Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Hiệu trưởng vi phạm quy tắc ứng xử, "phụ huynh ép quỳ" có được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm?

Hiệu trưởng đã xử lý thiếu chuẩn mực

Chiều 7/11, ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, huyện đã giao các cơ quan chức năng làm việc với tập thể trường Tiểu học Sơn Lâm và Hiệu trưởng Phan Đình Thống, yêu cầu thầy Thống kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật (nếu có), gửi cấp trên xem xét.

Hiệu trưởng vi phạm quy tắc ứng xử, "phụ huynh ép quỳ" có được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm? - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Sơn Lâm, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: HL.

Theo ông Giang, thầy Thống đã xử lý thiếu chuẩn mực, vi phạm quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo Thông tư 06 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung này. Mức kỷ luật nhẹ nhất là khiển trách, nặng nhất là cảnh cáo.

Trước đó, vào lúc 8 giờ ngày 31/10, sau giờ chào cờ, thầy Thống gọi 14 học sinh, trong đó có hai con của ông Võ Văn Điệp, 40 tuổi ở thôn Lâm Bình đến trước phòng làm việc để hỏi vì sao trường đã gửi giấy mời trao đổi về việc chưa nộp bảo hiểm y tế bắt buộc nhưng bố mẹ các em không đến.

Khoảng 13 giờ 45 phút, ông Điệp mang theo dao chừng 40 cm xông vào phòng của thầy Thống. Ông Điệp bị cáo buộc đã đe dọa, bắt thầy Thống phải quỳ và xin lỗi.
 

Ông Điệp sau đó bị Công an huyện Hương Sơn khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú về tội Làm nhục người khác, theo điều 155 Bộ luật hình sự.

Phụ huynh có thể được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ việc này, hành vi của phụ huynh sẽ bị xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự.
 

Còn hành vi của thầy hiệu trưởng bêu tên học sinh chưa nộp tiền bảo hiểm cũng là hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, vi phạm quy định về kỷ luật học sinh.

Theo ông Cường, trước đây việc giáo viên nhắc trước lớp, trước trường về việc học sinh chưa đóng học phí, chưa đóng tiền bảo hiểm là chuyện vẫn thường diễn ra.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, chính sách pháp luật về giáo dục đã thay đổi, quy định về kỷ luật học sinh cũng thay đổi.

Triết lý giáo dục với học sinh là trung tâm đã thay thế cho quan điểm giáo dục cũ. Quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng hơn, đặc biệt là quyền trẻ em được ghi nhận vào đảm bảo.

Chính vì vậy những hình thức xử lý kỷ luật học sinh trước đây đã được thay thế bằng các quy định về xử lý kỷ luật khác văn minh hơn, hướng thiện hơn để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay.

Hành vi sử dụng bạo lực hoặc những lời nói xúc phạm để giáo dục không còn phù hợp. Hành vi kỳ thị, gây xấu hổ cho học sinh là những hành vi đáng lên án trong môi trường giáo dục.

Người đứng đầu của cơ sở giáo dục lại có những suy nghĩ và hành động thiếu chuẩn mực, không phù hợp với quy định về giáo dục, cần phải xem xét xử lý kỷ luật.

Vị chuyên gia cho biết, trong trường hợp cơ quan chức năng xem xét xử lý kỷ luật đối với thầy hiệu trưởng và quá trình điều tra vụ án làm nhục người khác đối với bị can là phụ huynh mà có căn cứ cho thấy thầy giáo (nạn nhân) có lỗi một phần, đây cũng có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự đối với bị can về tội làm nhục người khác.

Vụ việc này sẽ là một bài học lớn về công tác giáo dục cũng như hành vi ứng xử của phụ huynh khi con mình bị kỳ thị, xấu hổ vì chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định. Bài học về cách giáo dục, về nhân văn trong hoạt động giáo dục sẽ là bài học lớn cả về phía thầy hiệu trưởng và phụ huynh.

"Công bằng mà nói hành vi của thầy giáo hiệu trưởng đáng trách nhưng hành vi của phụ huynh là đáng lên án, nguy hiểm cho xã hội và phải bị xử lý bằng chế tài của pháp luật" – ông Cường nêu quan điểm.
Theo: Báo Dân Việt

Xem thêm:

Vụ mang xăng đốt nhà mẹ: Trường hợp nào 3 cô con gái sẽ mất quyền thừa kế?


Bán xăng dầu qua thùng, can, chai ở vỉa hè có vi phạm pháp luật?