Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Chuẩn bị của người bào chữa để thực hiện hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hình sự

Công tác chuẩn bị của người bào chữa để thực hiện hoạt động tranh tụng tại phiên xét xử  sơ thẩm vụ án hình sự

Chuẩn bị của người bào chữa để thực hiện có hiệu quả hoạt động tranh tụng tại tòa án trong phiên xét xử chính là những công việc mà người bào chữa phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam thì chuẩn bị xét xử là bước quan trọng trong hoạt động xét xử, được bắt đầu từ khi Tòa án thụ lý vụ án. Trong thời gian này, các CQTHTT, người THTT và người tham gia tố tụng sẽ thực hiện các công việc để chuẩn bị cho phiên tòa. Đây cũng là thời gian để luật sư có điều kiện tiếp xúc đầy đủ với hồ sơ vụ án, nắm bắt được các tình tiết, chứng cứ phục vụ cho việc bào chữa của mình tại phiên tòa, đồng thời, khi phát hiện có sai sót trong thủ tục tố tụng của các CQTHTT trước đó hoặc khi thấy cần thiết luật sư sẽ đề nghị Tòa án, VKS thực hiện các hoạt động tố tụng nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp cho người được bào chữa.

Trong giai đoạn chuẩn bị XXST VAHS, để thực hiện tốt hoạt động tranh tụng tại phiên tòa thì người bào chữa cần phải thực hiện các hoạt động cụ thể như thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa; đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án; gặp gỡ bị cáo; đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu…

 

* Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa

Để thực hiện việc bào chữa, tranh tụng tại phiên tòa có hiệu quả thì luật sư không chỉ căn cứ và các chứng cứ, tài liệu mà CQĐT đã thu thập được mà còn phải tự mình thu thập các tài liệu, đồ vật, tình tiết có liên quan. Nếu chỉ dựa vào các chứng cứ mà CQĐT đã thu thập được thì luật sư sẽ dễ bị ảnh hưởng của kết quả điều tra, có thể không  nắm bắt được tình tiết có lợi cho bị cáo hoặc sẽ có cái nhìn về vụ án theo hướng kết luận của CQĐT. 

Do vậy, pháp luật cho phép người bào chữa được tự mình thực hiện các hoạt động nhằm làm rõ hơn sự thật khách quan của vụ án thông qua việc luật sư có thể thu thập để biết thêm những tình tiết mới  hoặc tìm  thêm nhân chứng, vật chứng có thể chứa đựng những tình tiết có lợi cho bị  cáo.

Luật sư có thể thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa thông qua việc tiếp xúc với bị cáo, người thân thích của họ hoặc thu thập từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của bị cáo nếu không thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác. Đây là quy định nhằm đảm bảo bình  đẳng  về quyền đưa ra tài liệu, đồ vật của luật sư với KSV và những người tham gia tố tụng khác trước tòa. Luật sư là người gỡ tội nên họ cũng phải có quyền thu  thập những tài liệu, đồ vật để nhằm chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ TNHS cho bị cáo. Ngoài việc thu thập các tài liệu, đồ vật có liên quan trực   tiếp đến vụ án, người bào chữa còn cần thu thập các tài liệu về nhân thân, hoàn cảnh   gia đình bị cáo như các giấy tờ chứng nhận thành tích trong công tác, trong  học tập, sản xuất và chiến đấu; các giấy tờ chứng nhận bị cáo thuộc diện chính sách, ưu tiên, gia đình có công với cách mạng; các giấy tờ chứng nhận  về sức khỏe và hoàn cảnh gia đình của bị cáo… để xuất trình cho HĐXX và   sử dụng khi cần thiết.

Qua việc quy định người bào chữa có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa, nhà làm luật một mặt đã mong muốn nâng cao vai trò đối trọng, giám sát của luật sư để phản biện trước quan điểm buộc tội của các CQTHTT hoặc quan điểm của những người tham gia tố tụng  có  quyền lợi đối lập với quyền lợi của người được bào chữa. Mặt khác, đã tạo ra sự hợp tác chặt chẽ giữa luật sư với các CQTHTT nhằm mục đích bảo đảm  cho quá trình giải quyết các VAHS được tiến hành nhanh chóng, khách quan, dân chủ và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động của giới luật sư khi tham gia bào chữa trong  vụ án hình sự, thời gian qua cho thấy vai trò của luật sư trong việc giám sát, đối trọng cũng như phối hợp với các CQTHTT trong việc thu thập, sử dụng và đánh giá chứng cứ vẫn chưa đạt kết quả cao.  Thực tế, trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự đã có không ít các trường hợp việc thu thập, sử dụng chứng cứ để buộc tội có vi phạm nghiêm trọng pháp luật dẫn đến xét xử oan sai, sai người vô tội, bỏ lọt tội phạm. Ví dụ như vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị chịu 10 năm tù oan. Trong vụ án này,  để cáo  buộc ông Chấn phạm tội giết người, các cơ quan tố tụng đều thống nhất cho rằng nguyên nhân khiến ông Chấn đã giết nạn nhân N.T.H là để "diệt khẩu"  sau khi ông Chấn đã thực hiện hành vi hiếp dâm nạn nhân bất thành. Trong hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu nào, dù là nhỏ nhất, nói về những mất mát tài sản trong nhà nạn nhân. Tuy nhiên, theo lời khai của Lý Nguyễn Chung (là người đã ra đầu thú và khai nhận chính mình là thủ phạm giết chị N.T.H) thì sau khi thấy trong ngăn tủ kính của nhà chị H có nhiều tiền, Chung đã nảy   sinh ý định giết chị H để lấy tiền, Chung rút dao bấm đâm liên tiếp vào người, vào bụng chị H, trong lúc giằng co Chung đã đâm trượt hai nhát vào tay trái của mình đến nay vẫn còn để lại sẹo. Khi lưỡi dao bị gãy, Chung túm tóc đập đầu nạn nhân vào tường, nền nhà, dùng chiếc gối đè lên mặt chị H cho đến chết. Sau đó, Chung mở tủ kính lấy toàn bộ số tiền là 59.000 đồng và tháo hai chiếc nhẫn vàng trên tay của nạn nhân rồi bỏ trốn. Chuôi dao bị gãy, Chung đem vứt tại đoạn mương cách hiện trường vụ án khoảng vài chục mét. Theo  gia đình nạn nhân thì trong lúc khám nghiệm tử thi, người nhà nạn nhân cũng phát hiện vết đeo nhẫn trên tay chị H và đề nghị làm rõ những tài sản của chị  H bị mất nhưng đã không được CQĐT xem xét. Tại phiên tòa, mẹ nạn nhân cũng đề nghị bị cáo Chấn phải bồi thường hai chiếc nhẫn vàng nhưng cũng không được HĐXX xem xét. Với những gì đã xảy ra, có thể nhận thấy đây chính là một sơ hở khá lớn của các CQTHTT, vì nếu tập trung vào tình tiết  lưỡi dao gãy và hai chiếc nhẫn vàng bị mất thì mọi chuyện có thể sẽ khác, có thể đã không xảy ra vụ án oan gây rúng động xã hội này.

Theo quy định, chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định mà các CQTHTT dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án [33, Điều  64]. Thu thập chứng cứ được hiểu là việc ghi nhận, thu giữ và bảo quản chứng cứ của CQTHTT làm cho chứng cứ có đầy đủ giá trị chứng minh và hiệu quả sử dụng [8, tr. 101]. Như vậy, chứng cứ cần phải có sự ghi nhận theo thủ tục TTHS mới có thể được sử dụng làm căn cứ chứng minh tội phạm. Khác với  các vụ án dân sự là nghĩa vụ chứng minh thuộc về các đương sự, nghĩa là các đương sự có trách nhiệm đưa ra những tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp; trong VAHS, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các CQTHTT, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh  là mình vô tội. Ngoài ra, BLTTHS cũng quy định cụ  thể người bào chữa "có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án" [33, Điều 19]. Tuy nhiên, cho đến nay pháp luật vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho luật sư thực hiện điều này nên việc luật sư tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ là một việc làm  rất khó khăn. Pháp luật còn quy định tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì người bào chữa phải có trách nhiệm giao cho các CQTHTT, điều này rất dễ làm cho các tài liệu, đồ vật do luật sư thu thập được bị vô hiệu hóa hoặc bị làm sai lệch. Do vậy, cần quy định luật sư có quyền lưu giữ chứng cứ do mình thu thập được và lựa  chọn thời điểm đưa ra phù hợp trong quá trình tố tụng của vụ án nhằm mục đích bào chữa và bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của người được bào chữa. Trong thực tế, các tài liệu do luật sư đưa ra nhằm bào chữa và bảo vệ các  quyền  lợi hợp pháp của thân chủ thường không được các CQTHTT chấp  nhận, không được xác minh để làm căn cứ giải quyết vụ án.

BLTTHS cho phép luật sư được quyền thu thập, đưa ra tài liệu, đồ vật để chứng minh yêu cầu của mình nhưng lại chưa có cơ chế bảo đảm các quyền đó, chưa có quy định nào buộc các CQTHTT phải bắt buộc xem xét, đánh giá, kết luận có chấp nhận hay không chấp nhận những tài liệu, đồ vật đó, nếu không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do… Mặt khác, luật quy định đồ vật, tài liệu chỉ được xem xét là chứng cứ khi được CQTHTT thu thập theo trình tự, thủ tục luật định [33, Điều 64, 65]. Với quy định này thì những tài liệu, đồ vật mà luật sư trình ra tại phiên tòa, một khi chưa được tòa chấp nhận thì chưa phải là chứng cứ, chưa có giá trị pháp lý, tức là tòa không bị ràng buộc bởi quy định phải đánh giá chứng cứ  nên  chuyện các tài liệu, đồ vật do luật sư đưa ra bị tòa xem nhẹ, làm lơ, không đề cập trong bản án… cũng là điều dễ hiểu. Trên thực tế, khi xét xử, Tòa án  mới chủ yếu dựa vào các tài liệu do CQĐT, VKS thu thập được, các Thẩm phán thường có tâm lý nghi ngờ những chứng cứ do luật sư cung cấp làm cho quyền thu thập chứng cứ để cân bằng giữa buộc tội và gỡ tội chưa được đảm bảo.

Bên cạnh đó, hoạt động thu thập các tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ án của luật sư cũng gặp nhiều khó khăn. Hồ sơ VAHS được xây dựng phần lớn dựa trên lời khai của bị can và chủ yếu theo hướng buộc tội. Muốn bào chữa cho thân chủ, luật sư phải thu thập được các chứng cứ gỡ tội. Trong khi CQTHTT chỉ cần gửi công văn yêu cầu là được cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đáp ứng thì với luật sư, khi gặp sự bất hợp tác là họ không thể làm   gì hơn bởi không hề có quy định, chế tài cho trường hợp từ chối cung cấp chứng cứ cho luật sư. Trong trường hợp bị từ chối cung cấp tài liệu, tình tiết liên quan đến vụ án thì luật sư không còn cách nào khác là phải sử dụng chính hồ sơ buộc tội do CQĐT thu thập được để gỡ tội cho bị cáo. Thực tế, các vụ   án oan, sai chủ yếu  là do chứng cứ. Luật cũng không quy định rõ việc luật sư được quyền gặp riêng người được bào chữa để thu thập các thông tin, tài liệu gỡ tội trong trường hợp người này bị tạm giam. Luật sư muốn tham gia vào giai đoạn nào của quá trình tố tụng phải được các cơ quan tố tụng cho phép. Khi tham gia các buổi thẩm vấn, lấy lời khai ở giai đoạn điều tra, luật sư luôn bị động, không được phép hỏi riêng thân chủ, muốn  hỏi thì phải được ĐTV đồng ý và luật sư luôn bị ĐTV giám sát rất chặt  chẽ…



 * Đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra

Đây thực chất là hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án của luật sư để chuẩn bị cho việc tranh tụng diễn ra tại phiên xét xử. Thông qua việc, đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sợ vụ án giúp luật sư nắm được nội dung vụ án, biết được bị cáo bị buộc tội gì, vai trò của bị cáo trong vụ án so với các bị cáo khác trong vụ án có đồng phạm, những căn cứ buộc tội bị cáo và quy định của pháp luật được áp dụng… Qua đó, luật sư sẽ biết mình phải làm gì để bào chữa tốt nhất cho bị cáo hoặc chủ động đưa ra  các kiến nghị cần thiết với CQTHTT để phiên tòa xét xử được diễn ra trên cơ sở tranh luận công khai tại phiên tòa, để có căn cứ giúp HĐXX ban hành một bản án hay quyết định công bằng, đúng pháp luật, bảo vệ tốt nhất quyền lợi  hợp pháp của bị cáo mà không phải là chỉ mang tính thủ tục, hình thức như tại nhiều phiên tòa hiện nay. Khi nghiên cứu hồ sơ, luật sư cần chú ý phát hiện những chứng cứ có lợi cho bị cáo, phát hiện những vấn đề còn thiếu sót trong đánh giá chứng cứ, những vi phạm tố tụng hoặc việc áp dụng pháp luật không đúng của CQTHTT, từ đó có định hướng thu thập, cung cấp những tài liệu, chứng cứ cần thiết phục vụ cho hoạt động bào chữa của  mình. Hoạt động xét xử của tòa án còn lệ thuộc nhiều vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX còn nặng tâm lý “án tại hồ sơ”, vì vậy việc đọc sao chép, sao chụp tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án làm căn cứ để thực hiện quyền bào chữa, làm căn cứ để lập luận, tranh luận tại phiên tòa là nhiệm vụ quan trọng mà người bào chữa không thể lơ là.

Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, luật sư cần đặc biệt chú ý tới bản kết luận điều tra và cáo trạng. Đây là hai văn bản tố tụng rất quan trọng, phản ánh quá trình, hành vi phạm tội của bị cáo và những vấn đề quan trọng có liên quan. Trong thực tế, ở nhiều vụ án bản kết luận điều tra không thể hiện rõ  được hành vi phạm tội của bị cáo, kết luận bị cáo phạm tội một cách sơ sài, thiếu căn cứ nhưng VKS vẫn ra quyết định truy tố bị cáo trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu mà CQĐT đã thu thập được mà không yêu cầu điều tra bổ sung,  làm rõ.  thể nêu ví dụng như vụ án giết người xảy ra tại Sóc Sơn, Hà Nội năm 2012. Ba bị cáo là Nguyễn Văn Nhâm, Lưu Văn Long và Nguyễn Đình Yên vị VKSND thành phố Hà Nội truy tố về tội giết người, bị hại là anh Nguyễn Văn Tuấn. Vụ việc xuất phát từ một vụ trộm xe máy trên địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Khi phát hiện sự việc thì người dân truy đuổi 3 tên trộm xe máy trong đó có Nguyễn Văn Tuấn. Ba bị cáo Nhâm, Long, Yên cũng tham gia đuổi bắt Tuấn cùng với những người dân trong thôn. Khi phát hiện ra Tuấn thì chỉ có Nhâm và Long có mặt và đánh Tuấn. Khi người dân kéo đến bắt Tuấn mang đi giao nộp cho cơ quan công an thì Nguyễn Đình Yên mới có mặt và xông vào đá Tuấn một cái vào chân (không để lại thương tích). Sau khi giao Tuấn cho cơ quan công an thì hôm sau Tuấn chết, theo kết luận giám định thì nguyên nhân chết là do chấn thương sọ não, giập não, tụ máu màng cứng, tụt hạch nhân tiểu não do chấn thương. Kết luận điều tra của cơ quan công an xác định Nguyễn Văn Nhâm là người cầm gậy đánh vào đầu nạn nhân, trực tiếp gây ra cái chết của nạn nhân, còn Nguyễn Đình Yên và Lưu Văn Long tham gia với tư cách là đồng phạm giúp sức. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Đình Yên 7 năm tù về tội giết người. Tuy nhiên, khi bị cáo Nguyễn Đình Yên kháng cáo thì tòa án cấp phúc thẩm xác định bị cáo Nguyễn Đình Yên không giúp sức cho Nguyễn Văn Nhâm và Lưu Văn Long, hành vi của bị cáo Nguyễn Đình Yên không phạm tội giết người…

 Để tạo điều kiện cho luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ án, pháp luật đã cho phép luật sư có thể ghi chép và sao chụp những tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa khi kết thúc điều tra.

Quyền  sao chụp hồ sơ là  một quyền mới được BLTTHS năm 2003 quy định so với BLTTHS năm 1988. Đây là quyền quan trọng, tạo điều kiện cho luật sư có thể sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ cho việc nghiên cứu hồ sơ. 

Trên thực tế, có nhiều vụ án phức tạp, số lượng hồ sơ vụ án lên đến nhiều nghìn bút lục nên  luật sư không thể nghiên cứu hết tại Tòa án. Do vậy, pháp luật đã cho phép họ sao chụp lại những hồ sơ đó để có thể nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải Tòa án nào cũng thực hiện đúng quy định này, cũng tạo điều kiện để luật sư có thể sao chụp hồ sơ vụ án.  Điều này phần nào đã gây ảnh hưởng tới quá trình chuẩn bị cho việc tranh tụng của luật sư tại phiên tòa.

Giải oan vụ án đá vào chân một cái bị kết tội giết người - 3

* Gặp, trao đổi với bị cáo

Để hoạt động tranh tụng, bào chữa đạt kết quả cao, một trong những việc quan trọng mà luật sư cần thực hiện đó là gặp gỡ để trao đổi với bị cáo. Việc bào chữa của luật sư sẽ chỉ mang tính hình thức và không có hiệu quả nếu luật sư không hiểu được bản chất sự việc cũng như thái độ, tâm lý và nguyện vọng của bị cáo mà mình nhận bào chữa.

Qua việc tiếp xúc với bị cáo, luật sư sẽ phần nào hiểu được bị cáo có thật sự là người đã phạm tội hay không. Trường hợp hành vi phạm tội của bị cáo đã rõ ràng nhưng họ vẫn vẫn phủ nhận thì luật sư cần động viên tinh thần, tư vấn, giải thích cho họ hệ quả của việc không nhận tội, đồng thời chỉ ra cho họ thấy các tình tiết giảm nhẹ TNHS mà họ sẽ được hưởng để họ yên tâm  thành khẩn khai báo trước tòa, thông qua việc phân tích các điều kiện, hành vi phạm tội, mức độ lỗi, động cơ, mục đích của họ khi thực hiện hành vi…

Luật sư cần giải thích cho bị cáo những việc mà luật sư sẽ làm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo trên  sở pháp luật  sự thật khách quan của vụ án, thống nhất với bị cáo về những nội dung, cách thức sẽ trình bày trước tòa, dự liệu các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa và cách ứng xử của bị cáo… Nếu vụ án có nhiều người tham gia, luật sư cần xác định rõ vai trò, vị   trí của từng bị cáo, đồng thời khai thác các chứng cứ có lợi để bào chữa cho bị cáo. Trường hợp bị cáo thực sự không phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm thì luật sư cần trao đổi để nắm được những chứng cứ ngoại phạm, chứng cứ gỡ tội của bị  cáo.

* Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu

Đây là quyền của luật sư không chỉ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử mà là quyền trong suốt quá trình tham gia bào chữa nhằm góp phần làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Thông qua các hoạt động nghiên cứu hồ sơ, thu thập các tài liệu, chứng cứ, gặp và trao đổi với bị cáo… luật sư sẽ nắm được một cách tương đối đầy đủ các tình tiết của vụ án cũng như quá trình điều tra, thu thập chứng cứ của các CQTHTT, qua đó luật sư có thể đưa ra các tài liệu, đồ vật và những yêu cầu cần thiết.

Khi thu thập được các tài liệu, đồ vật có liên quan đến việc bào chữa của mình, luật sư có quyền cung cấp các tài liệu, đồ vật đó và đề nghị Tòa án xem xét nhằm chứng minh sự vô tội của bị cáo hoặc chứng minh các tình tiết giảm nhẹ TNHS cho bị cáo.

Khi thấy có các vấn đề quan trọng có liên quan đến việc bào chữa mà cần phải được làm rõ mà sẽ không thể làm rõ được tại phiên  tòa, hoặc  khi  phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn trước đó, hoặc khi có căn cứ cho rằng bị cáo không phải là người chủ mưu trong vụ án có đồng phạm…, luật sư có thể đề nghị Tòa án ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Trường hợp có căn cứ để đình  chỉ hoặc tạm đình  chỉ việc giải quyết vụ án, luật sư cũng cần đề nghị Tòa án xem xét, quyết định.

Đề nghị thay đổi người THTT, người phiên dịch nếu có căn cứ cho  rằng những người này không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ cũng là một trong những hoạt động quan trọng của luật sư trong thời gian chuẩn bị xét xử. Ví dụ, khi có căn cứ  cho rằng trong HĐXX có thẩm phán là người có mối  quan hệ thân thiết với gia đình người bị hại, chịu ơn gia đình người bị hại thì người bào chữa có quyền đề nghị thay đổi Thẩm phán để bảo đảm tính khách quan của hoạt động xét xử.

Trong trường hợp thấy rằng không cần thiết phải áp dụng các biện  pháp ngăn chặn, đặc biệt là biện pháp tạm giam, luật sư có thể đề nghị CQTHTT thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn này với bị  cáo,  bảo  vệ  quyền lợi chính đáng của bị cáo. Theo quy định của pháp luật, tạm giam có  thể được áp dụng đối với bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng; bị cáo phạm tội nghiêm trọng hoặc tội ít nghiêm trọng mà  BLHS quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn  hoặc  cản  trở  việc  điều  tra,  xét xử  hoặc  có thể  tiếp  tục phạm tội. Trường hợp bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm   giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ khi họ bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã, họ được áp  dụng biện pháp ngăn  chặn khác nhưng  tiếp tục  phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc xét xử, hoặc bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia [33, Điều 88]. Trên thực tế, trong nhiều vụ án, các CQTHTT đã quá lạm dụng biện pháp tạm giam, điều này không những vi phạm pháp luật mà  còn  xâm  phạm quyền, lợi ích chính đáng của bị can, bị cáo, xâm phạm quyền tự do thân thể của họ. Trong nhiều trường hợp, còn gây hậu quả nghiêm trọng khác, ví dụ như vụ án oan sai xảy ra tại Thái Bình, tháng 4.1998, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lương Ngọc Phi về tội danh “trốn thuế” và “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa". Ngày 29.9.1999, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt ông Phi 17 năm tù giam cho hai tội danh trên. Năm 2001, Viện KSND tỉnh Thái Bình xác định vụ án có oan sai và trả tự do cho ông Lương Ngọc Phi. Năm 2007, ông Phi nộp đơn khởi kiện TAND tỉnh Thái Bình và TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường 666 triệu đồng "tổn thất tinh thần và giảm sút về sức khỏe và 21 tỉ đồng "thiệt hại về tài sản", nhưng phía bị đơn không thi hành bản án.
 

Giải oan vụ án đá vào chân một cái bị kết tội giết người - 2

Tại phiên tòa ngày 4/8/2015, ông Phi đòi bồi thường tổng số tiền là hơn 64 tỉ đồng, theo đó Công an tỉnh Thái Bình, TAND tỉnh Thái Bình mỗi cơ quan bồi thường hơn 32 tỉ 225 triệu đồng. Sau 1 tuần nghị án, đến 16 giờ 30 ngày 10.8.2015, Hội đồng xét xử đã tuyên TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường số tiền trên 22,9 tỉ đồng cho ông Lương Ngọc Phi.

  Ngoài ra, trong thời hạn chuẩn bị xét xử, luật sư cũng cần nghiên cứu kỹ quyết định đưa vụ án ra xét xử và các văn bản tố tụng khác xem có phù   hợp với quy định của pháp luật không. Chẳng hạn, pháp luật quy định Tòa án phải giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa, chậm nhất là mười ngày trước khi mở phiên tòa.

Nếu luật  thấy việc giao quyết định này không trong thời hạn quy định nêu trên thì có quyền khiếu nại đối với Tòa án và VKS. Trường hợp luật sư phát hiện thấy tội danh nêu trong quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án là tội nặng hơn so với tội danh được nêu trong bản cáo trạng của VKS thì luật sư  cần khiếu nại vì theo quy định Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS đã truy tố hoặc xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà  VKS đã truy tố [33, Điều 196]. Những hoạt động này   của luật sư là rất quan trọng vì nó góp phần bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo. Bị cáo và luật sư sẽ không thể thực hiện tốt việc bào chữa nếu không   được thông báo kịp thời về thời gian, địa điểm mở phiên tòa cũng như về tội danh mà bị cáo bị đưa ra xét xử.

Như vậy, thông qua các hoạt động như nghiên cứu hồ sơ, gặp bị cáo, đưa ra các tài liệu, đồ vật, yêu cầu… trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, luật sư không những nắm được một cách chính xác, đầy đủ, có hệ thống toàn bộ nội dung vụ án mà còn thực hiện được một số hoạt động bào chữa. Các hoạt động này giúp luật sư xem xét lại các tài liệu đã được CQTHTT thu thập được và những tài liệu do chính mình thu thập; cân nhắc, đánh giá từng tài liệu, tình   tiết và tổng hợp, đối chiếu các tài liệu, tình tiết đó; phát hiện và tập hợp các chứng cứ có lợi cho người được bào chữa, chuẩn bị những lý lẽ để bác bỏ các chứng cứ không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, qua đó xác định được kế hoạch hỏi, xác định các vấn đề cần làm rõ và phương hướng bào chữa, tranh tụng tại phiên tòa. Có thể nói, ngay từ giai đoạn chuẩn bị xét xử, hoạt động chuẩn bị của luật sư đã góp phần vào việc phát hiện và khắc phục những thiếu sót trong các giai đoạn tố tụng trước đó, kiến nghị những giải pháp giúp Tòa án giải quyết vụ án một cách chính xác, khách quan, đúng pháp luật, bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo. Chỉ có chuẩn bị tốt trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì luật sư mới có thể thực hiện tốt hoạt động tranh tụng, thực hiện nhiệm vụ bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa.

Theo: Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội