Ngày 16-1, TAND TP Cần Thơ tiếp tục ngày xét xử thứ 2 vụ án Nguyễn Thị Thu Sương (39 tuổi) – Phó Giám đốc Công ty TNHH An Khang (KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ) cùng chồng là Hồ Thanh Bình, cha ruột là Nguyễn Hồng Quân – Giám đốc công ty và 3 nhân viên công ty “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tổng cộng trên 105 tỉ đồng và gần 4,4 triệu đô – la (tương đương 87 tỉ đồng).
Quang cảnh phiên tòa ngày 16-1
Nhờ cơ quan công an đóng dấu để kinh doanh tiếp?
Toàn bộ thời gian buổi sáng các luật sư bảo vệ cho 14 bị cáo lần lượt tham gia xét hỏi, thẩm vấn để làm rõ vụ án. Trong đó, bị cáo đầu vụ Nguyễn Thị Thu Sương được các luật sư hỏi nhiều nhất với nội dung chủ yếu xoay quanh việc làm khống các bộ chứng từ, hồ sơ vay chiết khấu tại VietinBank, chi nhánh Trà Nóc và VDB chi nhánh Cần Thơ – Hậu Giang.
Bị cáo Sương khai do áp lực nợ nần quá nhiều, công ty mất cân đối về tài chính… từ đó đã lập hồ sơ khống vay ngân hàng, mua tổng cộng 73 vận đơn để làm thủ tục chiết khấu từ ngân hàng.
Trong khi đó, trả lời về việc Công ty TNHH An Khang còn nợ nhiều bộ hồ sơ chiết khấu chưa thanh toán vì sao vẫn tiếp tục trình duyệt, vay thì bị cáo Trần Thị Phương – nguyên Giám đốc VietinBank chi nhánh Trà Nóc khai là làm theo ủy quyền của cấp trên.
Trước đó, trong phần xét hỏi chiều 15-1, đáng chú ý, bị cáo Phương khi được xét hỏi đã cho rằng mình không phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” mà chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra việc để cho DN lừa đảo dẫn đến tiền cho vay chưa thu hồi được; sơ sót khi thiếu kiểm tra, giám sát thuộc cấp…
Bị cáo Nguyễn Hồng Quân – Giám đốc Công ty An Khang khi được xét hỏi đã khai đến thời điểm hiện nay công ty do bị cáo quản lý vẫn đang hoạt động và trong 3 năm vừa qua công ty thực hiện giao dịch làm ăn gia công cho các đối tác đã thu lãi hàng chục tỷ đồng.
Khi tòa hỏi con dấu cũ công ty đã bị cơ quan điều tra thu giữ và niêm phong thì lấy con dấu đâu để giao dịch làm ăn, bị cáo Quân khai khi đó nhờ cơ quan điều tra để đóng dấu (!?). Tòa cho rằng cơ quan điều tra làm vậy là sai. “Buổi sáng tòa mới nghe đại diện VKS báo cáo chuyện này. Nguyên tắc tố tụng xử lý vật chứng không đem ra ngoài, xuất kho vật chứng phải có văn bản. Mới nghe hồi sáng nếu biết, tòa yêu cầu thanh tra Công an làm rõ. Cơ quan điều tra làm vậy là sai” – chỉ tọa phiên tòa nhấn mạnh.
VKS đề nghị mức án cao nhất là 20 năm tù
Chiều 16-1, KSV Phan Hồng Thu (VKSND TP Cần Thơ) giữ quyền công tố tại phiên tòa bắt đầu trình bày quan điểm luận tội và đề nghị mức án cho từng bị cáo. VKS cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo xâm hại tài sản nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, hành vi pham tội gây dư luận xấu trong xã hội, gây ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Cần Thơ.
Đại diện VKSND TP Cần Thơ cho rằng bị cáo Nguyễn Hồng Quân – Giám đốc Công ty TNHH An Khang ký hợp đồng vay tiền của VDB chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang là do yêu cầu của ngân hàng là giám đốc phải ký và bị cáo hoàn toàn không biết việc Sương lừa đảo. “Chưa có căn cứ nào cho thấy bị cáo Quân đồng lõa với bị cáo Sương…
Bản thân bị cáo từ người có tài sản lớn nhưng đến nay trắng tay. Do đó căn cứ chứng cứ, lời khai tại tòa cũng như các căn cứ khác thấy cần xem xét lại căn cứ truy tố bị cáo và công bố chuyển tội danh của bị cáo Quân từ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang tội “Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản”. Từ đó, đại diện VKS đề nghị mức án cho bị cáo Quân là 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 4-5 năm.
Đối với các bị cáo trong nhóm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKS đề nghị bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương mức án 20 năm tù, Hồ Thanh Bình – chồng Sương mức án 13- 14 năm tù và các bị cáo Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Cao Hoa Anh Đào, Lê Thanh Phong cùng mức án 12-13 năm tù.
Đối với nhóm cán bộ VDB chi nhánh Cần Thơ – Hậu Giang, đại diện VKS cho rằng bị cáo Lương Quang Minh – nguyên giám đốc đã thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo cấp dưới yêu cầu cung cấp bản chính các bộ chứng từ, không kiểm tra, tin tưởng vào khách hàng và cấp dưới từ đó tạo điều kiện cho bị cáo Sương chiếm đoạt.
“Gần 100 tỷ đồng chuyển đi mà không biết ai nhận, trách nhiệm lớn nhất là bị cáo Minh – người trực tiếp quản lý tài sản” – đại diện VKS nhấn mạnh. Từ đó, phía VKS đề nghị mức án đối với bị cáo Minh là 5-6 năm, Nguyễn Thị Mai – nguyên trưởng phòng tín dụng xuất khẩu và Lâm Chí Công – nguyên phó phòng tín dụng xuất khẩu cùng mức án 3-4 năm tù, Nguyễn Minh Phục mức án 3 năm tù nhưng đề nghị án treo về tội “Thiếu trác nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng tội danh này, bị cáo Trần Việt Hải – nguyên Phó giám đốc VietinBank chi nhánh Trà Nóc mức án 3 năm tù cho hưởng án treo. Với bị cáo Trần Thị Phương – nguyên Giám đốc VietinBank chi nhánh Trà Nóc mức án VKS đề nghị là 8-9 năm tù, riêng hai thuộc cấp của Phương là Võ Văn Phi và Nguyễn Hoài Phương cùng mức án 7-8 năm tù.
Sáng mai tòa sẽ tuyên án vụ án này.
Theo cáo trạng, trong thời gian làm Phó giám đốc Công ty An Khang, Sương cùng thuộc cấp đã làm khống 44 bộ chứng từ xuất khẩu để chiết khấu tại VietinBank chi nhánh Trà Nóc với số tiền hơn 6,4 triệu đô-la, chiếm đoạt gần 4,4 triệu đô – la (tương đương khoảng 87 tỉ đồng); ký khống hợp đồng mua nguyên liệu, hợp đồng xuất khẩu để làm thủ tục vay, lừa đảo chiếm đoạt của VDB chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang hơn 75 tỉ đồng; làm khống 3 bộ chứng từ xuất khẩu để chiết khấu tại Ngân hàng TMCP An Bình chi nhánh Cần Thơ hơn 4,9 tỉ đồng, chiếm đoạt hơn 3,9 tỉ đồng; kê khống hàng tồn kho, làm thủ tục khống vay tiền để lừa đảo, chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á chi nhánh Cần Thơ hơn 14,9 tỉ đồng; kê khống hàng tồn kho, làm thủ tục khống vay tiền để lừa đảo, chiếm đoạt của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam chi nhánh Tây Đô hơn 11 tỉ đồng. Cáo trạng quy kết Sương cùng đồng phạm đã chiếm đoạt gần 200 tỉ đồng. |