Trang chủ » Bảo mật thông tin » - Quyết định tái thẩm của TAND tối cao, vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất...

……..

Ngày 26 tháng 11 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao, mở phiên toà tái thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa:

Nguyên đơn: Ông Nguyễn Ngọc Trung, sinh năm 1949, trú tại: nhà số 18B, tổ 11A phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Bị đơn: Công ty Du lịch Hà Nội, có trụ sở tại: 18 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, do ông Lê Văn Tiến, sinh năm 1952 là cán bộ Công ty làm đại diện theo uỷ quyền của Giám đốc Công ty.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Đào Khánh Phú, sinh năm 1947.

2. Ông Nguyễn Văn Chí, sinh năm 1946.

3. Ông Nguyễn Huy Chiều, sinh năm 1953.

4. Ông Phạm Hồng Hải, sinh năm 1963.

5. Ông Phạm Khả Năng, sinh năm 1954.

Đều trú tại: nhà số 2, đường Kim Ngưu, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

6. Ông Chu Văn Thập, sinh năm 1944, trú tại: nhà số 6 Thuyền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.  

7. Ông Nguyễn Kim Khánh, ở Cộng hoà Liên bang Đức.

8. Ông Nghiêm Quang Hùng, sinh năm 1941, trú tại: nhà số 19, tổ 11A, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

9. Ông Nguyễn Ngọc Thảo, sinh năm 1925, trú tại: nhà số 20, tổ 11A, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

            NHẬN THẤY:

Theo đơn khởi kiện ngày 27-9-1995, ngày 16-5-1996 và các lời khai của ông Trung là nguyên đơn và bà Chiu (vợ của ông Trung) là người được ông Trung uỷ quyền trình bày trong quá trình giải quyết vụ án thì:

Toàn bộ diện tích đất 520m2 toạ lạc tại số 18B, tổ 11, phường Thanh Lương (trước đây là làng Lương Yên, phường Thanh Nhàn) hiện nay gia đình ông Trung đang quản lý sử dụng có nguồn gốc của cụ Nguyễn Ngọc Vực mua của vợ chồng cụ An Văn Tuyển và Nguyễn Thị Nghiên từ ngày 26-01-1947. Cụ Vực có vợ, con đều chết trước năm 1945, nên cụ Vực đã cho cụ Nguyễn Văn Tảo (là em họ của cụ Vực và là cha ông Trung) vào ở cùng. Năm 1968, cụ Vực chết, trước khi chết cụ Vực đã cho cụ Tảo sở hữu nhà đất nói trên. Năm 1977, cụ Tảo chết, trước lúc chết, cụ Tảo cho ông Trung toàn bộ nhà đất trên. Năm 1980, họ tộc làm giấy tờ giao nhà đất nói trên của cụ Vực cho ông Trung, giấy này không có chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ông Trung đã ở từ đó cho đến nay.

Tháng 6 năm 1989, gia đình ông Trung nhận được giấy khai hoa màu trên đất để nhà nước đền bù lấy đất xây dựng khách sạn Hoàn Kiếm mở rộng. Gia đình ông Trung kê khai vào giấy in sẵn những loại hoa màu trên đất gồm: dừa, ổi, rau muống, rau khoai nước và đã nhận 88.500 đồng tiền đền bù do ông Thảo - Tổ trưởng dân phố giao. Sau khi san lấp mặt bằng, Công ty Du lịch Hà Nội đã lấn chiếm một phần đất của gia đình ông Trung. Ngoài ra, ông Chiều là cán bộ Công ty Du lịch Hà Nội xin để nhờ vật liệu trên đất của gia đình ông Trung và chiếm luôn để làm nhà. Gia đình ông Trung yêu cầu Công ty Du lịch Hà Nội trả lại cho gia đình ông Trung 216m2 đất đã lấn chiếm.

Về lối đi, năm 1989, đại diện Công ty Du lịch Hà Nội nói lấy đất làm lối đi chung nên đã lấy đất lối đi của gia đình ông Trung. Đề nghị Công ty Du lịch Hà Nội trả lại đất lối đi cho gia đình ông Trung như trước đây (rộng 1,5m; dài 17m).

Bị đơn là Công ty Du lịch Hà Nội (do ông Tiến đại diện) trình bày: Năm 1989, Công ty Du lịch Hà Nội được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp 460m2 để xây dựng nhà ở; 56,25m2 để xây dựng đường nội bộ và 321m2 để mở đường quy hoạch tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng theo giấy phép sử dụng đất số 1477/UBXDCB ngày 21-4-1989 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội. Công ty đã nhận trích lục bản đồ diện tích đất được cấp. Sau đó được Công ty Khảo sát Đo đạc thuộc Uỷ ban Xây dựng Cơ bản Hà Nội đo và cắm mốc giới mặt bằng giao đất, lập biên bản có sơ đồ vị trí mốc giới diện tích Công ty được cấp. Công ty đã trả tiền đền bù cho 5 hộ gia đình trong đó gia đình ông Trung nhận 88.500 đồng. Sau khi Công ty san lấp mặt bằng xong, ông Trung có đơn xin mở đường đi trên mặt bằng xây dựng của Công ty, Công ty trả lời là không được quyền. Các hộ được Công ty chia đất đã xây dựng nhà ở, chỉ có hộ ông Thập mới xây dựng được phần móng.

Khoảng giữa năm 1994, gia đình ông Trung có đơn kiện, tại Công văn số 28 ngày 06-11-1995 của Sở Địa chính Hà Nội; số 1575 ngày 13-11-1995 của Tổng cục địa chính đều khẳng định: Công ty Du lịch Hà Nội không lấn đất của ai. Công ty đã thực hiện đúng, đầy đủ theo giấy phép cấp đất số 1477 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, trích lục bản đồ số 667 và biên bản cắm mốc giới. Công ty yêu cầu gia đình ông Trung trả lại diện tích đất có móng nhà của ông Thập mà gia đình ông Trung đã lấn chiếm làm lối đi để Công ty trả ông Thập.

Các ông Phạm Hồng Hải, Chu Văn Thập, Nguyễn Văn Chí, Phạm Khả Năng, Nguyễn Huy Chiều, Đào Khánh Phú là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhất trí với lời trình bày của ông Tiến.

Ông Nghiêm Quang Hùng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày: Năm 1989, Nhà nước lấy đất của 6 hộ gia đình để cấp cho Công ty Du lịch Hà Nội. Gia đình ông Hùng bị lấy 100m2 đất ao, trên đó có hoa màu và đã nhận đền bù khoảng 130.000 đồng. Ngày 26-9-1989, gia đình ông Hùng thỏa thuận đổi cho Công ty Du lịch Hà Nội một phần đất để Công ty Du lịch Hà Nội  lấy đất làm nhà, bù lại Công ty Du lịch Hà Nội cắt cho gia đình ông Hùng một lối đi rộng 1,8m. Gia đình ông đã giao đất cho Công ty Du lịch Hà Nội, nhưng Công ty Du lịch Hà Nội  không giao lối đi cho gia đình ông vì còn liên quan đến ông Thảo. Ông Hùng đề nghị Công ty Du lịch Hà Nội giải quyết lối đi cho gia đình ông Hùng.

 Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 56/DSST ngày 27-9-1996, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

1- Xác nhận diện tích đất làm nhà ở 460m2 và 56,25 m2 mở đường nội bộ theo quyết định cấp đất 1477/UBXDCB của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và theo trích lục bản đồ số 667/UB-XDCB ngày 09-7-1989 tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng thuộc quyền sử dụng của Công ty Du lịch Hà Nội.

2- Bác yêu cầu của ông Trung cho rằng Công ty Du lịch Hà Nội lấn chiếm đất, nay đòi lại 216 m2 đất.

3- Việc tranh chấp đổi đất lấy lối đi giữa ông Hùng với Công ty Du lịch Hà Nội sẽ được giải quyết bằng vụ án khác.

Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

Bản án còn quyết định về án phí.

Ngày 04-10-1996 và ngày 15-11-1996 ông Trung, bà Chiu có đơn kháng cáo không đồng ý quyết định của bản án sơ thẩm.

Ngày 09-10-1996, các ông Thập, Chiều, Năng, Phú, Chí, Hải có đơn kháng cáo đề nghị Toà án xem xét lại việc ông Trung đã chiếm đất của Công ty (phần đất đã cấp cho ông Thập) để làm lối đi.

Tại bản án phúc thẩm số 69 ngày 14-7-1997, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định: Sửa một phần án sơ thẩm số 56/DSST ngày 27-9-1996 của TAND thành phố Hà Nội, xử:

- Xác định 460m2 làm nhà ở và 56,25m2 đất mở đường nội bộ theo giấy phép sử dụng đất số 1477/UBXDCB của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ngày 21-4-1989 tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty Du lịch Hà Nội.

- Bác yêu cầu của ông Trung vì không có căn cứ, Công ty Du lịch Hà Nội không lấn chiếm 216m2 của gia đình ông.

- Xác định hiện gia đình ông Trung đang lấn chiếm đất của Công ty Du lịch Hà Nội phần diện tích mà gia đình ông đang sử dụng làm lối đi mới.

Buộc gia đình ông Trung phải trả lại cho Công ty Du lịch Hà Nội, để Công ty trao trả lại cho ông Thập.

- Về lối đi: Buộc ông Trung phải tháo dỡ cổng cũ (cổng phía sau mà gia đình ông tự xây bịt lại) để gia đình ông trở về đi cổng này đi từ nhà ra hướng Trường Thanh Lương như gia đình ông đã từng đi từ trước năm 1989.

- Dành quyền cho ông Thập kiện đòi giá trị móng nhà bằng một vụ kiện dân sự khác (nếu có yêu cầu).

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

Bản án còn quyết định về án phí.

Sau khi có bản án phúc thẩm, ông Trung có đơn khiếu nại.

Tại Quyết định kháng nghị số 145/2008/KN-DS ngày 13-6-2008, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử tái thẩm, huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 56/DSST ngày 27-9-1996 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:

Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã căn cứ vào nội dung Bản kết luận số 28/KL-TT-ĐC ngày 06-11-1995 của Sở Địa chính Hà Nội và nội dung công văn số 1575 CV/TTr ngày 13-11-1995 của Tổng cục Địa chính đã kết luận về việc Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp đất cho Công ty Du lịch Hà Nội là đúng thẩm quyền và Công ty Du lịch Hà Nội sử dụng đúng mục đích, đúng diện tích đã được giao để quyết định bác yêu cầu đòi lại đất của ông Trung, bà Chiu.

Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Trung, bà Chiu khiếu nại cho rằng số liệu tọa độ các mốc giới diện tích đất Công ty Du lịch Hà Nội được cấp thể hiện tại Trích lục bản đồ số 667 ngày 09-7-1989 của Ủy ban Xây dựng Cơ bản thành phố Hà Nội (sau đây gọi là Trích lục bản đồ 667) không đúng với số liệu tọa độ diện tích đất Công ty Du lịch Hà Nội được bàn giao theo Biên bản bàn giao ngày 26-5-1989 của Công ty Khảo sát Đo đạc Hà Nội.

Ngày 09-3-2007, Toà án nhân dân tối cao có công văn số 140/TANDTC-DS đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội kết luận về việc Công ty Du lịch Hà Nội sử dụng đúng hay không đúng diện tích đất được cấp theo Trích lục bản đồ số 667.

 Ngày 09-7-2007, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội có công văn số 3684/UBND-NNĐC giao cho Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội kiểm tra, xác minh, kết luận và báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố. Ngày 13-7-2007, Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội có công văn số 3246/TNMTNĐ-ĐKTK giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Khảo sát và Đo đạc Hà Nội (gọi tắt là Công ty Khảo sát) kiểm tra, xác minh.

Ngày 24-7-2007, Công ty Khảo sát có công văn số 108/KSĐĐ báo cáo kết quả với Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội; ngày 22-8-2007, Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội đã có văn bản số 3936/TNMTNĐ-ĐKTK&ĐĐBĐ báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội trên cơ sở kết quả đo đạc của Công ty Khảo sát. Theo nội dung các báo cáo này thì diện tích đất thực tế Công ty Du lịch Hà Nội đang sử dụng không trùng khớp với diện tích đất được cấp theo Trích lục bản đồ 667, mà tịnh tiến song song về hướng Tây, Tây- Bắc một khoảng 1,96m (tung độ x lệch 0,5m; hoành độ y lệch 1,89m).

Căn cứ báo cáo kết quả của Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội về kết quả đo đạc, xác minh mốc giới đất cấp cho Công ty Du lịch Hà Nội, ngày 8-10-2007, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội có công văn số 5484/UBND-NNĐC gửi Toà án nhân dân tối cao về việc xác định tọa độ, mốc giới diện tích đất đã cấp cho Công ty Du lịch Hà Nội. Như vậy, sau khi có kết quả kiểm tra, xác minh của cơ quan chức năng chuyên ngành là Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có công văn số 5484/UBND-NNĐC xác định chính thức về việc diện tích đất Công ty Du lịch Hà Nội đang sử dụng không trùng khớp với diện tích đất được giao. Nội dung văn bản này của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội là tình tiết mới quan trọng, có thể làm thay đổi cơ bản nội dung bản án phúc thẩm số 69 ngày 14-7-1997 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

Mặt khác, theo Trích lục bản đồ 667 thì đất mà Công ty Du lịch Hà Nội được phép sử dụng là 460m2 làm nhà ở và 56,25m2 mở đường nội bộ, nhưng tại giấy phép sử dụng đất lại có phần đánh máy thêm 321m2 phần ao còn lại. Đây là vấn đề cũng cần phải được xem xét giám định làm rõ để việc giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Tại phiên toà tái thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 56/DSST ngày 27-9-1996 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

XÉT THẤY:

Việc xác định Công ty Du lịch Hà Nội được bàn giao quyền sử dụng đất và sử dụng thực tế có đúng với diện tích đất được cấp hay không là kết luận có ý nghĩa như giám định của cơ quan chuyên môn.

Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã xác định Công ty Du lịch Hà Nội không lấn chiếm đất trên cơ sở căn cứ vào nội dung Bản kết luận số 28/KL-TT-ĐC ngày 06-11-1995 của Sở Địa chính Hà Nội và nội dung công văn số 1575 CV/TTr ngày 13-11-1995 của Tổng cục Địa chính kết luận Công ty Du lịch Hà Nội sử dụng đúng diện tích đã được cấp.

Ngày 08-10-2007, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội có công văn số 5484/UBND-NNĐC xác định chính thức về việc diện tích đất Công ty Du lịch Hà Nội đang sử dụng không trùng khớp với diện tích đất được cấp theo Trích lục bản đồ 667, mà tịnh tiến song song về hướng Tây, Tây- Bắc một khoảng 1,96m (tung độ x lệch 0,5m; hoành độ y lệch 1,89m). Rõ ràng, kết luận này có nội dung khác với kết luận trước đây mà Toà án làm căn cứ xét xử.

Do đó, cần phải xác minh lại diện tích đất Công ty Du lịch Hà Nội thực tế đang sử dụng có đúng với Trích lục 667 hay không. Đồng thời, theo Trích lục bản đồ 667 thì đất mà Công ty Du lịch Hà Nội được phép sử dụng là 460 m2 làm nhà ở và 56,25 m2 mở đường nội bộ, nhưng tại giấy phép sử dụng đất lại có phần đánh máy thêm 321 m2 phần ao còn lại. Đây là vấn đề cũng cần phải được xem xét giám định làm rõ để việc giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 2 Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 69 ngày 14-7-1997 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 56/DSST ngày 27-9-1996 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Ngọc Trung với bị đơn là Công ty Du lịch Hà Nội; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông Đào Khánh Phú, Nguyễn Văn Chí, Nguyễn Huy Chiều, Phạm Hồng Hải, Phạm Khả Năng, Chu Văn Thập, Nguyễn Kim Khánh, Nghiêm Quang Hùng, Nguyễn Ngọc Thảo.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

Các Tòa án chưa xác định rõ diện tích đất Công ty du lịch Hà Nội thực tế đang sử dụng.