Bảy tội danh được đề nghị bỏ án tử hình là tội cướp tài sản; tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Hạn chế án tử hình
Theo các đại biểu, với 15 tội còn giữ án tử hình (tội giết người, tham ô tài sản…), cũng cần hạn chế áp dụng hình phạt tử hình bằng cách quy định rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể các điều kiện áp dụng trong từng trường hợp cụ thể, đồng thời mở rộng các trường hợp không áp dụng hoặc không thi hành hình phạt.
Xu hướng chung cần tiến tới là chỉ nên quy định án tử hình đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, tội phạm về ma túy, tham nhũng, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Các đại biểu cũng đề xuất chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số trường hợp phạm tội có tổ chức với quy mô lớn, có sự câu kết chặt chẽ giữa các băng nhóm tội phạm, hành vi phạm tội mang tính bạo lực, dã man, tàn bạo, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhiều người. Hay chỉ nên áp dụng án tử hình đối với người chủ mưu cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chống đối, cố ý thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, tái phạm nguy hiểm mà tòa án xét xử thấy ít có khả năng giáo dục.
Dẫn giải một bị cáo vừa được tòa tuyên án tử hình về trại giam. Ảnh: HTD
Không tử hình người nhiễm HIV, ung thư
Ngoài việc đề xuất giảm án tử hình trong bảy tội danh thì một trong những điểm đáng chú ý tại phiên họp lần này là đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 35 BLHS hiện hành theo hướng mở rộng đối tượng không áp dụng tử hình. Cụ thể, ngoài các đối tượng là người chưa thành niên, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì cần nghiên cứu bổ sung đề xuất đối tượng từ 70 tuổi trở lên khi xét xử.
Đa số đại biểu cho rằng việc bổ sung quy định không áp dụng hình phạt tử hình với người từ 70 tuổi trở lên thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với người cao tuổi, vốn được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, phù hợp với quy định của Luật Người cao tuổi.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề xuất với Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương là không áp dụng hình phạt tử hình đối với những người phạm tội đang mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, HIV bởi những người này cũng đang mang trong mình bản án tử hình.
Riêng tham ô, hối lộ: Phải nghiêm trị
Bên cạnh đó, không ít đại biểu khẳng định nước ta chưa thể bỏ áp dụng hình phạt tử hình đối với tội tham ô, hối lộ, tham nhũng.
Ông Nguyễn Doãn Khánh (Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương) nhận xét: “Không thể bỏ án tử hình đối với các hành vi tham ô, nhận hối lộ, tham nhũng bởi đây là loại tội phạm nghiêm trọng nhất, chưa được đẩy lùi trong tình hình hiện nay ở nước ta”.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cũng cho rằng với tình hình hiện nay thì không thể bỏ áp dụng đối với những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, hối lộ, tham nhũng. “Một khi đã xác định đây là quốc nạn thì có trừng trị nghiêm trước pháp luật mới đẩy lùi được” - ông Sơn nói.
Một tội khác cũng được nhiều đại biểu đề nghị không bỏ án tử hình là tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh bởi đây là những loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, người phạm tội vì mục tiêu lợi nhuận bất chấp tất cả.
Thêm hình phạt tù “chung thân suốt đời”? Một vấn đề gây nhiều tranh luận, chưa ngã ngũ là đề xuất quy định thêm hình phạt tù chung thân suốt đời (không giảm án - NV) nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế. Theo đó, bị cáo đáng ra phải bị phạt tử hình nhưng đã chứng tỏ sự hối cải, tiến bộ, có những hành động tích cực để khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, khám phá, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì có thể được phạt án tù chung thân suốt đời. Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, nếu muốn đưa quy định mới này vào luật thì cũng cần quy định rõ là trường hợp nào phạt án tù chung thân suốt đời, trường hợp nào phạt tử hình để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Phù hợp tình hình đất nước Việc giảm án phạt tử hình trong một số tội danh là đảm bảo lộ trình sửa đổi phù hợp với tình hình của đất nước trong xu thế hiện nay. Bởi lẽ giảm tội phạm trong xã hội không phải bằng việc quy định hình phạt trong BLHS. Chẳng hạn như tội phạm ma túy, ví dụ quy định 100 g là phạt tử hình thì người phạm tội lại có tư tưởng “được ăn cả ngã về không” nên có thể vận chuyển tới 10 kg. Ông UÔNG CHU LƯU, Phó Chủ tịch Quốc hội |