Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Nhìn nhận vấn đề giàn khoan HD - 981 trên góc độ pháp lý

 

- LS Đặng Văn Cường khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội thắng TQ khi kiện ra tòa án quốc tế và vụ kiện này sẽ được quốc tế ủng hộ mạnh mẽ...

Phẫn nộ: Giàn khoan Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cùng nhiều tàu hộ tống của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là quốc gia thành viên...

"Trước hết cần khẳng định, Quần đảo Hoàng Sa được Việt Nam xác lập chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế, vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc cắm mốc vị trí 15 độ 29’58” vĩ độ Bắc và 111 độ 12’06” kinh độ Đông tại Biển Đông (khu vực quần đảo Hoàng Sa) là thuộc địa phận vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (khu vực 200 hải lý kéo từ đường cơ sở).

Điều 1 Hiến pháp 2013 của Việt Nam nêu rõ “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”.

Vùng biển nêu trong Hiến pháp được cụ thể hóa tại Khoản 1 Điều 3 Luật Biển của Việt Nam (có hiệu lực từ 1/1/2013): “Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế.....”

Điều 57, Công ước luật Biển năm 1982 quy định các quốc gia biển được hưởng quy chế 200 hải lý thuộc Vùng đặc quyền kinh tế. Điều đó chứng minh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thể thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc bởi lẽ Hoàng Sa cách lục địa Trung Quốc khoảng cách 270 hải lý và Trường Sa cách lục địa Trung Quốc 750 hải lý.

Tương tự Điều 77 Công ước nêu rõ chủ quyền của quốc gia đối với thềm lục địa là đặc quyền, nghĩa là kể cả khi quốc gia có thềm lục địa không khai thác thì bất cứ ai cũng không có quyền khai thác trừ khi có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó.

Điều 16 Luật Biển Việt Nam cũng khẳng định mọi hành động thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, lắp đặt thiết bị tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam phải phù hợp Điều ước hoặc hợp đồng được ký kết phù hợp pháp luật Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có điều ước hay hợp đồng nào ký kết với phía Trung Quốc về nội dung này.

Điều 4, Điều 5 Bộ quy tắc ứng xử ở Biển đông nhấn mạnh các bên cam kết tuân thủ những cam kết quốc tế đã ký kết, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp tình hình và chịu trách nhiệm về những hành động đó khi giải quyết tranh chấp tại Biển Động (COC).

Như vậy, hành vi của Trung Quốc là vi phạm Điều 3, Điều 15, 16, 17, 18 Luật Biển của Việt Nam, vi phạm Điều 1, 11 Hiến pháp Việt Nam. Điều 4, Điều 5 COC. Hơn nữa, hành động trắng trợn đó của Trung Quốc còn vi phạm trực tiếp Điều 55 đến Điều 77 Công ước Luật Biển năm 1982. Công Ước này đã có hiệu lực với 162 quốc gia tham gia ký kết trong đó có Trung Quốc, theo luật pháp quốc tế, Trung quốc có nghĩa vụ thực hiện và tuân thủ các cam kết mà quốc gia đã ký kết.

Hành động đi ngược lại với những cam kết của chính mình từ phía Trung Quốc là vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, quy định của Hiến Chương Liên Hợp Quốc. Do đó, hành động này không chỉ bị nhân dân Việt Nam mà toàn bộ nhân dân thế giới cực lực phản đối", Luật sư Cường khẳng định.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Cường cũng bày tỏ, trước những hành động gây hấn, ngang ngược, vi phạm trắng trợn của Trung Quốc chúng ta cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để không bị cuốn vào những âm mưu khác và từng bước vạch mặt hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế về vấn đề này.

"Hiện nay, cộng đồng quốc tế nhiều quốc gia cũng đã lên tiếng, phản đối Trung Quốc, đơn cử như Nhật Bản, Mỹ đã có phát ngôn chính thức từ Bộ ngoại giao về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh hành động của Trung Quốc là khiêu khích, sai trái.

Ngoài ra, chúng ta cần chuẩn bị một hồ sơ khởi kiện để đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu không thể thương lượng trong hòa bình.

Việt Nam hoàn toàn có cơ hội thắng kiện dựa trên chứng cứ pháp lý và thực tiễn lịch sử, đồng thời vụ kiện của Việt Nam sẽ được đông đảo cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ", luật sư Cường nhấn mạnh.

Luật sư Cường cũng phân tích thêm: "Theo tôi được biết, trong thời gian qua, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ, cần nhanh chóng tiến hành khởi kiện các hành động vi phạm của Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Ý kiến đó là đúng. Tuy nhiên không phải cứ có hành động là sẽ đâm đơn kiện, đã kiện phải nắm chắc phần thắng, nếu không hệ lụy của nó sẽ rất lớn. Do đó, trong lúc này chúng ta cần chuẩn bị hồ sơ, căn cứ pháp lý thật vững chắc, giả định mọi tình huống có thể xảy ra để nắm chắc phần thắng cả thực tiễn và pháp lý.

Trong thời gian chưa “đâm đơn” thì chúng ta tiếp tục kiên trì đấu tranh ngoại giao hòa bình, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để gây áp lực với Trung Quốc, yêu cầu quốc gia này tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Thứ hai, tất cả mọi hành động muốn thành công phải đúng thời điểm. Tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế và nhiều yếu tố khác về tình tình thế giới. Nhìn vào thời điểm Trung Quốc tiến hành các hoạt động gây hấn, sẽ thấy được sự lựa chọn thời điểm khá kỹ của Trung Quốc. Đối phó với một đối thủ như vậy, chúng ta cũng cần có sự lựa chọn đúng đắn...".

Về các thủ tục cần thiết trong trường hợp Việt Nam tiến hành kiện các hành động vi phạm, ngang ngược của Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Luật sư Cường cho biết:

"Nếu trong trường hợp chúng ta tiến hành khởi kiện thì thủ tục và thời gian phiên tòa thùy thuộc vào các yếu tố sau:

Thứ nhất, tùy thuộc vào cơ quan tòa án chúng ta nộp đơn khởi kiện, mỗi cơ quan tài phán quốc tế có quy định về về thời hạn, thủ tục riêng. Lại có cơ quan tùy thuộc vào sự lựa chọn, thỏa thuận giữa các bên. Điều này không giống nhau giữa các cơ quan tài phán quốc tế. Ví dụ, nếu kiện ra Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc thì thủ tục và thời gian sẽ khác nếu kiện ra Tòa án Công lý Quốc tế.

Thứ hai, tùy thuộc vào tình hình diễn biến thực tế tại Biển Đông.

Thứ ba, tùy thuộc vào hồ sơ pháp lý, tính chặt chẽ của tài liệu, chứng cứ, các tình tiết cần chứng minh, phát sinh, bổ sung...", luật sư Cường cho hay.

Luật sư Cường cũng tái khẳng định, với những hành động vi phạm của Trung Quốc thì theo quy định của pháp luật, Việt Nam có thể tạm giữ giàn khoan Hải Dương 981 cũng như các phương tiện vi phạm.

"Hành động này của Trung Quốc là vi phạm Điều 77 về đặc quyền khai thác thềm lục địa của Công ước luật biển 1982, vi phạm Điều 17 Luật Biển. Theo quy định tại Điều 51 Luật Biển 2013 “Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam; tàu thuyền được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm có thể bị tạm giữ”", luật sư Cường nói.

Theo: Baomoi.com