Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Phòng, chống tội phạm về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái
Các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái
I. Tình hình thụ lý, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái qua công tác thụ lý, xét xử của Tòa án các cấp trong thời gian qua
1. Tình hình thụ lý các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái qua công tác thụ lý, xét xử của Tòa án các cấp Có thể nói, tình trạng xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái trong những năm gần đây đã xảy ra nhiều và ở mức độ đáng báo động trong phạm vi cả nước. Chỉ tính từ ngày 01/01/2008 đến ngày 31/12/2013, Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 9.683 vụ với 11.444 bị cáo. Trong đó, đưa ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm 8.772 vụ với 10.265 bị cáo. Trong số các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em mà Tòa án các cấp đưa ra xét xử, có 1.812 vụ với 2.641 bị cáo bị xét xử về tội “Hiếp dâm”, 3.276 vụ với 3.759 bị cáo bị xét xử về tội “Hiếp dâm trẻ em”, 31 vụ với 61 bị cáo bị xét xử về tội “Cưỡng dâm”; 25 vụ với 30 bị cáo bị xét xử về tội “Cưỡng dâm trẻ em”; 2.749 vụ với 2.878 bị cáo bị xét xử về tội “Giao cấu với trẻ em” và 879 vụ với 896 bị cáo bị xét xử về tội “Dâm ô với trẻ em”. Số liệu này cho thấy nạn nhân của các vụ án xâm phạm tình dục là trẻ em chiếm tỷ lệ lớn (6.929 vụ với 7.563 bị cáo, chiếm tỷ lệ 78,99% số vụ và chiếm 73,68% số bị cáo bị xét xử). Qua theo dõi số liệu các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em Tòa án các cấp đã thụ lý, giải quyết, thấy rằng tình trạng xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, cụ thể: Năm 2008: 1.494 vụ với 1.789 bị cáo; năm 2012: 1.736 vụ với 2.039 bị cáo và năm 2013: 2.050 vụ với 2.330 bị cáo. Trong số các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em xảy ra, các bị cáo ở độ tuổi dưới 30 tuổi là 4.873 bị cáo, chiếm 47,47% trên tổng số 10.265 bị cáo đã xét xử sơ thẩm (trong đó: tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi là 205 bị cáo, tuổi từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là 719 bị cáo và tuổi từ 18 đến 30 tuổi là 3.949 bị cáo). Đồng thời, độ tuổi của các bị cáo cũng có xu hướng trẻ hóa; cụ thể, số bị cáo bị đưa ra xét xử dưới 30 tuổi qua các năm lần lượt là: Năm 2008: 771 bị cáo, năm 2009: 714 bị cáo, năm 2010: 740 bị cáo, năm 2011: 773 bị cáo, năm 2012: 850 bị cáo và năm 2013: 1.025 bị cáo). Các vụ án xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em xảy ra ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, trong giai đoạn 2008-2013, các địa phương xảy ra nhiều vụ án hình sự xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gồm có: Thành phố Hồ Chí Minh (815 vụ/935 bị cáo); Đồng Nai (615 vụ/681 bị cáo), Cà Mau (384 vụ/406 bị cáo), Bình Dương (370 vụ/414 bị cáo), Đắk Lắk (287 vụ/332 bị cáo), Hà Nội (300 vụ/395 bị cáo), Trà Vinh (194 vụ), Bình Thuận (166 vụ/224 bị cáo), Hòa Bình (121 vụ/142 bị cáo), Lâm Đồng (162 vụ/190 bị cáo), thành phố Cần Thơ (158 vụ/182 bị cáo), Hậu Giang (136 vụ), Bắc Giang (137 vụ/193 bị cáo), Vĩnh Long (109 vụ/111 bị cáo), Tuyên Quang (111 vụ/130 bị cáo), Bình Định (102 vụ/123 bị cáo), Đắk Nông (108 vụ/110 bị cáo), Phú Yên (98 vụ/139 bị cáo), Hải Phòng (91 vụ/97 bị cáo), … Tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ án xậm hại tình dục phụ nữ và trẻ em cũng có xu hướng ngày càng tăng lên. Nhiều vụ án xảy ra có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện sự suy đồi đạo lý nghiêm trọng, coi thường tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em, gây bức xúc trong dư luận xã hội, như bố đẻ hiếp dâm con gái ruột, anh trai hiếp dâm em gái, người chồng hiếp dâm con riêng của vợ, ông ngoại hiếp dâm cháu, nhiều người hiếp dâm một người, người bị hại trong vụ hiếp dâm còn quá nhỏ tuổi, xâm hại tình dục làm người bị xâm hại mang thai và sinh con, hiếp dâm rồi giết người nhằm trốn tránh sự tố giác của người bị hại, trốn tránh sự phát hiện, trừng trị của pháp luật,... Có thể kể ra một số vụ án điển hình như: - Vụ Phạm Minh Trí (sinh năm 1991), Phan Thành Dương và Nguyễn Thành Lâm (sinh năm 1970) hiếp dâm rồi giết chết cháu Đ. L. T.A (sinh ngày 25/7/2001). Ngày 20/7/2013, TAND thành phố Cần Thơ đã xử phạt bị cáo Phạm Minh Trí mức án tử hình về tội “Giết người”, 20 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”, tổng hợp hình phạt chung, buộc bị cáo Trí phải áp dụng hình phạt chung là tử hình; xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh Lâm tử hình về tội “Giết người”, 15 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Lâm phải chấp hành hình phạt chung là tử hình. Riêng Phan Thành Dương treo cổ tự tử tại trại tạm giam, nên Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra đối với Phan Thành Dương. - Vụ Bùi Văn Tám (sinh năm 1991) hiếp dâm em B.T.T.H (sinh ngày 30/6/1998, cùng trú tại xóm Trang Trên 3, xã Tân Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) là em cùng cha khác mẹ với Tám. Ngày 17/4/2013, bị cáo Bùi Văn Tám đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình xử phạt bị cáo Bùi Văn Tám 10 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”. - Vụ Lê Văn Dũng (sinh ngày 20/5/1965; trú tại Tổ 10, khu vực 5, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2009 đã nhiều lần thực hiện hành vi hiếp dâm trẻ em mà người bị hại chính là con gái ruột của bị cáo. Ngày 07/6/2010, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt bị cáo Lê Văn Dũng 19 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”. - Vụ Vũ Văn Quỳnh công tác tại Công an thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng về hành vi dâm ô chặn đường để thực hiện hành vi sờ ngực đối với nhiều cháu học sinh nữ trên địa bàn xã trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm 2012 đến tháng 9 năm 2012. Ngày 17/7/2013, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã xử phạt bị cáo Vũ Văn Quỳnh 30 tháng tù về tội “Dâm ô với trẻ em”. - Vụ Dương Quốc Bốn (sinh ngày 10/12/1937, trú tại Xóm Bình, xã Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) trong khoảng thời gian từ tháng 12/2007 đến tháng 02 năm 2008 đã nhiều lần dụ dỗ để thực hiện hành vi giao cấu với cháu T.T.T (sinh ngày 20/7/1993, trú cùng xóm với Bốn) tại nhà của Bốn, làm cháu T mang thai và đã sinh con. Sau mỗi lần giao cấu, Dương Quốc Bốn cho cháu T từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng. Ngày 04/9/2008, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã xử phạt bị cáo Dương Quốc Bốn 42 tháng tù giam về tội “Giao cấu với trẻ em”. (Ảnh minh họa) Qua thực tiễn xét xử các vụ án về xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em, có thể thấy các tội phạm này xuất phát từ một số nguyên nhân sau đây: Thứ nhất, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật hình sự, pháp luật hôn nhân gia đình, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em còn hạn chế, chưa thường xuyên, dẫn đến nhận thức của một bộ phận người dân về sự bình đẳng giới, về quyền của phụ nữ, trẻ em đặc biệt là trẻ em gái còn hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng còn không ít người do thiếu hiểu biết về pháp luật nên cho rằng nam giới có quyền bạo hành, trong đó có cả bạo hành tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Còn các nạn nhân của nạn bạo lực tình dục như phụ nữ, trẻ em, do không nhận thức được đầy đủ quyền của mình nên không dám đấu tranh mà cam chịu bạo lực tình dục. Thứ hai, sự xuống cấp về đạo đức của một số không ít người cũng là nguyên nhân chính, thường xuyên gây ra tình trạng xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em. Những người gây ra bạo lực tình dục thường là không nhận thức được trách nhiệm và bổn phận của mình đối với các thành viên khác trong xã hội. Nhiều trường hợp do coi thường pháp luật; coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc do dùng chất kích thích như ma túy, rượu bia hoặc do ảnh hưởng của văn hóa phẩm kích động, bạo lực; phim, ảnh khiêu dâm, kích dục trên Internet,… mà bị kích thích, mất kiểm soát hành vi bản thân dẫn đến phạm tội xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ví dụ: Bị cáo Nguyễn Tuấn Hải (sinh năm 1984, trú tại thôn Đại Thượng, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) do ảnh hưởng của phim đen đồi trụy đã 2 lần hiếp dâm cháu N.T.N.H (sinh ngày 19/9/2002, trú cùng thôn với bị cáo). Ngày 24/02/2012, bị cáo Hải đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xử phạt 12 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Hay trường hợp các bị cáo Hoàng Đức Mạnh (sinh ngày 16/02/1998), Triệu Văn Tuấn (sinh ngày 30/11/1997), Lương Anh Dũng (sinh ngày 19/4/1997) và Mạc Văn Đức (sinh ngày 25/3/1996, các bị cáo cùng trú tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn), tối ngày 06/3/2013 đã có hành vi hiếp dâm tập thể đối với cháu T.T.T, sinh ngày 19/8/1997, trú tại xã Tân Yên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Ngày 23/9/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã xử phạt bị cáo Hoàng Đức Mạnh 7 năm tù giam, bị cáo Triệu Văn Tuấn 6 năm tù giam, bị cáo Lương Anh Dũng 4 năm tù giam và bị cáo Mạc Văn Đức 6 năm tù giam về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Thứ ba, nhiều vụ án xâm hại tình dục xảy ra do xuất phát từ việc gia đình không quan tâm trong việc quản lý, chăm sóc các em trong cuộc sống hàng ngày; trong khi đó, các trẻ em gái hoặc các phụ nữ trẻ bị bệnh tâm thần là những đối tượng non nớt về kinh nghiệm sống và thiếu khả năng tự bảo vệ mình trước các cạm bẫy của xã hội, rất dễ trở thành đối tượng bị xâm hại tình dục. Ví dụ: Bị cáo Phạm Thành Nghiệp (sinh năm 1984, trú tại: 55/6, khóm Kinh Tế, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bạc Liêu truy tố về tội “Hiếp dâm” theo quy định tại khoản 4 Điều 111 Bộ luật hình sự, mà người bị hại là cháu V.T.Y.N (sinh ngày 22/9/1996) có biểu hiện của người bị bệnh tâm thần. Ngày 20/9/2013, TAND thành phố Bạc Liêu đã xử phạt bị cáo Nghiệp 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Hoặc trường hợp lợi dụng sự thơ ngây và kém hiểu biết của bị hại là cháu Đ.T. G (sinh ngày 27/01/1998); Đặng Văn Toán (sinh năm 1989), Đỗ Ngọc Thu (sinh năm 1993) - đều trú tại xóm 11, xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định và Đặng Mạnh Tiến (sinh năm 1996, trú tại Xóm 13 xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đã bàn nhau lừa rủ cháu G đi nhà nghỉ để quan hệ tình dục. Khoảng 19h30 phút ngày 28/7/2012, Đặng Mạnh Tiến rủ cháu G đi ăn chè nhưng thực chất là gọi điện báo cho Thu và Toán đến chở cháu G đến nhà nghỉ Hoàng Anh ở xã Xuân Hồng. Tại đây, Toán và Thu đã thuê 02 phòng nghỉ rồi kéo cháu G vào phòng nghỉ và lần lượt thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn với cháu G. Tiến không giao cấu nhưng có hành vi giúp sức và bắt cháu G im lặng. Do quá sợ hãi nên cháu G không thể kháng cự. Sau khi quan hệ tình dục, trên đường về, Thu và Toán mua 01 viên thuốc tránh thai ép cháu G uống. Tính đến thời điểm bị giao cấu, cháu G được 14 năm 6 tháng 01 ngày tuổi. Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định đã xử phạt bị cáo Đặng Văn Toán 20 năm tù, Đỗ Ngọc Thu 18 năm tù và Đặng Mạnh Tiến 06 năm tù. Trong nhiều trường hợp, bé gái sau khi bị xâm hại tình dục do lo sợ bị trả thù vì bị đe dọa và sự thiếu quan tâm, chăm sóc của người lớn đã không dám lên tiếng tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của kẻ xâm hại nên bị xâm hại nhiều lần. Ví dụ: Vụ án Trần Ngọc Sáu phạm tội “Cưỡng dâm trẻ em”. Nội dung vụ án như sau: Khoảng tháng 7/2008, Trần Ngọc Sáu (sinh năm, 1962; trú tại xóm 2, Mỹ Trọng, Mỹ Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) lấy cớ nhìn thấy cháu H. T. T (sinh ngày 05/03/1994) quan hệ tình dục với anh trai là H.A.T nên Sáu đã gọi cháu T sang nhà để đe dọa, khống chế buộc cháu T phải quan hệ tình dục với Sáu. Mặc dù sự việc không có thật nhưng do sợ mang tiếng, ảnh hưởng đến danh dự gia đình đến bản thân nên cháu T không dám phản ứng. Liên tiếp từ tháng 7/2008 đến tháng 8/2009, Sáu đã khống chế và ép buộc cháu T quan hệ tình dục tại nhà mình. Đến tháng 8/2009, thấy không thể tiếp tục ép cháu T sang nhà mình, Sáu đã nghĩ cách ép buộc cháu T đến Bệnh viên đa khoa tỉnh rồi đưa vào khu nhà vệ sinh để quan hệ tình dục. Đến đầu năm 2011, thấy cháu T có dấu hiệu bất thường, Sáu có hỏi nhưng vẫn tiếp tục quan hệ đến lần cuối cùng là ngày 07/5/2011. Gia đình đưa đi khám và phát hiện cháu T đã có thai 6 tháng sau đó quyết định bỏ thai và làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Sáu. Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định đã xử phạt bị cáo Trần Ngọc Sáu 16 năm 06 tháng tù về tội “Cưỡng dâm trẻ em”; đồng thời buộc bị cáo Trần Ngọc Sáu phải bồi thường cho người bị hại tổng số tiền 46.600.000 đồng. Có trường hợp, mặc dù các cháu bé là người bị hại đã kể lại chuyện bị người khác xâm hại tình dục cho người lớn nghe nhưng người lớn do thờ ơ, coi nhẹ tính chất nghiêm trọng của sự việc hoặc có thái độ bao che hành vi vi phạm của người thân nên đã dẫn đến các hành vi xâm hại tình dục tiếp theo đối với bé gái. Ví dụ: Vụ án Vương Khánh Hiệp (sinh năm 1970, trú tại xóm Mậu 5, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) bị bắt giam ngày 27/3/2009 vì có hành vi xâm hại tình dục đối với cháu L.T.T (sinh ngày 09/8/1997, trú tại xóm Trù 1, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Nội dung vụ án như sau: Khoảng tháng 5 năm 2008, chị Châu Thị Thương (là vợ của Vương Khánh Hiệp) có nhận cháu L.T. T về ở cùng gia đình để trông giữ con cho chị Thương, gia đình chị Thương sẽ nuôi cháu ăn học, không tính tiền công. Trong thời gian ở nhà chị Thương, cháu T được đi học, được giao trông giữ cháu Linh và dọp dẹp nhà cửa. Vào khoảng trung tuần tháng 02 năm 2009, cháu T có nhắn với bà nội là Vương Thị Tìu Em đến đón về. Ngày 20 tháng 02 năm 2009, bà Tìu Em và chị Lê Thị Hồng Thái (là chị cháu T) đến đón cháu T về. Khoảng 24 giờ ngày 22 tháng 02 năm 2009, Vương Khánh Hiệp đi xe máy đến nhà bà Tìu Em, tắt xe máy từ ngoài rồi dắt xe vào sân, sau đó vào nhà nằm cạnh cháu T thì bị bà Tìu Em phát hiện, hô bắt giữ. Qúa trình điều tra, Cơ quan Công an xác định: Khoảng cuối tháng 12 năm 2008 và tháng 02 năm 2009, Vương Khánh Hiệp đã hai lần đến giường chỗ cháu T ngủ đang nằm với cháu Tài (con của Hiệp) để ôm hôn, sờ soạng người cháu T, sau đó Hiệp cởi quần áo và thực hiện hành vi giao cấu với cháu T. Cháu T có phản ứng nhưng không chống cự được. Cả hai lần cháu T đều kể lại sự việc xảy ra với chị Thương (vợ của Hiệp) và đều được chị Thương trả lời là “do chú Hiệp say rượu, chấp làm gì”. Chính hành vi bao che, không tố giác của chị Thương là điều kiện cho Vương Khánh Hiệp tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại đối với cháu T vào ngày 22 tháng 02 năm 2009. (Vụ án: Nguyễn Văn Thắng hiếp dâm cháu gái tại Quảng Trị) 2. Đánh giá kết quả giải quyết, xét xử các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái Trong quá trình xét xử, giải quyết các vụ xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em, có thể nói rằng các đơn vị Tòa án đã luôn bám sát các nguyên tắc về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, được quy định trong các văn bản pháp luật hình sự, pháp luật hôn nhân và gia đình, pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, đó là: Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực tình dục, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, về quyền của phụ nữ và trẻ em; hành vi bạo lực nói chung và bạo lực về tình dục nói riêng phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật; nạn nhân bạo lực tình dục được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực nói chung và bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng. Trong quá trình xét xử các vụ án hình sự nói chung và xét xử các vụ án hình sự xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, các Tòa án đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng theo đúng các quy định của pháp luật tố tụng, nhằm đảm bảo giải quyết tốt vụ án, đặc biệt là các vụ án lớn, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm. Đến nay, nhiều Tòa án địa phương đã xây dựng được quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, định kỳ trao đổi, thống nhất những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật, nhằm đảm bảo giải quyết tốt vụ án, tránh tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo việc giải quyết vụ án trong hạn luật định. Xác định những vụ xâm hại tình dục đều để lại hậu quả rất nặng nề, người bị hại không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh; đồng thời người bị hại, đặc biệt là các em gái nhỏ tuổi rất khó hòa nhập lại với cộng đồng, sống biệt lập trong một thế giới riêng. Do vậy, để góp phần ngăn chặn tệ nạn xâm hại tình dục, từ rất sớm Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn chỉ đạo các đơn vị Tòa án trong toàn hệ thống chủ động làm việc với các cơ quan Công an và Viện kiểm sát cùng cấp nắm tình hình và có kế hoạch phối hợp ngay từ giai đoạn điều tra để nhanh chóng đưa ra truy tố, xét xử những người có hành vi xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em; xử phạt thật nghiêm khắc với hình phạt cao trong khung hình phạt tại các điều luật đã áp dụng; đồng thời phải áp dụng thêm hình phạt bổ sung theo quy định của Bộ luật hình sự và cần tổ chức phiên tòa ngay tại địa bàn xảy ra tội phạm và đưa tin công khai trên các phương tiện đại chúng để phát huy kết quả phiên tòa nhằm ngăn chặn tội phạm xâm phạm tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, trong thời gian qua các Tòa án đã khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em, đáp ứng yêu cầu chính trị của các địa phương cũng như của cả nước. Đối với những vụ án mà bị cáo hoặc người bị hại thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, Tòa án các cấp đã chủ động liên hệ với các Trung tâm trợ giúp pháp l� để cử người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong công tác tổ chức các phiên toà xét xử các vụ án hình sự về các tội xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái đều được Tòa án cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo vừa làm rõ các tình tiết của vụ án, đồng thời đảm bảo thuần phong mỹ tục, các yếu tố văn hoá; bảo vệ danh dự, phẩm giá của con người và không gây tác động tiêu cực đến tâm lý của người bị hại, đặc biệt là các trẻ em gái. Hình phạt mà các Tòa án áp dụng đối với các bị cáo phạm tội liên quan đến bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em về cơ bản đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm về bạo lực tình dục nói riêng trong tình hình hiện nay. Trong qúa trình giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến xâm hại tình dục, một số Tòa án cũng đã chú trọng việc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về xâm hại tình dục nói riêng trong nhân dân, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng gia đình văn hóa, xã hội văn minh, bảo vệ quyền và lợi ích cũng như danh dự, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái. Tại phiên tòa, bên cạnh việc xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, xác định sự thật của bị cáo, Hội đồng xét xử luôn chú trọng công tác giáo dục pháp luật thông qua việc giải thích pháp luật, phân tích cho các bị cáo và những người tham dự phiên tòa hiểu rõ về hậu quả và những hệ lụy phát sinh từ hành vi xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái để những nguời tham gia phiên tòa nâng cao nhận thức về tác hại của bạo lực tình dục và các hành vi phạm tội tình dục. Công tác xét xử lưu động đối với các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái cũng được các Tòa án quan tâm thực hiện. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 đến ngày 31/12/2013, các Tòa án trên phạm vi toàn quốc đã đưa ra xét xử lưu động 259 vụ án điểm về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong việc đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm này. (Vụ án cuồng dâm Đặng Trần Hoài xảy ra tại Hà Nội năm 2012 ) II. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN VỀ XÂM HẠI TÌNH DỤC PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM GÁI 1. Các khó khăn xuất phát từ tính chất đặc thù của các loại vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em Xuất phát từ đặc trưng của các vụ án xâm hại tình dục là các vụ án xâm danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ nên trong quá trình giải quyết các loại vụ án này có những khó khăn nhất định, cụ thể như sau: Thứ nhất, khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, để có căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử bị cáo về tội danh gì thì cần phải có kết luận giám định pháp y và những vật chứng có liên quan để làm căn cứ, khẳng định ai là người thực hiện hành vi phạm tội và sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội gì trong các tội xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em (từ Điều 111 đến Điều 116 Bộ luật hình sự). Trên thực tế có nhiều vụ xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em nhưng không đủ cơ sở để đưa người phạm tội ra trước pháp luật. Có nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, khi gia đình biết đã lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến khai báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên vô hình chung đã tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa hết dấu vết. Có trường hợp sau khi bị xâm hại một thời gian dài, người bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội do sợ danh dự, nhân phẩm của bản thân và gia đình bị ảnh hưởng. Do đó, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn (vùng kín bị hóa sẹo, không thu được tinh dịch…) nên rất khó để xác định người bị hại có bị hiếp dâm hay không và ai là người thực hiện hành vi. Do đó, việc điều tra, truy tố cũng như xét xử của Tòa án đối với các trường hợp này rất khó khăn. Bên cạnh đó, trong nhiều vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm khi vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo được tư vấn của luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc vì một lý do nào đó đã không đồng ý với bản kết luận giám định pháp y đã nhận được trước đó nên đã đề nghị với Hội đồng xét xử cho giám định pháp y lại, dẫn đến kéo dài thời gian và gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án của Tòa án. Trong khi đó, công tác giám định về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em còn nhiều hạn chế và tại Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 đã không quy định việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em là loại đặc biệt, phải được thực hiện nhanh để xác định thủ phạm. Như vậy, nếu phụ nữ và trẻ em bị xâm hại tình dục mà bị phát hiện chậm hoặc đưa đi giám định không kịp thời sẽ thiếu mất bằng chứng quan trọng để xác định người phạm tội cũng như gây khó khăn cho công tác xét xử của các Tòa án. Thứ hai, khó khăn phát sinh từ phía người bị hại, trong nhiều vụ án mặc dù tại cơ quan điều tra và trong hồ sơ vụ án đã thể hiện quan điểm rõ ràng và khẳng định hành vi của bị cáo đã xâm hại tình dục đối với họ. Nhưng do trong quá trình chờ xét xử, giữa gia đình bị cáo và gia đình người bị hại đã thỏa thuận, thống nhất với nhau và thậm chí do sự tác động nào đó (có thể do bị đe dọa hoặc hứa hẹn) nên tại phiên tòa người bị hại lại thay đổi lời khai, phủ nhận lời khai trước đó và một mực bảo vệ bị cáo, cho rằng bị cáo không thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với họ như trong hồ sơ vụ án đã thể hiện,…qua đó đã gây nhiều khó khăn cho Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết, xét xử vụ án đó. Trong các vụ án xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, người bị hại và gia đình của người bị hại thường có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình nên nhiều người chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân họ hoặc người thân khi bị xâm hại. Khi xảy ra vụ việc, họ thường không trình báo với cơ quan có thẩm quyền mà giấu diếm, bỏ qua hoặc tự thỏa thuận với người có hành vi phạm tội và gia đình của người phạm tội gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Trong quá trình giải quyết vụ án, do thời gian xảy ra đã lâu, sự hợp tác không chặt chẽ của người phạm tội, người bị hại nên việc giám định của cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn, cũng ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án. Có trường hợp người bị hại có quan hệ tình dục với nhiều người trong thời gian dài, nên khi cơ quan điều tra tiến hành điều tra thì không có đủ chứng cứ để buộc tội tất cả các đối tượng. Cũng có trường hợp khi biết sự việc thì phía gia đình bị hại và gia đình bị cáo tự thỏa thuận với nhau về việc bồi thường, sau đó do không thống nhất được mức bồi thường nên bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội, nhưng việc khai báo sau đó không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án nên việc điều tra và nhận định các chứng cứ gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Thực tiễn xét xử đã xảy ra trường hợp Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung và sau đó cơ quan truy tố đã đổi tội danh truy tố đối với bị cáo (vụ Bùi Văn Thắng – TAND huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, chuyển từ tội “Giao cấu với trẻ em” sang tội “Cưỡng dâm trẻ em”). Bên cạnh đó, một số loại tội phạm liên quan đến bạo lực tình dục xảy ra trong nội bộ gia đình nên việc phát hiện, tố giác và xử lý gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính do nhận thức của người bị xâm hại còn hạn chế, không tố giác kịp thời các hành vi xâm hại tình dục. Trong các trường hợp này, người bị bạo hành tình dục trong gia đình là phụ nữ, trẻ em, có thái độ cam chịu hoặc không dám tố cáo với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể để có biện pháp can thiệp kịp thời mà âm thầm chịu đựng cho đến khi không thể chịu đựng được nữa mới gửi đơn tố cáo hành vi xâm hại tình dục. Khi Tòa án yêu cầu cung cấp chứng cứ thì không cung cấp được chứng cứ chứng minh là có hành vi xâm hại tình dục, gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết, xét xử vụ án. Thứ ba, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật là một trong những biện pháp hết sức hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm và các tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, các vụ án xâm hại tình dục là các vụ án nhạy cảm (đặc biệt là các vụ án mà người bị hại là trẻ em gái hoặc vụ án xâm hại tình dục mang tính chất loạn luân giữa những người cùng quan hệ huyết thống hoặc họ hàng thân thiết) thì người bị hại thường có có tâm lý e ngại, không muốn vụ việc được đưa ra xét xử công khai do vấn đề tâm lý sợ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm. Do vậy, các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em ít được đưa ra xét xử lưu động công khai (trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2013, các Tòa án đưa ra xét xử lưu động 259 vụ án), trong khi đó có nhiều vụ việc cần được đưa ra xét xử lưu động công khai nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và răn đe, ngăn chặn và hạn chế các hành vi vi phạm và tội phạm tương tự xảy ra. Thứ tư, nhận thức pháp luật của một số người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Nhiều người chưa nhận thức được hành vi họ đã thực hiện là vi phạm pháp luật hoặc danh dự, nhân phẩm của họ đã bị xâm hại, phổ biến nhất là hành vi giao cấu với trẻ em. Thông thường giữa bị cáo và người bị hại có quan hệ tình cảm, thậm chí có trường hợp gia đình của bị cáo và người bị hại còn tổ chức đám cưới cho hai người, tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện hành giao cấu với người bị hại. Do đó việc phát hiện, xử lý hành vi phạm tội chưa triệt để, một số trường hợp hai bên còn che giấu, không hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án. Ví dụ: Vào ngày 17/12/2007, Trần Văn Trưởng đến dự đám tại nhà Tô Văn Nghiêm cha ruột của cháu Tô H. C. Khoảng 23 giờ cùng ngày, Trưởng say rượu được cháu Tô H. C đưa về. Đến nhà, cháu C giăng mùng cho Trưởng ngủ, hai người quan hệ tình dục với nhau. Sau đó cứ 3 đến 4 ngày, Tưởng đến nhà cháu C quan hệ tình dục 01 lần. Đến ngày 04/4/2008, gia đình phát hiện cháu Tô H. C mang thai. Ngày 01/5/2008, gia đình cháu Tô H. C có làm đơn gửi đến chính quyền địa phương yêu cầu giải quyết. Ngày 05/6/2008 hai gia đình thỏa thuận cho Trưởng đón cháu C về nhà sống chung như vợ chồng. Sau đó cháu C sinh hai con. Trong thời gian chung sống do có mâu thuẫn, cháu C bỏ đi. Ngày 19/11/2008, gia đình cháu Tô H. C tiếp tục có đơn yêu cầu xử lý Trưởng theo pháp luật. Ngày 17/11/2009, Tòa án nhân dân huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau đã xử phạt bị cáo Trần Văn Trưởng 05 (năm) năm tù về tội “Giao cấu với trẻ em”. Thứ năm, trong một số vụ án, việc xác định tuổi của người bị hại gặp nhiều khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không xác định được chính xác tuổi của người bị hại để xác định người bị hại có phải là trẻ em hay không. Có trường hợp bị hại không có giấy khai sinh gốc, hoặc có giấy khai sinh nhưng ngày, tháng, năm sinh không chính xác hoặc giấy khai sinh chỉ ghi năm sinh. Có vụ án cha, mẹ của người bị hại nhớ nhầm ngày sinh của người bị hại (ngày âm lịch, dương lịch) nên cấp phúc thẩm phải hủy án của cấp sơ thẩm. Cũng có trường hợp lời khai của bố, mẹ bị hại và giấy tờ, lý lịch trong hồ sơ về ngày, tháng, năm sinh giống nhau nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại thu được những chứng cứ khác với tài liệu kể trên. Có trường hợp không xác định được năm sinh của người bị hại, cơ quan tiến hành tố tụng đã làm các thủ tục để tiến hành giám định tuổi của họ nhưng kết quả giám định của các cơ quan chuyên môn lại khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với tài liệu điều tra khác nên gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Tòa án trong việc đánh giá, sử dụng tài liệu chứng cứ. Ví dụ: Trong vụ án “Giao cấu với trẻ em” đối với bị cáoTrần Văn Trưởng nêu trên, sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Trần Văn Trưởng kháng cáo với nội dung cho rằng quan hệ tình dục giữa bị cáo và người bị hại là tự nguyện, tại thời điểm tháng 12/2007, người bị hại Tô H. C đã trên 16 tuổi. Ngày 05/03/2010, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đưa vụ án ra xét xử và tuyên hủy bản án sơ thẩm với lý do độ tuổi của bị hại có nhiều mâu thuẫn (giấy khai sinh đăng ký năm 2000 thì ghi sinh năm 1992, còn hộ khẩu gia đình và giấy chứng minh nhân dân đăng ký năm 2007 thì ghi sinh năm 1993), chưa được cơ quan điều tra làm rõ. Các bản kết luận của các cơ quan giám định không khớp với nhau nên chưa đủ căn cứ để truy tố, xét xử Trần Văn Trưởng phạm tội “Giao cấu với trẻ em” (cụ thể, tại bản kết luận giám định pháp y của Phân viện Kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công An xác định: tại thời điểm giám định tháng 3/2009, người bị hại Tô H. C có độ tuổi từ 17 năm 06 tháng đến 18 năm; còn tại bản kết luận giám định của Viện Pháp y Quốc gia lại xác định đến thời điểm ngày 30/9/2009, người bị hại Tô H. C có độ tuổi từ 17 năm đến 17 năm 03 tháng tuổi. 2. Các khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định của pháp luật Bên cạnh các khó khăn xuất phát từ đặc trưng của các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em như đã nêu trên, trong công tác xét xử, giải quyết các vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Tòa án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định xuất phát từ việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự, cụ thể như sau:
Thống kê ngàyCó 30 người online (0 thành viên và 30 khách).Thành viên: Chúc mừng sinh nhật: Tìm luật sư giỏi | Tin tức pháp luật | Tư vấn pháp luật | Dịch vụ luật sư | Luật sư tranh tụng | Luật sư riêng | Tư vấn luật sở hữu trí tuệ | Tư vấn luật đầu tư | Tư vấn luật đất đai, nhà ở | Tư vấn pháp luật thuế | Tư vấn, đàm phán, soạn thảo hợp đồng | Tư vấn luật hình sự | Luật sư bào chữa | Tư vấn luật hôn nhân, thừa kế | Tư vấn thường xuyên doanh nghiệp | Soạn thảo, làm chứng di chúc| Thủ tục mua bán, chuyển nhượng bất động sản...
LUẬT SƯ VIỆT NAM - TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP Trụ sở chính: Số 65B phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội Điện thoai: 0437 327 407 - 0977 999 896 Fax: 043 732 7407 Email : luatsuchinhphap@gmail.com Website: luatsuchinhphap.hanoi.vn - Trungtamtuvanphapluat.vn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động số 01010794/ĐKHĐ do Sở tư pháp thành phố Hà Nội cấp ngày 31/5/2012, cấp đổi ngày 06/11/2015; Mã số thuế: 0105916551 Chịu trách nhiệm pháp lý: Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường Điện thoại: 0977999896 khung anhVĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP - ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
- Luật sư bào chữa, tham gia tố tụng trong các vụ án: Hình sự - Dân sự (đất đai, nhà ở, xây dựng, hợp đồng..) - Lao động - Hành chính - Hôn nhân, thừa kế - Kinh doanh & thương mại...Tham gia giải quyết các tranh chấp kinh tế thông qua thương lượng, đàm phán, trọng tài thương mại.
- Luật sư tư vấn pháp luật: Chỉ ra tình trạng pháp lý và cung cấp các giải pháp pháp lý trong tất cả các lĩnh vực pháp luật. - Dịch vụ pháp lý khác: Thu hồi nợ; Luật sư riêng; Soạn thảo hợp đồng, văn bản; Soạn thảo và làm chứng di chúc...Thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý như: Mua bán, chuyển nhượng bất động sản, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký kinh doanh... Chịu trách nhiệm về nội dung - Trưởng Văn phòng: Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường Copyright© 2012 chinhphaplawyer Khung anh |