Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Nghi phạm sát hại luật sư ở TPHCM bị bắt: Động cơ gây án?
Nghi phạm sát hại luật sư ở TPHCM bị bắt: Động cơ gây án?
Cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân sự việc, động cơ thực hiện hành vi phạm tội của nghi phạm để xử lý đối tượng này theo quy định của pháp luật.
Công an TP Thủ Đức vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM đã bắt giữ nghi phạm gây ra cái chết cho luật sư T.V.H. (40 tuổi, quê Tiền Giang) thuộc Đoàn Luật sư TP HCM. Danh tính nghi phạm là Phạm Trung Đan (29 tuổi, trú tại TP Thủ Đức). Cơ quan công an đang làm rõ động cơ và nguyên nhân nghi can Đan sát hại ông H.
Khoảng 18h20 ngày 31/7, luật sư T.V.H. được người dân phát hiện bị thương, nằm gục ở khu vực dạ cầu Rạch Chiếc, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Quân dân Y miền Đông rồi chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định và tử vong sau vài ngày điều trị. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã tổ chức khám nghiệm tử thi, xác định nạn nhân bị thương tích ở 2 cánh tay.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ gây án để xác định nguyên nhân sự việc. Những vụ giết người bằng vũ khí nóng, hung khí nguy hiểm như vậy thường là do nguyên dân mâu thuẫn, thù oán hoặc với mục đích cướp tài sản... Việc xác định nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội là cơ sở để đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, cũng là một trong những căn cứ quyết định hình phạt theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cường, nghề luật sư là nghề nguy hiểm. Không ít trường hợp những đối tượng côn đồ, manh động, coi thường pháp luật có ý định trả thù người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, trong đó có luật sư đã bị ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời.
Tòa án còn có lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp, với những đối tượng gây rối hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật trong khu vực xét xử sẽ bị bắt giữ và xử lý kịp thời. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử những vụ án hình sự hoặc trong quá trình giải quyết những vụ án dân sự mà có dấu hiệu mất an toàn, cơ quan tiến hành tố tụng và lực lượng cảnh sát cũng sẽ có những biện pháp, những giải pháp can thiệp kịp thời để xử lý đối với các đối tượng có hành vi chống đối, cản trở, đe dọa đến những người tham gia tố tụng...
Bởi vậy, ở Việt Nam những hiện tượng các đối tượng côn đồ, những băng đảng xã hội đen tấn công uy hiếp những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong đó có luật sư rất hiếm khi xảy ra. Một số trường hợp có ý định thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đã bị phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời.
Do đó, để đảm bảo an toàn, luật sư cần phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, để bảo vệ bản thân, luật sư thường là những người có khả năng đọc tình huống tốt và có rất nhiều giải pháp để bảo vệ bản thân khỏi những mối nguy hiểm.
Tuy nhiên, dù kỹ năng có tốt đến đâu, có nhiều kinh nghiệm đến đâu, những tình huống nguy hiểm về pháp lý cũng như mặt xã hội vẫn có thể xảy ra bất kỳ khi nào. Không chỉ luật sư mà tình huống nguy hiểm có thể diễn ra đối với bất kỳ ai khi tham gia tố tụng hoặc với những người tiến hành tố tụng.
Bởi vậy, pháp luật đòi hỏi hoạt động tố tụng phải tuân thủ kỷ luật, kỷ cương, những hành vi gây rối tại phiên tòa, những hành vi hành hung, chống người thi hành công vụ, gây gổ với những người tham gia tố tụng thì sẽ bị xử lý nghiêm minh bằng những chế tài của pháp luật.
Vụ án luật sư bị sát hại ở trên là một vụ án hết sức đau lòng, rất có thể nguyên nhân sự việc không phải do mâu thuẫn trong quá trình hành nghề luật sư. Cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ nguyên nhân sự việc, động cơ thực hiện hành vi phạm tội của đối tượng để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, căn cứ để xử lý đối tượng này theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, với hành vi giết người có tính chất côn đồ, đối tượng gây án trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Nếu nguyên nhân sát hại nạn nhân là do đối tượng thù tức nạn nhân trong quá trình tham gia tố tụng, hành vi này có thể được xác định là phạm tội vì động cơ đê hèn, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, đối tượng gây án có thể phải đối mặt với hình phạt cao nhất.
Ngoài trách nhiệm hình sự, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân phải thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết, tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền cấp dưỡng đối với con của nạn nhân và bố mẹ già của nạn nhân. Đồng thời phải bồi thường một khoản tiền tổn thất về tinh thần cho những người thân nhân của nạn nhân khoảng 100 tháng lương cơ bản.
“Vụ án cho thấy nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra đối với bất kỳ ai, bất kỳ nơi đâu. Với những đối tượng côn đồ, máu lạnh, coi thường pháp luật, ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Bởi vậy, việc đấu tranh phòng chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta đồng thời cũng là nhiệm vụ của toàn thể nhân dân Việt Nam để xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh, để con người đối xử với nhau có tình người, nhân văn phải tiến bộ”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Nguồn: Kienthuc.net
Nguồn: Kienthuc.net
- Re: Luật sư Đặng Văn Cường
- Đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác qua tin nhắn điện thoại bị xử lý như thế nào?
- Khởi kiện tội hiếp dâm - Mong luật sư và mọi người giúp đỡ
- tách đất trong quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất.
- Hỏi luật sư về thuế môn bài
- Về điều kiện được cấp sổ đỏ