Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Lừa đảo từ quan hệ dân sự vay tài sản: Vi phạm pháp luật dân sự hay hình sự?
Lừa đảo từ quan hệ dân sự vay tài sản: Vi phạm pháp luật dân sự hay hình sự?
Vừa qua, Công an các tỉnh, thành phố đã khởi tố rất nhiều vụ án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, các đối tượng đã lợi dụng đưa thông tin gian dối để vay tiền, lừa đảo từ quan hệ dân sự vay tài sản. Vậy, việc lừa đảo từ quan hệ dân sự vay tài sản này là vi phạm pháp luật dân sự hay hình sự?
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết: Theo quy định của pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến mức bị xử lý hình sự là hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Do đó, để buộc tội về hành vi này, cơ quan điều tra phải thu thập được các tài liệu chứng cứ chứng minh rằng bị can đã gian dối và có ý định chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức bên ngoài là vay tiền.
Pháp luật quy định vay tiền, vay tài sản là quan hệ dân sự. Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Bản chất vay mượn tiền là quan hệ dân sự tự nguyện, pháp luật không cấm người nợ tiền ngân hàng vay tài sản để trả nợ cho ngân hàng sau đó sẽ tiếp tục vay tiền của ngân hàng để trả nợ cho khoản vay nhằm kéo dài dây thời gian trả nợ, thường gọi là đảo nợ hay đáo hạn ngân hàng. Nếu vay tiền rồi sử dụng sai mục đích nhưng không chứng minh được mục đích chiếm đoạt thì vẫn chỉ là quan hệ dân sự. Nếu người nào không còn khả năng trả nợ nhưng vẫn đưa ra thông tin gian dối để vay tiền và nhận thức được rằng không thể trả nợ và không có ý định trả nợ thì mới là hành vi lừa đảo, chứng minh ý chí của bên vay trong trường hợp này để buộc tội không đơn giản.
Hành vi chỉ có thể cấu thành tội phạm nếu như người nợ tiền mất khả năng trả nợ, không có mục đích là sẽ trả nợ nhưng vẫn vay tiền, nhận tiền để sử dụng sai mục đích nhằm chiếm đoạt số tiền vay...
Quan hệ dân sự vay tài sản chỉ chuyển thành quan hệ hình sự nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy việc nhận tiền thông qua thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt chính là số tiền đã vay. Thủ đoạn gian dối và mục đích chiếm đoạt tài sản phải có trước thời điểm nhận tiền thì người vay tiền mới phạm tội này.
Trường hợp bị kết tội về tội danh này thì các bị can phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
DUY ANH-Luật sư Việt Nam
- Re: Luật sư Đặng Văn Cường
- Đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác qua tin nhắn điện thoại bị xử lý như thế nào?
- Khởi kiện tội hiếp dâm - Mong luật sư và mọi người giúp đỡ
- tách đất trong quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất.
- Hỏi luật sư về thuế môn bài
- Về điều kiện được cấp sổ đỏ