Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Có dấu hiệu tội phạm trong vụ đánh ghen, cắn đứt tai nạn nhân ở Thanh Hóa?
Chiều 22/10, trên mạng xã hội xuất hiện một số đoạn clip ngắn ghi lại cảnh 1 người phụ nữ mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang trèo lên nắp capo chiếc xe ôtô 4 chỗ rồi dùng chân đạp vỡ kính chắn phía trước rồi xông vào xe túm tóc cô gái ngồi trong xe đánh, cắn vào tai cô gái.
Thời điểm đó, rất nhiều người chứng kiến sự việc đã chạy tới can ngăn lôi người phụ nữ trên ra ngoài. Tuy nhiên, cô gái ngồi trong ô tô đã bị cắn mất một phần tai bên trái.
Theo thông tin từ một lãnh đạo thị trấn Nông Cống (Thanh Hóa), sự việc xảy ra trên Quốc lộ 45 đoạn qua khu phố Thái Hòa (thị trấn Nông Cống) vào chiều 22/10. Nhận được thông tin, Công an thị trấn Nông Cống đã tiếp nhận vụ việc, tiến hành xác minh, làm rõ. Bước đầu xác định người đàn ông điều khiển chiếc xe trên và người phụ nữ đạp vỡ kính xe ô tô là vợ chồng (quê ở huyện Như Thanh), giữa hai người có mâu thuẫn về tình cảm và đang trong thời gian làm thủ tục ly hôn.
Cô gái bị đánh ghen là người phía Nam, trong lúc người chồng mượn xe ô tô đi đón thì vợ phát hiện, tìm đến chặn xe dẫn tới sự việc trên.
Phân tích sự việc trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp chia sẻ, pháp luật không cho phép đập phá tài sản, đánh người nơi công cộng. Hành vi đánh ghen nơi công cộng như vậy là vi phạm pháp luật và người thực hiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đoạn clip đánh ghen cho thấy, hành vi của người phụ nữ liền một lúc xâm hại đến nhiều khách thể mà pháp luật bảo vệ. Cơn ghen đã khiến cô gái này mất bình tĩnh, thực hiện hành vi đập phá tài sản, đánh người, gây mất an ninh trật tự nên có thể phải đối mặt về các hành vi "Gây rối trật tự công cộng; cố ý làm hư hỏng tài sản và cố ý gây thương tích".
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì chiếc xe ô tô này không phải là của cô gái mà là xe do người chồng đi mượn của người khác. Bởi vậy trong trường hợp chủ xe ô tô có đơn trình báo tố giác tội phạm, yêu cầu xử lý hình sự người phụ nữ này và cơ quan điều tra định giá thiệt hại của chiếc xe từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể xử lý hình sự người phụ nữ đánh ghen về tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản" theo quy định tại Điều 178 (BLHS 2015).
Ngoài ra, trường hợp cô gái trong xe bị cắn đứt một phần tai đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc xử lý thì người phụ nữ này cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 (BLHS 2015) do hành vi được xác định là "có tính chất côn đồ" và "gây ra cố tật, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân".
Trường hợp chủ xe ô tô và người phụ nữ bị cắn đứt một phần tai không yêu cầu xử lý thì cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố cô gái này về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 (BLHS 2015) với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được xác định là "hành vi có phá phách".
Mức hình phạt cụ thể đối với người phụ nữ này sẽ phụ thuộc vào việc ai sẽ đề nghị xử lý và kết quả giám định, định giá tài sản xác định thiệt hại là bao nhiêu làm căn cứ để xác định tội danh và áp dụng mức hình phạt.
"Pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền sở hữu tài sản, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của mọi công dân và bảo vệ trật tự công cộng. Hành vi đánh nhau nơi công cộng, đánh người nơi công, phá phách, đập phá tài sản của người khác là vi phạm pháp luật", Tiến sĩ Cường phân tích.
Cũng theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, cho dù người đàn ông có những hành vi cư xử không đúng chuẩn mực đạo đức xã hội thì người phụ nữ này cũng không được phép đập phá tài sản, đánh người, gây mất an ninh trật tự như vậy. Trường hợp vợ chồng có mâu thuẫn mà không tự giải quyết được thì có thể nhờ bạn bè, gia đình, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức hòa giải. Nếu hòa giải không được thì có thể đề nghị tòa án xem xét giải quyết ly hôn theo quy định pháp luật.
Nếu trường hợp người đàn ông trong xe ngoại tình (chung sống như vợ chồng) thì người phụ nữ này có thể đề nghị xử lý hình sự về hành vi vi phạm hôn nhân một vợ một chồng. Trường hợp có căn cứ cho thấy người đàn ông ngoại tình thì khi ly hôn người phụ nữ sẽ được lợi khi chia tài sản chung.
Nếu người phụ nữ bình tĩnh, tỉnh táo hơn nữa, thu thập chứng cứ về việc người chồng ngoại tình thì hoàn toàn có thể đề nghị pháp luật xử lý và được đảm bảo quyền lợi trong vụ án ly hôn. Trong trường hợp này, người vợ là nạn nhân và được pháp luật bảo vệ, được dư luận xã hội ủng hộ. Còn người vợ mất bình tĩnh, thực hiện hành vi đánh ghen nơi công cộng thì vô tình sẽ từ nạn nhân trở thành đối tượng gây án.
Thời gian qua không ít những trường hợp do ghen tuông mà mất bình tĩnh đã tổ chức đánh ghen, làm nhục người khác, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản đã phải chịu những chế tài nghiêm minh của pháp luật.
Đó là những câu chuyện hết sức đáng thương, nhiều trường hợp là nạn nhân trở thành hung thủ gây án và chịu nhiều hậu quả thiệt hại, thiệt thòi do cách hành xử không đúng chuẩn mực pháp luật và đạo đức xã hội. Bởi vậy, khi phát hiện trường hợp người chồng, người vợ của mình ngoại tình thì người trong cuộc phải hết sức bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc, thu thập chứng cứ và tìm cách khuyên can, hòa giải.
"Nếu tình cảm không còn, không thể tha thứ thì đề nghị pháp luật xử lý và có thể làm thủ tục để được ly hôn theo quy định của pháp luật. Khi đó, những người đã thực hiện hành vi ngoại tình, không chung thủy, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Còn chỉ vì ghen tuông, mất bình tĩnh dẫn đến hành vi đánh ghen thì hậu quả sẽ rất khôn lường, có thể sẽ bị xử lý hình sự mà không giải quyết được tận gốc vấn đề", Ts.Ls Cường chia sẻ.
Bình Minh-Giadinhnet
- Re: Luật sư Đặng Văn Cường
- Đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác qua tin nhắn điện thoại bị xử lý như thế nào?
- Khởi kiện tội hiếp dâm - Mong luật sư và mọi người giúp đỡ
- tách đất trong quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất.
- Hỏi luật sư về thuế môn bài
- Về điều kiện được cấp sổ đỏ