Trang chủ » Dịch vụ pháp lý » Phát hiện 6 cháu bé trong đường dây nghi vấn đẻ thuê tại Hà Nội: Mức án cao nhất chỉ 5 năm tù
Phát hiện 6 cháu bé trong đường dây nghi vấn đẻ thuê tại Hà Nội: Mức án cao nhất chỉ 5 năm tù
Hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện tượng này có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, dẫn đến việc mua bán người, lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động.
Báo CAND đưa tin, khoảng 17h ngày 29/11, tại một KĐT trên địa bàn huyện Gia Lâm, Công an xã Đa Tốn phối hợp với các Đội nghiệp vụ của huyện Gia Lâm kiểm tra căn hộ và phát hiện một đối tượng nam, 3 đối tượng nữ cùng 6 trẻ sơ sinh gồm có 4 cháu trai, 2 cháu gái.Đến 20h cùng ngày, Công an huyện Gia Lâm và Công an xã Đa Tốn tiếp tục tiến hành kiểm tra thêm căn hộ khác và phát hiện thêm 3 đối tượng liên quan, trong đó có 1 nam, 2 nữ. Đến 22h, Công an huyện Gia Lâm đã đưa cả 7 đối tượng về trụ sở để điều tra. Trong khi đó, 6 cháu bé được xe cứu thương đưa đến Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm chăm sóc.
Đến 11h ngày 30/11, Công an huyện Gia Lâm đã phối hợp với tổ dân phố và lực lượng chức năng khám xét hai căn hộ trên. Được biết, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Gia Lâm phát hiện có nhiều trẻ sơ sinh ở trong căn hộ trên nên đã mời những người liên quan đến làm việc, xác minh có phải đây là đường dây mang thai hộ, đẻ thuê hay không. Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, "đẻ thuê" hay còn gọi là "mang thai hộ vì mục đích thương mại" là hành vi bị pháp luật cấm, người thực hiện sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Đối tượng tổ chức cho người khác mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật trong lĩnh vực y tế thì những giải pháp hỗ trợ sinh sản đã được ứng dụng rộng rãi, trong đó có hình thức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Hiện nay, trong xã hội có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, khó thụ thai, khó mang thai nên rất cần sự can thiệp, hỗ trợ của y học hiện đại. Chính vì vậy các biện pháp can thiệp hỗ trợ sinh sản được áp dụng ngày càng phổ biến trên thế giới, trong đó có hình thức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Theo quy định tại khoản 22 (Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014) thì "mang thai hộ vì mục đích nhân đạo" là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Về mặt kĩ thuật thì việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo này được thực hiện bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Khác với mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, "mang thai hộ vì mục đích thương mại" là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại là vi phạm pháp luật và không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, trong đó có thể xảy ra những hiện tượng lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động, mua bán người và làm suy thoái đạo đức. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đang áp dụng hiện nay quy định rất đầy đủ chặt chẽ về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo đó, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Luật cũng quy định cụ thể điều kiện đối với cặp vợ chồng người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Tại khoản 3 (Điều 95, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014) quy định, người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Các trường hợp mang thai hộ không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật; việc mang thai hộ hướng đến mục đích là để được hưởng lợi ích vật chất, coi những đứa trẻ như những món hàng để mua bán, trao đổi thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Người tổ chức cho người khác mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 187 (BLHS 2015).
Trong vụ việc trên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ đặc điểm nhân thân và danh tính của những người có liên quan để xác định họ có phải đang thực hiện hành vi mang thai hộ hay không. Nếu là hình thức mang thai hộ thì đây là mang thai hộ theo mục đích nhân đạo hay mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Với những người mang thai hộ và nhờ người khác mang thai hộ thì có thể chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Còn đối với các đối tượng tổ chức cho người khác mang thai hộ để thu lợi bất chính thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự.
"Có thể nói rằng nhu cầu nhờ người khác mang thai hộ vì mục đích nhân đạo rất lớn nhưng để tìm được người mang thai hộ đúng theo quy định pháp luật, thực hiện đầy đủ các thủ tục thì không phải ai cũng có cơ hội thực hiện được. Chính vì quy luật cung cầu như vậy nên rất nhiều đối tượng vì ham lợi nhuận đã dụ dỗ các cô gái trẻ tham gia vào các đường dây mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Việc cơ quan chức năng phát hiện, bóc gỡ các đường dây tổ chức cho người khác mang thai hộ như vậy là rất cần thiết để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội", Tiến sĩ Cường chia sẻ.
Điều 187. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.
Nguồn: Pháp Luật và Bạn đọc
1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.
Nguồn: Pháp Luật và Bạn đọc
- Re: Luật sư Đặng Văn Cường
- Đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác qua tin nhắn điện thoại bị xử lý như thế nào?
- Khởi kiện tội hiếp dâm - Mong luật sư và mọi người giúp đỡ
- tách đất trong quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất.
- Hỏi luật sư về thuế môn bài
- Về điều kiện được cấp sổ đỏ