Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Chủ hụi tung tin bị mất trộm gần 4 tỷ đồng có thể bị xử lý thế nào?

Chủ hụi tung tin bị mất trộm gần 4 tỷ đồng có thể bị xử lý thế nào?
Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ nữ chủ hụi ở An Giang tung tin bị trộm tài sản gần 4 tỷ đồng để tạo lòng tin cho người khác.

Chủ hụi tung tin bị mất trộm gần 4 tỷ đồng

Công an tỉnh An Giang cho biết vừa tiếp nhận xử lý trường hợp báo tin sai sự thật về việc bị mất trộm tài sản xảy ra tại ấp Chánh Hưng, xã Bình Long, huyện Châu Phú.

Chủ hụi tung tin bị mất trộm gần 4 tỷ đồng có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Cơ quan Công an làm việc với bà Đ. Ảnh: CACC

Theo thông tin điều tra, chiều 30/1, Công an xã Bình Long tiếp nhận tin báo của bà P.T.Đ. (48 tuổi, ở ấp Chánh Hưng) về việc bị mất trộm chiếc két sắt mini có chứa nữ trang các loại trị giá trên 3,9 tỷ đồng.

Ban giám đốc công an tỉnh đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT thành lập Đoàn công tác đến khám nghiệm hiện trường. Trong quá trình làm việc với bà Đ. và gia đình, thực tế két sắt không bị mất trộm mà lại được cất trong phòng.

Tiến hành kiểm tra két sắt, Cơ quan công an phát hiện bên trong chỉ chứa nữ trang các loại trị giá trên 1,2 tỷ đồng, chênh lệch ít hơn trên 2,7 tỷ đồng so với tài sản bà trình báo bị mất trộm.

Bà Đ. khai nhận do đang làm chủ dây hụi và muốn mở rộng, tạo lòng tin, thuận lợi cho việc làm ăn hơn, nên đã trình báo với cơ quan công an số tài sản bị mất nhiều hơn so với thực tế, thể hiện bản thân có nhiều tài sản.

Xử lý hình sự hay hành chính?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi đưa tin sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào mục đích của hành vi và hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 

Luật an ninh mạng nghiêm cấm hành vi đưa tin sai sự thật trên không gian mạng, pháp luật cũng nghiêm cấm việc tố cáo, tố giác sai sự thật nên cơ quan chức năng sẽ làm rõ nội dung tố cáo tố giác về việc mất trộm của người phụ nữ là đúng hay không.

Ông Cường cho rằng, trường hợp kết quả xác minh cho thấy việc trình báo tố giác tội phạm về việc mất trộm là không đúng sự thật, người thực hiện hành vi đưa tin sai sự thật này có những động cơ cá nhân nhằm thực hiện các giao dịch dân sự, hành vi này có thể là nguy hiểm cho xã hội chứ không đơn giản chỉ là đưa tin sai sự thật ở mức độ  vi phạm hành chính.

Hành vi đưa thông tin sai sự thật nhằm thực hiện các giao dịch dân sự có thể làm cho giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, nếu đưa ra thông tin sai sự thật để nhận tài sản của người khác nhằm chiếm đoạt, còn có thể bị xử lý hình sự.

Vị chuyên gia nêu quan điểm, cơ quan chức năng sẽ làm rõ người phụ nữ này đã tung tin về việc mình bị mất trộm như thế nào, hành vi thực hiện trên không gian mạng hay là đơn thư trình báo trực tiếp với cơ quan điều tra.

Trường hợp việc tung tin được thực hiện trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet và kết quả xác minh cho thấy thông tin này là sai sự thật, người phụ này có thể bị phạt tới 10 triệu đồng theo điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP.

Trường hợp người phụ nữ không đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng mà trình báo trực tiếp với cơ quan chức năng nội dung sai sự thật, người này cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 4, điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.

Còn đối với hành vi đưa ra thông tin sai sự thật để nhận tiền, tài sản của người khác thì có thể làm cho giao dịch dân sự này vô hiệu do lừa dối.
Nguồn: Báo Dân Việt