Ngay khi khởi đăng diễn đàn về việc "có cần công khai khai rộng rãi các bản án", chúng tôi đã nghĩ rằng sẽ không có nhiều sự tham gia góp ý diễn đàn của bạn đọc vì đây là đề tài khá chuyên môn.
Tuy nhiên không hẳn vậy, các ý kiến bạn đọc gửi về đều rất “chất” và khá thú vị.
Hội đồng xét xử đang tuyên án. Ảnh minh họa
Lo lắng bản án có thể khác với việc tuyên án, có sự tiêu cực trong xét xử vụ án, phần đông bạn đọc gửi ý kiến đều nhất trí cao việc nên công khai các bản án sau khi tòa tuyên án. Cá biệt, có bạn đọc còn cho rằng việc công khai bản án rất có ích cho… việc học của sinh viên.
Bạn đọc Nguyễn Vũ Hoài gửi ý kiến rất bài bản về việc công khai bản án với các lý do cụ thể: “Theo tôi, nên công khai bản án với những lí do như sau:
Thứ nhất, đảm bảo được nguyên tắc công khai trong xét xử
Thứ hai, giảm thiểu tiêu cực trong lĩnh vực tố tụng, vì chúng ta biết có một số trường hợp nội dung của bản án lại không phù hợp với phần tuyên án
Thứ ba, có thể hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập”. Phần ý kiến này nhận được khá nhiều “Like” đồng tình.
Bạn LXANGIANG cũng nhận được nhiều không kém sự đồng tình khi nêu nhận xét: “Khi tuyên án, Hội đồng xét xử nhân danh cho nước Cộng Hòa xà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó Nhà nước là của dân, do dân và vì dân cho nên các bản án cần công khai cho mọi người dân được biết, nhằm thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước CCHXHCNVN”.
“Công khai bản án, vừa thuyết phục tuyên truyền pháp luật, vừa thuyết phục các bên thi hành bản án. Tôi chắc, công khai bản án thì khối cơ quan hành chính buộc phải thi hành Bản án, Quyết định của tòa” bạn đọcNGUYỄN VĂN ĐỨC nêu ý kiến.
Bạn đọc THANH LONG cũng cho rằng nên công khai bản án của tòa bởi “Lịch sử tư pháp thế giới mấy trăm năm mà người ta còn không giấu giếm gì, mình mới mấy chục năm mà sợ bị lộ”.
Nhận được nhiều nhất sự đồng tình là ý kiến của bạn Minh khi bạn cho rằng “Đó là chuyện bình thường không có gì là to tát cả nhưng ở VN chẳng ai chấp nhận điều bình thường ấy”.
Một bạn đọc tên Bình cho rằng: “Dân rất muốn công khai nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng không muốn đâu vì sợ dư luận mổ xẻ hồ sơ vụ việc mà họ thụ lý”. Đây cũng là ý kiến nhận được nhiều “Like” nhất cùng với ý kiến của bạn Minh.
“Theo tôi nên công khai rộng rãi các bản án trong xã hội để người dân được quyền cùng giám sát nhằm giảm thiểu tiêu cực ở các cơ quan tiến hành tố tụng và chống oan sai. Mặc dù đa phần người dân ít hiểu biết pháp luật nhưng hầu hết họ biết phân biệt đúng,sai, thiện, ác...Không có bất cứ hành vi xấu xa nào có thể qua mắt được người dân. Do đó, việc công khai rộng rãi các bản án trong xã hội là cần thiết” bạn Trần Ngọc Khương góp ý.
Ngoài việc đồng tình nên công khai bản án, nhiều bạn đọc còn đưa ra các giải pháp về việc công khai bản án như thế nào là hiệu quả, hợp lý lại… tiết kiệm và cho rằng nếu không thể công khai bản án thì tốt nhất là… nên sửa Hiến Pháp.
Bạn đọc tên Nhân cho rằng: “Vấn đề quan trọng ở đây là theo quy định của Hiến pháp, việc xét xử phải công khai hoặc trong trường hợp đặc biệt thì xét xử kín nhưng tuyên án phải công khai. Do đó phải công khai bản án. Vì vậy, nếu Nhà nước (hoặc ngành tòa án) không muốn hoặc không thực hiện công khai bản án, xin vui lòng sửa Hiến pháp, đừng để Hiến pháp quy định cho có. Tôi rất buồn khi đọc tiêu đề "Có cần công khai rộng rãi các bản án?" Nên công khai bản án như thế nào? Đơn giản và tiết kiệm nhất là đăng tải trên trang điện tử của Tòa Án Nhân Dân Tối Cao!”.
Bạn Văn Dũng góp ý: “Trước hết nên thí điểm công khai các bản án sơ thẩm, phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh, sau đó sẽ triển khai đến các bản án cấp sơ thẩm”.
Bạn Tôn Hữu Tài cũng gửi giải pháp: “Nên công khai thông qua các website điện tử của TAND các tỉnh, thành phố và TAND TC”.
Một bản án của tòa. Ảnh minh họa
Không có nhiều ý kiến phản đối việc công khai bản án. Một số bạn đọc phản đối công khai bản án có chăng chỉ là còn phân vân về việc có hay không việc xâm phạm đời tư người khác.
Bạn Tình Lê cân nhắc cẩn thận: “Nên công khai bản án. Tuy nhiên không nên công khai thông tin cá nhân của: Các đương sự, Người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người bị hại, người làm chứng (trong bản án, quyết định dân sự); Người bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trong bản án hình sự) nhằm bảo vệ quyền công dân và bảo vệ nhân chứng...”
Bạn đọc VO GIOI thì cho rằng không nên công khai các bản án vì “Những lý do sau đây: Thứ nhất, việc công khai những thông tin cá nhân của bị cáo trong vụ án hình sự, đương sự trong các loại án khác như vậy là xâm phạm đời tư và bí mật thông tin của họ-quyền đã được pháp luật bảo vệ.
Thứ hai, nếu công khai các bản án để cho nhân dân biết và được coi là án lệ cũng không ổn vì mọi vụ án đều có tình tiết và chứng cứ khác nhau hoặc giống nhau. Tuy nhiên khi tòa phán quyết còn căn cứ vào rất nhiều các yếu tố khác để quyết định chứ không đơn giản là chỉ áp dụng tương tự được”,
Không đồng tình, bạn TÔN HỮU TÀI đã gửi một comment khá dài phản biện, và chúng tôi cũng mượn bài phân tích này để kết diễn đàn tại đây: “Việc chúng ta biết các thông tin về cá nhân của người khác không phải là hành vi xâm phạm bí mật đời tư mà việc sử dụng những thông tin đó và gây ảnh hưởng đến chính bản thân người đó mới là hành vi xâm phạm.
Thông tin cá nhân của mỗi người đều được pháp luật bảo hộ, nhưng sự bảo hộ này cần phải trong khuôn khổ cho phép, chính ngay từ việc đưa ra xét xử công khai đã là công bố thông tin cá nhân cho người khác biết rồi chứ không phải giai đoạn công khai bản án mới xét đến việc xâm phạm bí mật đời tư hay không.
Hành vi xét xử công khai và công khai bản án cũng chỉ khác nhau về số lượng người biết là ít hay nhiều nhưng thực ra hậu quả pháp lý là hoàn toàn giống nhau và đúng với tinh thần của Hiến pháp.
Nếu lo sợ việc công khai bản án sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân của đương sự là hoàn toàn có căn cứ, tuy nhiên nếu xã hội đã có định kiến đối với những người này thì việc của mỗi người là cần phải xóa bỏ định kiến đó chứ không cần phải lo sợ. Hơn nữa pháp luật dân sự hay hình sự cũng có những quy định phòng ngừa và xử lý những hành vi này.
Bản án khi được công khai khi đủ điều kiện sẽ trở thành án lệ sẽ giúp cho nền tư pháp của Việt Nam được chặt chẽ hơn, bởi có nhiều vụ án có cùng bản chất là giống nhau nhưng nhiều tòa án lại phán quyết khác nhau, thậm chí cấp tòa án cũng phán quyết khác nhau, chính vì vậy việc áp dụng án lệ sẽ giúp cho toà án giảm thiểu được phần lớn những án có bản chất giống nhau”.