trường hợp di chúc của ông A có đủ các điều kiện hợp pháp nhưng quyết định cả về di sản của bà B thì di chúc của ông A cũng chỉ có hiệu lực với phần di sản của ông A.
Khoản 1 Điều 655 BLDS năm 1995 quy định:
“1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.”
Khoản 1 trên đây là quy định về điều kiện hợp pháp của bản di chúc nói chung.
Từ Khoản 2 đến Khoản 5 Điều 655 BLDS năm 1995 là quy định về việc lập di chúc hợp pháp đối với một số trường hợp đặc biệt.
Di chúc của ông A được làm vào năm 2004, năm 2006 ông A mới chết. Khoản 2 Điều 654 BLDS năm 1995 về di chúc miệng quy định: “Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ”. Do đó, di chuc của ông A lập năm 2004 không được công nhận là di chúc miệng hợp pháp.
Điều 659 BLDS năm 1995 về di chúc bằng văn bản có người làm chứng quy định: “Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”.Trong trường hợp này có hai người làm chứng nhưng hai người này lại thuộc trường hợp pháp luật quy định không được làm chứng vì là người hưởng thừa kế nên đây cũng không được coi là di chúc bằng văn bản có người làm chứng hợp pháp.
Đối với trường hợp di chúc có chứng thực thì Khoản 1 Điều 661 BLDS năm 1995 quy định:
“Việc lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải tuân theo thủ tục sau đây:
1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc.”
Như vậy, di chúc có chứng thực được coi là hợp pháp khi người lập di chúc là người trực tiếp thể hiện ý chí, thể hiện nội dung bản di chúc trước người có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp này bản di chúc lại do chị G mang đến chính quyền địa phương để xác nhận nên đây cũng chưa phải là bản di chúc hợp pháp.
Ngoài ra, hình thức của di chúc này cũng không phù hợp với một loại di chúc nào khác được quy định trong BLDS năm 1995 nên nó không đủ điều kiên công nhận hợp pháp.
Câu hỏi 13. Trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, người anh có tên trong sổ mục kê và bản đồ địa chính nhưng không sử dụng đất mà người em đã sử dụng đất đó và làm nhà ở từ năm 1980 cho đến nay. Người em đã có tên trong bản đồ địa chính được lập năm 1994-1995. Đến năm 2007, người em được nhà nước cấp GCNQSDĐ. Năm 2012, người anh mới khởi kiện yêu cầu người em trả lại đất. Tòa án có cơ sở chấp nhận yêu cầu của người anh không?
Trả lời:
Quyền sử dụng đất của cá nhân được hình thành do được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, được thừa kế quyền sử dụng đất, được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, và còn được hình thành do được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.
Khoản 3 Điều 4 Luật Đất đai quy định: “Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định là việc Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho người đó”
Trong trường hợp này, người em đã sử dụng đất liên tục, lâu dài, ổn định và đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên đã hình thành quyền sử dụng đất hợp pháp. Người anh tuy có tên trong sổ mục kê nhưng không quản lý, sử dụng, không thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng đất nên quyền sử dụng của người anh đối với diện tích đất này đã không còn tồn tại.
Khi kiện đòi lại tài sản, người kiện đòi tài sản phải chứng minh được mình là chủ sở hữu của tài sản; đối với đất thì phải chứng minh được mình là người sử dụng hợp pháp. Người anh không còn quyền sử dụng đất nữa nên Tòa án phải bác yêu cầu đòi lại đất của người anh.
Câu hỏi 14. Ông A chuyển nhượng cho ông B 100 m2 đất ở. Hợp đồng chuyển nhượng chỉ do hai bên ký nhận với nhau mà không được công chứng, chứng thực. Theo thỏa thuận, ông A đã giao giấy tờ về đất cho ông B và ông B đã thanh toán đủ tiền cho ông A. Nhưng khi ông B làm thủ tục sang tên thì bị anh C cản trở (anh C là con trai của ông A, được ông A cho làm xưởng mộc trên đất). Ông B làm đơn khởi kiện tại Tòa án. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông A và ông B đã thỏa thuận trả lại tiền, trả lại đất cho nhau và đề nghị Tòa án công nhận sự thỏa thuận này? Tòa án có ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự được không?
Trả lời:
Trước hết phải xác định được ông B khởi kiện là khởi kiện với nội dung gì? Từ đó mới xác định quan hệ tranh chấp có phải là quan hệ tranh chấp dân sự và có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không.
Trong trường hợp ông B yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng hợp pháp hay là yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì đều là tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, có thuộc thẩm quyền của Tòa án hay không thì còn căn cứ vào Điều 136 Luật đất đai 2003.
Điều 136 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định:
“1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết”.
Như vậy, nếu ông A có một trong những loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật đất đai thì tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Đây là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa có công chứng, chứng thực nên là hợp đồng chưa có hiệu lực. Tuy nhiên, không có ai yêu cầu tiếp tục hoàn thiện việc ký kết và thực hiện hợp đồng mà chỉ thỏa thuận về giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì thỏa thuận này không trái pháp luật và Tòa án có thể ra quyết định công nhận sự thỏa thuận theo quy định tại Điều 187 BLTTDS.
Theo quy định tại Điều 187 BLTTDS về việc công nhận sự thỏa thuận khi có đương sự vắng mặt khi hòa giải thì: “thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt”.
Trong vụ án nêu trên, nếu ông B khởi kiện yêu cầu buộc ông A hoàn thiện và thực hiên hợp đồng chuyển nhượng đất thì ông B là nguyên đơn, ông A là bị đơn, và anh C là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, thỏa thuận trả lại tiền, trả lại đất của ông A và ông B không ảnh hưởng gì đến quyền, nghĩa vụ của anh C nên dù anh C không tham gia thỏa thuận thì Tòa án vẫn có thể công nhận thỏa thuận của ông A và ông B.
Trong trường hợp ông B khởi kiện chỉ yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả tuyên bố vô hiệu thì khởi kiện này không có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của anh C nên anh C không phải tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Câu hỏi 15.
Năm 2004, ông N và bà M ký hợp đồng nhận chuyển nhượng của ông T và bà D 100m2 đất (đất đã có GCNQSDĐ) với giá 88 triệu đồng. Hai bên đã ký hợp đồng, giao nhận tiền, đã nhận đất và xây tường bao quanh. Khi làm thủ tục sang tên GCNQSDĐ thì không thực hiên được vì UBND tỉnh có thông báo thuộc khu vực quy hoạch khu liên hợp thể thao.
Năm 2011, UBND tỉnh lại cho phép chuyển nhượng do thay đổi quy hoạch. Bên nhận chuyển nhượng yêu cầu bên chuyển nhượng đến Công chứng nhà nước để hoàn chỉnh hợp đồng. Bên bán từ chối với lý do bên mua đã sửa chữa hợp đồng.
Tháng 10/2012, ông N, bà M khởi kiện yêu cầu công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.Ông T và bà D cho rằng hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu do bị sửa chữa, đồng thời cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện.
Trường hợp nêu trên có còn thời hiệu khởi kiện không? Tòa án thụ lý vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất hay tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất?
Trả lời:
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 159 BLTTDS thì: “Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được quy định như sau:
a)Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm”.
Như vậy, thời hiệu khởi kiện nói chung là 2 năm kể từ ngày “quyền và lợi ích hợp pháp …bị xâm phạm” trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nói cách khác là nếu pháp luật có quy định thời hiệu riêng cho một loại tranh chấp (ví dụ thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là 10 năm kể từ ngày mở thừa kế) thì phải áp dụng thời hiệu riêng, nếu không có quy định thời hiệu riêng thì áp dụng thời hiệu chung theo Điều 159 nêu trên.
Nội dung khởi kiện là yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất theo hợp đồng chuyển nhượng, tức là bên khởi kiện thừa nhận đất này vốn thuộc quyền sử dụng của bị đơn nên không phải là trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất (tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất) theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Tranh chấp về quyền sử dụng đất thì không bị hạn chế về thời hiệu khởi kiện nhưng trường hợp này là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng nên vẫn có thời hiệu khởi kiện. Hợp đồng chuyển nhượng trong vụ án này là hợp đồng chưa có hiệu lực (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đến khi được công chứng hoặc chứng thực mới có hiệu lực) nên không áp dụng thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng (Điều 427 BLDS) nhưng cũng không phải là yêu cầu tuyên bố vô hiệu nên không áp dụng thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu (theo Điều 136 BLDS) nên thời hiệu khởi kiện được tính theo Khoản 3 Điều 159 BLTTDS là 2 năm kể từ thời điểm mà nguyên đơn cho rằng bị đơn đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Thời gian UBND tỉnh tạm dừng không cho phép chuyển nhượng là trở ngại phải được trừ ra khỏi thời hiệu. Sau khi UBND tỉnh tiếp tục cho phép chuyển nhượng, phía nguyên đơn yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hợp đồng (công chứng) và thực hiện nốt hợp đồng (sang tên quyền sử dụng) mà ông T và bà D không thực hiện là thời điểm được xác định bắt đầu của thời hiệu khởi kiện (năm 2011). Vì vậy, ông N và bà M nộp đơn khởi kiện vào tháng 10/2012 là còn trong thời hiệu khởi kiện.
Câu hỏi 16. Trong việc giải quyết tranh chấp đất trồng rừng, khi tiến hành đo đạc, Tòa án triệu tập nhiều lần các hộ liền kề để xác định ranh giới nhưng người được triệu tập cố tình không có mặt. Tòa án xử lý thế nào?
Trả lời:
Trước hết phải xác định những “hộ liền kề” nêu ở trên tham gia tố tụng với tư cách nào, họ là bị đơn? là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan? hay là nhân chứng? Tùy theo địa vị tố tụng của họ mà xác định trách nhiệm của họ trong việc chứng minh và tham gia vào các hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án.
Xác định ranh giới là xác định một tình tiết quan trọng của vụ án. Việc xác định này phải căn cứ vào các chứng cứ mà các bên xuất trình, trong đó có thể có việc phải “xem xét, thẩm định tại chỗ” chứ không phải trong mọi trường hợp Tòa án phải xem xét, thẩm định tại chỗ.
Khi xem xét, thẩm định tại chỗ thì phải thực hiện đúng quy định tại Điều 89 BLTTDS. Hộ liền kề nếu là đương sự thì họ có quyền được báo để chứng kiến nhưng nếu họ đã được báo mà không có mặt là họ từ bỏ quyền của mình; họ không nhất thiết phải có mặt nên Khoản 2 Điều 89 mới quy định phải có “chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt”.
Hộ liền kề nếu là nhân chứng thì áp dụng các quy định của pháp luật về nhân chứng. Đã là nhân chứng thì họ không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, họ chỉ là người biết những tình tiết có ý nghĩa là chứng cứ giải quyết vụ án; họ có thể bị dẫn giải đến Tòa án để khai báo, có thể phải chịu những chế tài nghiêm khắc do khai báo gian dối nhưng không nhất thiết cứ phải có mặt họ thì mới xác định được quyền sử dụng đất hợp pháp của các đương sự.
Câu hỏi 17. UBND huyện cấp
- Re: Luật sư Đặng Văn Cường
- Đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác qua tin nhắn điện thoại bị xử lý như thế nào?
- Khởi kiện tội hiếp dâm - Mong luật sư và mọi người giúp đỡ
- tách đất trong quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất.
- Hỏi luật sư về thuế môn bài
- Về điều kiện được cấp sổ đỏ