Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Tẩy chay Tân Hiệp Phát: Nên thận trọng, tránh chạy theo đám đông
Mặc dù câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề nóng trong bối cảnh xã hội ngày nay, "chưa bao giờ con đường từ dạ dày tới nghĩa địa lại gần đến thế" nhưng trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội thì người dân nói chung, người tiêu dùng nói riêng nên thận trọng trong việc đánh giá, suy xét các sự việc, sản phẩm...
Câu chuyện con ruồi 500 triệu là câu chuyện gây nhiều tranh cãi bởi các quan điểm trên nhiều phương diện xã hội. Có người nhìn nhận với góc độ pháp lý, có người đánh giá dưới góc độ xã hội, nghề nghiệp, đạo đức, kinh doanh... đôi khi xuất phát từ địa vị xã hội, tình cảm, tâm lý, hiểu biết pháp luật khác nhau mà nhiều người cũng có những đánh giá khác nhau về vụ án này.
Dưới góc độ pháp lý thì phải lấy pháp luật làm chuẩn mực để đánh giá hành vi của anh Minh là đúng luật hay chưa, việc kết tội của tòa án là có oan sai hay không. Trong vụ án này, tội danh được nhắc tới là tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự. Tội danh này là một trong những tội danh quy định tại Chương XIV, Bộ luật hình sự: Các tội xâm phạm quyền sở hữu. Theo đó, quyền sở hữu tài sản là một chế định của luật dân sự. Theo quy định của Bộ luật dân sự thì tài sản bao gồm vật, tiền và quyền tài sản; Quyền của chủ sở hữu tài sản thông thường có ba quyền là quyền chiếm hữu, sử dụng và quyền định đoạt tài sản. Định đoạt tài sản là quyết định số phận pháp lý của tài sản như bán, chuyển nhượng, tặng cho, tiêu hủy... Việc định đoạt tài sản trên cơ sở sự tự nguyện của chủ sở hữu tài sản. Việc định đoạt tài sản mà thiếu sự tự do ý chí của chủ sở hữu tài sản thì giao dịch đó vô hiệu. Nếu người nào đe dọa, uy hiếp hoặc lén lút, công nhiên, gian dối... với chủ sở hữu tài sản nhằm chuyển quyền sở hữu tài sản mà thiếu ý chí tự nguyện của chủ sở hữu (chiếm đoạt tài sản) thì hành vi đó là vi phạm pháp luật, trong một số trường hợp sẽ bị xử lý hình sự về một trong các tội danh quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự.
Vụ án "chai nước Number 1 có ruồi giá 500 triệu" đang gây nên những cơn sóng tẩy chay Tân Hiệp Phát
Điều 135 Bộ luật hình sự quy định "Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếptinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ...". Như vậy, theo quy định pháp luật này thì nếu người nào có hành vi "đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần" của người khác với mục đích "chiếm đoạt" tài sản là có thể bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản mà không cần phải chiếm đoạt được tài sản của người bị hại, không phụ thuộc vào giá trị tài sản lớn hay nhỏ (có đủ 2 triệu đồng hay không)... Tội danh này có cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi đe dọa, uy hiếp chủ sở hữu tài sản với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác là "tội phạm hoàn thành" có thể xử lý người có hành vi đe dọa, uy hiếp về tội danh này.
Tội danh này khác với tội cướp tài sản là người bị hại chưa bị tê liệt về mặt ý chí (không còn khả năng tự vệ, khả năng bảo vệ tài sản của mình, mặc cho người phạm tội lấy tài sản), trong tội cưỡng đoạt tài sản, người bị hại bị đe dọa, uy hiếp ở mức độ nhất định, họ vẫn có thể lựa chọn cách xử sự là giao tài sản hoặc không giao tài sản cho người phạm tội, có thể báo công an nếu như thấy tự mình không thể bảo vệ nổi tài sản của mình. Việc trình báo sự việc với công an để xử lý kẻ cưỡng đoạt tài sản là hành động hợp pháp nhằm bảo vệ tài sản của người bị hại.
Việc cơ quan công an xác minh nguồn tin, bố trí mật phục bắt quả tang ông Minh không phải là "gài bẫy" đưa người dân vào tù. Người phạm tội tự đưa mình vào tù do hành động đe dọa, uy hiếp người khác để tống tiền. Khi đe dọa người khác với mục đích tống tiền là đã phạm tội rồi. Việc bắt quả tang lúc giao nhận tiền chỉ là một hoạt động thu thập chứng cứ để chứng minh cho hành vi và mục đích của người phạm tội. Giả sử không có việc giao nhận tiền, chưa xảy ra việc giao nhận tiền thì vẫn có thể xử lý người uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản vào tội cưỡng đoạt tài sản. Vì vậy, không thể cho rằng việc báo công an, việc mật phục bắt quả tang là "gài bẫy" được. Chỉ có thể nói người khác gài bẫy mình khi người khác khuyến khích mình phạm pháp, đẩy mình vào hành động phạm pháp để xử lý mình...
Với vụ của anh Minh, có lẽ không ai mong muốn xử lý anh Minh về tội cưỡng đoạt tài sản, kể cả cá nhân tôi và có lẽ những người tiến hành tố tụng cũng không muốn xử lý anh Minh bởi anh Minh là người lao động, bản chất lương thiện, hoàn cảnh éo le, chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, chỉ vì lòng tham mà đã có hành động uy hiếp đại diện công ty Tân Hiệp Phát để chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng của công ty này. Tuy nhiên, pháp luật là thế, pháp luật sẽ không có trường hợp miễn trừ, nếu thiếu hiểu biết pháp luật mà phạm pháp thì vẫn bị xử lý tuy nhiên có xem xét đến tình tiết này khi lượng hình.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp - Đoàn LS TP Hà Nội
Việc xử lý anh Minh bằng luật hình sự là không tránh khỏi, có lẽ chính phía Tân Hiệp Phát cũng không mong muốn, họ buộc phải chọn giải pháp báo công an để mong tránh bị người khác cưỡng đoạt tài sản, để ngăn ngừa tin đồn thất thiệt gây thiệt hại tới hoạt động kinh doanh của công ty (kết quả giám định chai nước của anh Minh cho thấy chai nước không còn nguyên vẹn, không có căn cứ để xác định lỗi do nhà sản xuất...).
Trước khi xét xử sơ thẩm thì hồ sơ vụ án được bí mật, chỉ có những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng trong vụ án đó mới nắm rõ tình tiết, chứng cứ của vụ án. Đến khi xét xử vụ án hình sự đó thì mọi chứng cứ, tình tiết được đưa ra công bố công khai tại phiên tòa, tranh luận để làm sáng tỏ nội dung vụ án. Trong vụ án này, có mặt các luật sư, phóng viên, nhà báo và những người có mặt tại phiên tòa, anh Minh đã thừa nhận là có hành vi "hù dọa" đại diện công ty nhằm buộc họ phải giao cho anh Minh 500 triệu đồng (đầu tiên yêu cầu 1 tỷ, sau đó rút xuống là 600 triệu, cuối cùng chốt lại là 500 triệu đồng).
Anh Minh tuyên bố nếu công ty này không đáp ứng yêu cầu của anh ta thì anh ta sẽ đưa thông tin cho báo chí, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, phát 5.000 tờ rơi để bêu xấu công ty, gây thiệt hại tới công ty... để buộc công ty này phải giao số tiền 500 triệu đồng cho anh Minh. Mặc cho đại diện công ty giải thích là quy trình sản xuất khép kín, hiện đại nên không thể có ruồi, đề nghị đổi lấy 2 thùng nước khác... nhưng anh Minh kiên quyết không nghe, không cần biết lý do, chỉ muốn có tiền để mua vài công đất...
Chính vì không thể thương lượng được, không thuyết phục được, lo lắng tin đồn này lộ ra ngoài thì sẽ ảnh hưởng tới doanh thu của công ty nên mới phải báo công an để xử lý anh Minh. Hành vi của anh Minh cấu thành tội phạm từ thời điểm có những lời lẽ hăm dọa là sẽ phát tờ rơi và thực hiện các hoạt động khác nhằm làm mất uy tín của công ty này với mục đích buộc công ty này phải giao số tiền 500 triệu đồng cho anh Minh. Việc công ty trình báo sự việc với công an là hành động hợp pháp được pháp luật quy định tại bộ luật dân sự (các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu tài sản), luật tố cáo, bộ luật tố tụng hình sự, thông tư số 06/2013/TTLT và việc cơ quan công an mật phục bắt quả tang anh Minh nhận tiền của công ty Tân Hiệp Phát là một hoạt động tố tụng để thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của anh Minh.
Anh Minh cũng thừa nhận là tự mình thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản mà không phải do ai chỉ đạo, xúi giục, động cơ là do lòng tham, không muốn vất vả nữa, muốn có tiền để mua đất... Vì vậy, với diễn biến vừa qua tại phiên tòa sơ thẩm thì việc kết tội anh Minh là có căn cứ và đúng pháp luật, phù hợp với các quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 135 Bộ luật hình sự thì anh Minh sẽ bị xét xử với mức hình phạt từ 12 đến 20 năm tù. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm đã xét tới tính chất mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự, xử anh Minh ở mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là mức 7 năm tù.
Thấy sản phẩm lỗi, NTD nên làm gì?
Trên các trang mạng xã hội và báo chí thì phần lớn người dân ủng hộ anh Minh, phản đối hành động báo công an của Tân Hiệp Phát, thậm chí còn kêu gọi không sử dụng sản phẩm của Tân Hiệp Phát... Việc này đã và đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho doanh nghiệp này.
Có lẽ kết thúc vụ án này thì cả hai bên (anh Minh và Tân Hiệp Phát) đều thiệt hại nặng nề. Để vụ việc kết thúc bằng một vụ án hình sự hậu quả anh Minh chịu 7 năm tù, Tân Hiệp Phát thiệt hại tới 2.000 tỷ (với thông tin hiện tại) là điều cả hai bên đều không mong muốn. Vậy cần xử lý thế nào trong câu chuyện tương tự là vấn đề người tiêu dùng nên biết để tránh vết xe đổ của Minh.
Dù dư luận có ủng hộ anh Minh đến đâu thì cũng khó xoay chuyển được tình thế trong vụ việc này. Vì vậy, người tiêu dùng, người dân cần biết ranh giới giới của quan hệ pháp luật dân sự với quan hệ pháp luật hình sự trong những tình huống tương tự để tránh đi "quá đà" mà sa vào vòng lao lý. Nói cách khác là cần phải biết giới hạn "quyền lực" của mình ở đâu để dừng lại đúng lúc.
Nếu phát hiện sản phẩm có lỗi, hàng hóa có lỗi thì cách ứng xử văn hóa nhất là báo cho nhà sản xuất để khắc phục, sửa chữa những sai sót đó, đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng. Điều đó, sẽ giúp quan hệ cả hai bên trở nên tốt đẹp hơn, mang lại giá trị hơn, nhân văn hơn cho xã hội. Nếu nhà sản xuất không thừa nhận sản phẩm lỗi là do mình, không khắc phục sửa chữa thì khách hàng có thể yêu cầu hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan quản lý thị trường, tòa án... can thiệp. Cũng có thể đưa thông tin này tới báo chí để phản ánh những vấn đề về chất lượng hàng hóa. Những việc làm như vậy là hoàn toàn hợp pháp vì lợi ích chung của cộng đồng.
Tuy nhiên, cần lưu ý là khi thương lượng, thỏa thuận bồi thường, thỏa thuận mua bán... thì tuyệt đối không được có những hành vi, thủ đoạn có tính chất đe dọa, uy hiếp đối phương nhằm chiếm đoạt tài sản của đối phương. Không được đe dọa thực hiện các hoạt động mà pháp luật cấm như phát tờ rơi để bêu xấu nhà sản xuất. Pháp luật cho phép tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ của mình trước một vấn đề, một sự việc nhưng nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.... Hành vi tung tin đồn, thực hiện các hoạt động trái pháp luật nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của nhà sản xuất, gây sức ép để nhà sản xuất phải giao cho người tiêu dùng một số tiền, tài sản nhất định thì khách hàng sẽ bị xử lý về hành vi cưỡng đoạt tài sản, không cần biết là người tiêu dùng đã lấy được tài sản của nhà sản xuất hay chưa.
Quan niệm "tố cáo" là "gài bẫy", bắt quả tang là "không đẹp"... cũng là quan điểm sai lầm, quan niệm này vô tình đã tiếp tay cho hành vi cưỡng đoạt tài sản, khuyến khích cưỡng đoạt tài sản. Thực tiễn cho thấy nếu một vụ cưỡng đoạt tài sản sản thành công sẽ gây tâm lý vô cùng bức xúc, ức chế cho chủ sở hữu tài sản và hoàn toàn có khả năng xảy ra các vụ cưỡng đoạt tương tự xảy ra.
Trong các vụ án hình sự, nếu bị cáo không nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình, không nhận thấy mình sai phạm thì việc cải tạo, giáo dục sẽ không mang lại kết quả. Bị cáo sẽ cho rằng mình bị kết án oan sai, sẽ đấu tranh, phản ứng tiêu cực với cơ quan công quyền.
Nếu gieo rắc tâm lý tiêu cực, theo hiệu ứng đám đông một cách thái quá, thiếu kiến thức pháp lý, thiếu lý luận sẽ dễ dẫn đến cái nhìn lệch lạc về công lý, về lẽ phải.... nhiều người sẽ không còn biết thế nào là đúng, là sai sẽ có thể có những phản ứng tiêu cực trước các cơ quan tư pháp nói riêng và cơ quan nhà nước nói chung, gây mất ổn định xã hội. Diễn biến, tình thế đó có thể sẽ bị đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các mưu đồ bất minh, gây thiệt hại cho nền kinh tế, xã hội.
Mặc dù câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề nóng trong bối cảnh xã hội ngày nay, "chưa bao giờ con đường từ dạ dày tới nghĩa địa lại gần đến thế" nhưng trước sự bùng nổ của công nghệthông tin, mạng xã hội thì người dân nói chung, người tiêu dùng nói riêng nên thận trọng trong việc đánh giá, suy xét các sự việc, sản phẩm... tránh việc chạy theo tâm lý đám đông để hại mình, hại người, tránh những hành động quá khích, bức xúc để có những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo: vietq.vn
Xem thêm:
Bất ngờ ập vào kiểm tra quán bar 396 nằm trên đường Lê Văn Lương (phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM), Công an phát hiện gần 10 người đang phê ma túy và hàng loạt sai phạm tại đây.
|
|
Sống cùng một mái nhà giữa thủ đô, sau lần xô xát khi uống rượu về, người em bị thương tích đã làm đơn để xử lý nghiêm, buộc anh trai phải vào tù.
|
|
Băng nhóm do 4 phụ nữ cầm đầu gạ gẫm du khách đi "thư giãn", đưa về các khu vắng vẻ dàn cảnh đánh ghen, cướp tài sản.
|
|
Khi bị giật chiếc điện thoại, cô gái 18 tuổi đã không ngại nguy hiểm dùng xe máy truy đuổi và lao xe vào tên cướp để lấy lại tài sản.
|
|
Chiều ngày 22/12, Đại tá Phạm Trung Thành, Chánh văn phòng công an tỉnh Kiên Giang cho biết, rạng sáng cùng ngày, trên địa bàn huyện An Minh đã xảy ra một vụ cướp xe ô tô.
|
|
Phiên tòa sơ thẩm xét xử “vụ án con ruồi giá… 500 triệu đồng” đã khép lại với bản án 7 năm tù đối với bị cáo Võ Văn Minh. Tuy nhiên, sau khi bản án tuyên, nhiều ý kiến cho rằng vụ án đã bị lộ bí mật điều tra, thiếu khách quan.
|
|
Không chỉ bị tuyên phạt 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” vì hành vi gây thất thoát hơn 600 tỷ đồng, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 7, TPHCM còn bị điều tra về nghi án nhận hối lộ.
|
|
Trong phiên xét xử vụ chai nước có ruồi ngày 18/12, một phụ nữ lạ mặt đã xông vào tòa yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát xin lỗi mình. Người phụ nữ này cho rằng chính bà cũng suýt "dính" một vụ việc tương tự với công ty này.
|
|
Nhận thấy hình phạt tù chung thân quá nhẹ so với tội ác Duy đã gây ra, Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đã kháng nghị tăng án lên tử hình đối với bị cáo này.
|
|
Cơ quan tố tụng xác định, Công ty CP Enzo Việt được vay vốn thực hiện dự án Dệt – Nhuộm – May khi đã hết hạn mức cho vay và thực tế không có nguyên liệu nhập về nhà máy, gây thiệt hại cho Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội hơn 420 tỷ đồng.
|
- Re: Luật sư Đặng Văn Cường
- Đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác qua tin nhắn điện thoại bị xử lý như thế nào?
- Khởi kiện tội hiếp dâm - Mong luật sư và mọi người giúp đỡ
- tách đất trong quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất.
- Hỏi luật sư về thuế môn bài
- Về điều kiện được cấp sổ đỏ