TAND tỉnh Bến Tre vừa xử phúc thẩm, bác kháng cáo của ông Nguyễn Tiến Phước (xã Nhơn Thạnh, TP Bến Tre) và tuyên y án sơ thẩm, buộc ông Phước di dời căn nhà và đồ đạc nằm trên phần đất 206,2 m2 để giao trả đất cho vợ chồng bà Trần Thị Thức.
Có đến ba tờ di chúc
Theo đơn khởi kiện của ông Phước, nội của ông có người em gái tên Nguyễn Thị Sa không chồng con. Ngày 30-11-2007, cụ Sa lập di chúc để lại cho ông phần đất ngang 8 m, dài 45 m, tổng cộng 360 m2, trên đất có căn nhà. Lúc lập di chúc có ba người khác làm chứng và cụ Sa có lăn tay trên di chúc nhưng không có chứng thực của chính quyền địa phương. Trước đó, ngày 1-11-1993, cụ Sa cũng đã lập di chúc cho ông phần đất trên để làm nơi hương hỏa, thờ cúng ông bà và đã được UBND phường 8 chứng thực.
Sau khi cụ Sa qua đời, ngày 3-10-2010, ông làm thủ tục thừa kế thì phát hiện bà Thức cũng có tờ di chúc của cụ Sa nên ông kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Tuy ông và bà Thức đều có di chúc của cụ Sa nhưng di chúc của ông đang giữ được lập sau của bà Thức nên bản di chúc của ông mới có giá trị.
Còn theo trình bày của bà Thức (…) thì ngày 10-12-2002, tại UBND phường 8, TP Bến Tre, cụ Sa có lập di chúc cho bà 340,7 m2 gồm đất thổ cư và đất vườn cùng căn nhà lá. Khi cụ Sa mất, bà làm thủ tục thừa kế thì ông Phước trưng ra tờ di chúc do cụ Sa lập cho ông và ngăn không cho bà hưởng di chúc. Theo bà, tờ di chúc của ông Phước không hợp pháp vì không có công chứng và những người làm chứng đều là cháu ruột gọi cụ Sa bằng cô.
Vì vậy, bà Thức yêu cầu tòa công nhận di chúc cụ Sa lập ngày 10-12-2002 là hợp pháp. Sau khi lập di chúc thì phát sinh tranh chấp khu đất 340,7 m2giữa cụ Sa với bà Nguyễn Thị Pha vào năm 2003. Theo bản án phúc thẩm giải quyết về vụ tranh chấp này của TAND tỉnh Bến Tre, cụ Sa tự nguyện cắt 133,8 m2 cho bà Pha. Bà chấp nhận trừ ra, còn lại đo nhận thực tế 206,2 m2.
Tờ di chúc của bị đơn là hợp pháp
Xử sơ thẩm vào tháng 7-2014, TAND TP Bến Tre nhận định: Di chúc cụ Sa lập cho bà Thức đã được UBND phường 8 chứng thực. Ngày 10-12-2002, cụ Sa đã có giấy chứng nhận sức khỏe đủ điều kiện lập di chúc và nội dung ghi trong đó phù hợp theo quy định pháp luật. Căn cứ vào các điều 647, 652 và 653 BLDS thì di chúc này là hợp pháp.
Theo tòa, đến ngày 30-11-2007, cụ Sa tiếp tục lập di chúc cho ông Phước, có dấu lăn tay của cụ và ba người làm chứng nhưng không chứng thực. Vào thời điểm lập di chúc thì cụ Sa là người có nghĩa vụ phải thi hành theo bản án dân sự đã có hiệu lực nên diện tích đất chỉ còn 206,2 m2 nhưng di chúc lại ghi ngang 8 m, dài 45 m là không đúng. Bà Pha ký tên làm chứng cũng không phù hợp. Như vậy, di chúc cụ Sa lập cho ông Phước không hợp pháp. Từ những căn cứ trên, tòa tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Phước.
Ngay sau đó ông Phước kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Bến Tre đã không công nhận tờ di chúc ngày 30-11-2007 (để di sản lại cho ông Phước). Đồng thời, tòa công nhận tờ di chúc ngày 10-12-2002 của bà Sa có giá trị pháp lý. Theo tòa, tờ di chúc này được UBND phường 8 chứng thực tuy không cùng ngày với ngày ký di chúc nhưng nó được chứng thực đúng theo Điều 653 BLDS. Khi chứng thực, phó chủ tịch UBND phường 8 còn ghi: “Người lập di chúc đã đọc lại bản di chúc này, đã đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong di chúc và đã ký tên vào di chúc trước sự có mặt của tôi”. Như vậy chứng tỏ di chúc này lập và chứng thực đúng với quy định của pháp luật, phù hợp với lời khai của bà Thức là tờ di chúc đã được luật sư đánh máy và đánh sẵn ngày ký. Do đó kháng cáo của ông Phước không có cơ sở để chấp nhận.
Không đúng cả nội dung lẫn hình thức TAND tỉnh Bến Tre nhận định thời điểm lập di chúc vào năm 2007 (để lại di sản cho ông Phước), bà Sa vẫn còn nghĩa vụ phải thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, bà đã không nêu điều này trong di chúc, không chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và không nói nghĩa vụ mà bà phải thi hành. Lời trình bày của những người làm chứng cũng mâu thuẫn với lời khai của ông Phước tại thời điểm lập di chúc. Cụ thể, ông Phước khai ông không có mặt khi bà Sa lập di chúc, trong khi những người làm chứng lại khai ông có mặt lúc đó. Ngoài ra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung di chúc không được làm chứng trong lúc lập di chúc nhưng trong di chúc ngày 30-11-2007 lại có bà Pha (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) ký tên là người làm chứng. Án sơ thẩm xác định di chúc này không hợp pháp là có cơ sở. Theo tòa, ông Phước kháng cáo yêu cầu công nhận di chúc này nhưng không có chứng cứ chứng minh di chúc này lập theo ý chí và sự tự nguyện của bà Sa. Vì nội dung di chúc không xác định đúng tài sản của bà Sa hiện có theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 340,7 m2 mà chỉ ghi ngang 8 m, sâu 45 m, không ghi số thửa đất… Đồng thời, di chúc này cũng không có chữ ký của bà Sa mà chỉ có dấu lăn tay của bà. Từ những căn cứ trên, tòa cho rằng cả hình thức và nội dung di chúc này đều không đúng theo các điều 652, 653 và 654 BLDS. Vì vậy di chúc này không hợp pháp. |