Móc phơi đồ, dép, roi nhựa, khúc cây... được các bảo mẫu, giáo viên của Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương dùng để “chăm sóc”, dạy dỗ các em bị tự kỷ.
|
Sau nhiều ngày thâm nhập căn nhà 2 lầu tại số 86 đường Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình (TP.HCM) - nơi có treo biển hiệu “Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương”, phóng viên Thanh Niên đã tận mắt chứng kiến và ghi hình đủ kiểu hành hạ trẻ tự kỷ của một số người nhân danh “giáo viên”, “bảo mẫu” tại đây.
|
“Đi lên bồn cầu tiêu cho mày biết lễ nghi”
Ngày 7.7, Trần Minh Sang (8 tuổi, quê Đà Nẵng) luôn miệng kêu nhớ ba và đòi cô giáo gọi điện cho ba. Khoảng 18 giờ 40, Sang chạy từ lầu một xuống đất, có lẽ định ra cổng thì bị cô Nga (bảo mẫu) cùng cô Lam (giáo viên) ngăn lại. Một bên cố vùng chạy, một bên ra sức kéo lại. Dường như bị ức chế, Sang ngồi thụp xuống và tự mình đập đầu vào cửa sắt. Cô Lam vừa quát tháo, vừa nắm đầu Sang đập liên tiếp vào cửa sắt rồi bỏ em một mình ở đó. Thấy vậy, cô Vân (giáo viên) từ trên lầu nhanh chóng chạy xuống. Lúc này Sang đã đi ra tới cổng lớn, cô Vân nắm tay kéo vào nhưng em không chịu. Thay vì dỗ dành, cô Vân đánh tới tấp vào mặt Sang khiến em nằm dài ra nền gạch, rồi lôi em vào trong nhà và dọa: “Đi lên bồn cầu tiêu cho mày biết lễ nghi”. Khi mới lên tới nhà chơi bóng ở lầu một, cô Vân tiếp tục dùng roi sắt đánh Sang khiến em khóc tức tưởi.
|
17 giờ ngày 7.7, trong lúc chuẩn bị ăn cơm, em Trần An Tường lấy áo của một người trong trường mặc. Sau khi phát hiện, cô Vân cầm chiếc roi sắt (bẻ từ chiếc móc phơi quần áo) đuổi theo Tường, la mắng, quát tháo khiến em hoảng sợ, không thể nhớ chiếc áo mình từng mặc trước đó đang để đâu. Bị cô Vân dùng roi sắt đánh vào lưng và đầu, Tường càng trở nên sảng, chạy luồn khắp từ trong nhà ra sân phơi đồ để né đòn. Khuôn mặt đờ đẫn, Tường khóc rưng rức, co ro núp sau những chiếc áo phơi trong sân.
Khoảng 10 giờ ngày 9.7, trong giờ học, em Nguyễn Phi Bằng chạy ra ngoài mở ti vi thì bị cô Loa và cô Trúc ngăn lại, kéo vào góc trái của lớp học rồi dùng một chiếc bàn chắn lại. Bằng vùng vẫy để ra ngoài nhưng mỗi lần trèo lên lại bị cô Loa và cô Trúc dùng một khung hình bằng gỗ dày và một cây nhựa đánh vào chân, tay. Cùng lúc, cô Loa còn dùng tay gí cổ và bóp miệng Bằng để ngăn em la hét. Càng bị đánh, Bằng càng phản ứng mạnh. Những học sinh khác chỉ dám đứng nhìn với ánh mắt vô cùng sợ sệt.
|
“Ăn cá dưới hồ nha”
Trong những ngày thâm nhập, PV Thanh Niên đều chứng kiến những giờ ăn đầy nước mắt của các em tại trường. Không ai quan tâm các em nhai hay nuốt chửng thức ăn, miễn ăn nhanh là giỏi, còn ăn chậm, hoặc không ăn sẽ bị đánh đập.
11 giờ 5 ngày 5.7, trong giờ ăn trưa, thấy Bằng không chịu ăn cơm với rau xào, cô Vân dùng một roi sắt dài khoảng 40 cm đánh liên tiếp vào người khiến em sợ hãi chạy vòng quanh phòng ăn. Tay lăm lăm cầm chiếc roi, cô Vân đuổi theo, miệng luôn quát tháo. Khi tới hành lang phía sau nhà, cô Vân bắt kịp và vung tay tát thẳng vào mặt em. Từ bàn khác, cô Trâm (quản lý) chạy lại giữ đầu Bằng, buộc em phải nuốt cơm. Bằng vùng vẫy liền bị cô Trâm vặn tay, nắm cổ áo lôi tới bàn ăn và chỉ vào mặt dọa, buộc em phải ăn cơm.
|
Ngày 9.7, do ăn chậm nên em Kỳ Nam bị cô Lam kéo từ nhà ăn ra hồ cá dọa: “Ăn cá nha. Ăn cá dưới hồ nha!”. Trong lúc kéo Nam ra, nhiều lần cô này tát vào mặt và đá vào người khiến em vừa ăn vừa nuốt nước mắt. Tới 11 giờ cùng ngày, trong lúc ăn cơm, em Đặng Lê Phương Nam chạy đi uống nước. Vừa tới chỗ bình, chưa kịp uống thì bị bảo mẫu Nguyễn Thị Nhờ bắt gặp. Cầm sẵn một cành cây trên tay, cô Nhờ chạy tới đánh mạnh hai cái vào đầu, cổ Nam. Bị đánh đau, Nam vội chạy về bàn ăn nhưng cô Nhờ vẫn không buông tha, đuổi theo đánh tới tấp...
Khoảng 8 giờ ngày 12.7, cô Nga cùng cô Lan, người giữ chân, người giữ tay bé Danh Phương (học sinh nhỏ tuổi nhất đang nội trú tại trường) để đút bún gạo vì “em bị sốt và không chịu ăn”. Quá trình ép đút, thức ăn lọt vào mũi khiến Phương phản ứng, nhưng càng giãy thì càng bị tống táng thức ăn vào miệng.
Buổi trưa cùng ngày, cô Loa đút cho bé Hà My ăn. Nhìn thấy tô cơm lớn trên tay cô giáo, bé My sợ hãi gào khóc. Thay vì cho em ăn từng muỗng nhỏ chậm rãi, cô Loa dồn dập đút đầy miệng bé. Thấy Hà My nôn ói, cô này la mắng, dọa đánh khiến em sợ tiểu ra quần.
|
Phản giáo dục
Trường hiện có khoảng 30 học sinh tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ với 3 giáo viên và 3 bảo mẫu. Trong đó, có người không có bằng cấp chuyên môn như trường hợp cô Nhờ (quê Vĩnh Long) vốn là thợ may. Bên cạnh 3 bảo mẫu còn có Trúc đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học không liên quan tới ngành giáo dục đặc biệt. Thế nhưng, Trúc lại làm giáo viên hướng ngoại cùng phụ trách lớp ngôn ngữ tiếp nhận với cô Loa.
Những giáo viên, bảo mẫu này thường mắc phải những sai lầm khi xử lý hành vi của trẻ tự kỷ. Thay vì kiên trì tập cho trẻ kỹ năng tự ăn cơm, thay đồ, tắm rửa... các cô này lại làm thay tất cả khiến trẻ dần bị lệ thuộc. Việc quát tháo, dọa nạt, đánh đập... khiến hành vi (khóc la, bướng bỉnh...) của trẻ không những không giảm bớt mà nhiều khi có tác dụng ngược, khiến các em bị kích động, hay quậy phá, thậm chí là xuất hiện thêm hành vi mới theo hướng tiêu cực.
|
Theo quan sát của chúng tôi, cô Loa (giáo viên chủ nhiệm lớp ngôn ngữ tiếp nhận) thường xuyên vắng mặt trong các buổi học và nhờ Trúc thay mình giảng dạy, quản lý lớp. 11 học sinh trong lớp cứ tự do đùa nghịch, đánh nhau, thậm chí có em bị bạn cắn 3, 4 vết vào ngực chảy máu...
Dàn cảnh khi phụ huynh thăm lớp Thường ngày, lớp học ngôn ngữ tiếp nhận rất lộn xộn, bát nháo nhưng khi có phụ huynh khảo sát để gửi con vào học, thì ngay lập tức lớp học được dọn dẹp ngăn nắp. Hai chiếc bàn được kê ở giữa lớp ngay ngắn. Ghế được xếp thành hình vòng cung tương đối trật tự. Cánh cửa lớp mở, giáo viên, bảo mẫu ai vào việc đó, mặt tươi cười niềm nở. Hai học sinh ngoan nhất được sắp xếp ngồi sẵn ở ghế chờ trả bài. Khi cánh cửa lớp vừa khép lại, những phụ huynh chưa bước ra khỏi cổng trường thì lớp học đã trở lại nguyên trạng như một cái chợ. |
Tàn độc với trẻ nam Phi Bằng, Danh Phương là những nạn nhân đã từng bị các cô “nhéo chim” tới tróc da phải bôi thuốc. Khoảng 7 giờ ngày 13.7, Bằng vô tình làm vỡ một bình hoa. Ngay lập tức em bị cô Trúc nắm áo kéo tới bắt nhìn những mảnh vỡ. Sau đó cô này hỏi cô Trâm (quản lý nội trú kiêm nhân viên y tế của trường) “nên xử” Bằng thế nào? Vừa dứt lời, cô Trúc liền nắm lấy tóc Bằng rồi túm áo kéo xuống nhà banh ở tầng 1, vừa đi vừa nhéo tai, nắm đầu em. Sau đó, cô này vật em nằm xuống sàn nhà rồi ngồi lên mình em. Cô Nga có mặt tại đó không can ngăn mà còn giúp cô Trúc vạch quần của em ra để cùng thực hiện hành vi “nhéo chim” khiến em đau đớn kêu gào và khóc rất dữ dội. Mỗi phụ huynh có con nội trú tại trường phải trả từ 7 - 8 triệu đồng/tháng, bán trú từ 3 - 4 triệu đồng/tháng với mong muốn con em mình được chăm sóc tốt. Nhưng không ai biết các cháu đã bị “chăm sóc” như thế nào. Tin tức & Sự kiện
|