Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Sẽ mít-tinh trên biển để phản đối Trung Quốc

 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 12-5, Chuẩn đô đốc Ngô Sĩ Quyết cho biết diễn biến trên biển tiếp tục căng thẳng.

“Hiện lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển vẫn đang kiên cường bám trụ, đấu tranh buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam” - ông Quyết cho hay.

Theo ông Quyết, nhiều khả năng phía Trung Quốc đã định vị được giàn khoan nên trong những ngày tới sẽ tiến hành tác nghiệp, khoan thăm dò. “Đây là bước đi nguy hiểm của Trung Quốc” - Chuẩn đô đốc Quyết cho hay.
 
Dù bị Trung Quốc ngăn cản, tấn công, ngư dân miền Trung vẫn quyết tâm bám biển. Ảnh: VIẾT LONG
Dù bị Trung Quốc ngăn cản, tấn công, ngư dân miền Trung vẫn quyết tâm bám biển. Ảnh: VIẾT LONG

Ông Quyết cho biết thêm trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 một cách ngang ngược, các tàu khai thác thủy sản của ngư dân ta trên các vùng biển quanh đó sẽ tập trung lại để phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc phải rút lui. “Trước sau như một, chúng ta luôn kiên định rằng chủ quyền của ta, ta phải giữ bằng được. Do đó, các lực lượng của ta sẽ đấu tranh đến cùng” - ông Quyết nhấn mạnh.

Về phía ngư dân, trao đổi với chúng tôi, nhiều bà con cho biết đã sẵn sàng để tham gia vào cuộc mít-tinh trên biển phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Từ những việc Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan HD-981 xuống xâm phạm vùng biển Hoàng Sa, cho đến việc sử dụng tàu ngư chính, tàu ngụy trang khác để tấn công, cướp bóc tài sản của ngư dân đã khiến cả huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) những ngày qua sục sôi, căm phẫn. Bà Phan Thị Lợi, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh (Lý Sơn), cho biết tất cả ngư dân trong nghiệp đoàn đã sẵn sàng tham gia đấu tranh, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam). Hiện nghiệp đoàn có hơn 20 tàu đánh bắt xa bờ (công suất lớn) đang hoạt động trên hai ngư trường chính Hoàng Sa và Trường Sa. Tương tự, tại xã An Hải cũng có hơn 72 tàu cùng quyết tâm đấu tranh, phản đối hành động sai trái của Trung Quốc.

“Dù khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng quyết bám ngư trường Hoàng Sa - ngư trường truyền thống mà bấy lâu nay ông cha vẫn khai thác. Một mặt là để sản xuất, một mặt là thường xuyên hiện diện trên vùng biển của mình để khẳng định chủ quyền” - thuyền trưởng tàu Đna-90352TS Lê Văn Lễ cho biết.

Theo: Báo Pháp luật Tp HCM