Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Góc nhìn pháp lý vụ cựu trung úy công an chiếm đoạt tiền người vi phạm giao thông

Góc nhìn pháp lý vụ cựu trung úy công an chiếm đoạt tiền người vi phạm giao thông
Châu Thanh Đại bị cáo buộc khi là trung uý công an, tổ chức tuần tra kiểm soát đã chiếm đoạt tiền người vi phạm giao thông. Theo chuyên gia, trong vụ việc này sẽ có một số tình huống pháp lý diễn ra.

Cựu trung úy công an chiếm đoạt tiền vi phạm

Ngày 19/11, Châu Thanh Đại, cựu trung úy Công an phường Tân An, TP Thủ Dầu Một, bị Công an Bình Dương bắt tạm giam để điều tra hành vi Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra, trong thời gian công tác tại Công an phường Tân An, Đại là chỉ huy tổ công tác gồm nhiều lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố... tổ chức tuần tra kiểm soát, chốt chặn, dừng các phương tiện vi phạm luật giao thông trên đường Nguyễn Chí Thanh để xử lý.

Góc nhìn pháp lý vụ cựu trung úy công an chiếm đoạt tiền người vi phạm giao thông - Ảnh 1.

Đại trong quá trình kiểm đếm tiền của người vi phạm vào tháng 4. Ảnh: PLO

Tháng 4, nhiều người dân phản ánh người vi phạm được ông Đại hẹn gặp tại trụ sở công an phường rồi yêu cầu đưa tiền cho mình để ra kho bạc đóng giúp, nhưng không có biên nhận.

Vào cuộc điều tra, Công an Bình Dương xác định Đại đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của người dân, nên đã kỷ luật, tước quân tịch.

Một số tình huống pháp lý có thể xảy ra

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, những hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt hành chính có thể phạt tại chỗ hoặc ban hành quyết định xử phạt để người vi phạm nộp tiền phạt vào kho bạc nhà nước.
 

Pháp luật không cho phép người thi hành công vụ nhận tiền của người tham gia giao thông để nộp tiền phạt "hộ" như trong tình huống của vụ việc này.

Thông tin từ phía cơ quan chức năng cho thấy, một số người dân bị lập biên bản được trung úy hẹn gặp tại trụ sở công an phường. Tại đây, ông này yêu cầu người vi phạm đưa tiền cho mình để ra kho bạc đóng giúp mà không có biên nhận hay hóa đơn gì.

Ông Cường cho rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của người tham gia giao thông, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, cũng là hành vi tiêu cực xã hội nên việc cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết.

Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là một trong những tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ.

Tội danh này quy định chủ thể đặc biệt là người có chức vụ quyền hạn nhưng đã lạm dụng chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của công dân, hành vi này trực tiếp xâm hại sự hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và quan hệ sở hữu tài sản, chiếm đoạt tài sản của công dân.

Hành vi gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với chính quyền, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Vì thế, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ngoài bị can đã bị khởi tố, điều tra là cựu trung úy công an còn có đồng phạm khác hay không. Với tất cả những người giúp sức, xúi giục cho đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội, được hưởng lợi ích vật chất đều sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

Theo vị chuyên gia, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hậu quả của vụ việc, cũng như số tiền mà vị cán bộ này đã chiếm đoạt của người tham gia giao thông là bao nhiêu tiền.

Trường hợp hành vi được xác định là phạm tội 2 lần trở lên, có tổ chức hoặc chiếm đoạt số tiền từ 100 triệu đồng trở lên, hình phạt có thể đối mặt là phạt tù từ 6 đến 13 năm.
Nguồn: báo Dân Việt