Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người khác: Xử lý thế nào?
Xin ông cho biết, quyền cá nhân đối với hình ảnh được pháp luật ghi nhận và bảo vệ thế nào?
- Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do cá nhân, quyền nhân thân của mọi công dân. Theo đó, việc sử dụng thông tin cá nhân của người khác phải được người đó đồng ý, nếu sử dụng trái phép gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác mà không được người có thông tin hình ảnh đồng ý thì phải gỡ bỏ; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, nếu bị kiện có thể sẽ phải chịu chế tài của pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Đây là quy định rất rõ ràng cụ thể về quyền hình ảnh của cá nhân. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Cá nhân là người có quyền đối với hình ảnh của mình, quyền của cá nhân được thể hiện như: cá nhân được trực tiếp sử dụng hình ảnh, quảng bá hình ảnh của bản thân, được đăng tải, công khai hình ảnh với các mục đích hợp pháp của cá nhân... hoặc cá nhân được quyền cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình. Khi muốn sử dụng hình ảnh của người khác thì phải được người đó đồng ý.
Trong trường hợp nào thì có thể sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự cho phép, thưa ông?
- Pháp luật quy định trong một số trường hợp cụ thể thì có thể sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự cho phép. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Như vậy, trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng thì không phải xin phép. Ngoài ra hình ảnh có được từ các hoạt động công cộng như hội nghị, hội thảo, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật công khai và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì mọi người cũng được phép sử dụng.
Những hình ảnh mà người khác đã công khai trên mạng xã hội, trước công chúng thì người khác cũng có quyền sử dụng, viện dẫn nhưng không làm tổn hại đến danh dự, uy tín của họ. Việc sử dụng hình ảnh của người khác nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác hoặc sử dụng vào mục đích trái pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp phát hiện hình ảnh của mình bị xâm phạm, người có hình ảnh phải làm gì để bảo vệ quyền của mình?
- Ngoài những trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 32 Bộ luật Dân sự nêu trên, việc thu thập thông tin, sử dụng hình ảnh của người khác trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp phát hiện hình ảnh của mình bị xâm phạm, người có hình ảnh có quyền căn cứ vào khoản 3, Điều 32 Bộ luật Dân sự để bảo vệ quyền của mình. Cụ thể, việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Khi phát hiện thông tin cá nhân, hình ảnh của mình đang bị sử dụng trái phép, nạn nhân có quyền tự bảo vệ quyền nhân thân của mình bằng cách thông tin đối với người đang sử dụng trái phép, yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh và xin lỗi công khai. Trường hợp người đã thực hiện hành vi sử dụng trái phép hình ảnh không dừng hành vi của mình thì có quyền trình báo sự việc với cơ quan chức năng để được xem xét giải quyết, có thể là cơ quan công an hoặc khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Vậy, người có hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người khác sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?
- Quy định về bảo vệ quyền hình ảnh của cá nhân ngày càng chặt chẽ và có những chế tài nghiêm khắc hơn. Theo đó, từ ngày 27/1/2022, người có hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người khác sẽ bị phạt lên đến 60 triệu đồng, đồng thời có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm theo Nghị định 14/2022/NĐ-CP.
- Re: Luật sư Đặng Văn Cường
- Đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác qua tin nhắn điện thoại bị xử lý như thế nào?
- Khởi kiện tội hiếp dâm - Mong luật sư và mọi người giúp đỡ
- tách đất trong quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất.
- Hỏi luật sư về thuế môn bài
- Về điều kiện được cấp sổ đỏ