Trang chủ » Tư vấn luật » Lĩnh vực khác

#691 21/11/24

‘Tịnh thất Bồng Lai’ và chuyện bí mật đời tư về kết quả ADN

Theo luật sư, CQĐT chưa công bố cụ thể kết quả giám định AND những người ở ‘Tịnh thất Bồng Lai’ là để bảo vệ bí mật đời tư cá nhân của công dân, đặc biệt là những đứa trẻ.

Như VietNamNet đã đưa, Công an tỉnh Long An cho hay, đã có kết quả giám định ADN liên quan đến các cá nhân sinh sống ở “Tịnh thất Bồng Lai”. Nhưng vì kết quả này liên quan đến thông tin cá nhân, quyền con người, trong đó có trẻ em, nên CQĐT chỉ thông báo cho những người có liên quan.

Được biết, kết quả ADN của 28 cá nhân được cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Long An phục vụ cho việc xác minh, xử lý các đơn tố cáo của một số người nhắm đến các cá nhân ở “Tịnh thất bồng lai” về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và loạn luân.

Kết quả ADN này do Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an tại TP.HCM thực hiện giám định.

Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, CQĐT chưa công bố cụ thể kết quả giám định ADN đối với từng người sống ở “Tịnh thất Bồng Lai” là để bảo vệ bí mật đời tư cá nhân của công dân, đặc biệt là những đứa trẻ.

Hiện đã có kết quả xét nghiệm ADN của các cá nhân tại "Tịnh thất Bồng Lai". Ảnh: Trương Thanh Tùng

Vụ án này có thể ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tâm lý của những đứa trẻ, nếu công khai quá chi tiết thông tin đời tư cá nhân của chúng, có thể ảnh hưởng đến tương lai, hạnh phúc của các em. Vì vậy, việc giữ bí mật thông tin đời tư cá nhân, trong đó có bí mật về kết quả giám định ADN đối với những đứa trẻ này là cần thiết, phù hợp với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay, vấn đề bảo vệ quyền tự do cá nhân, bí mật đời tư cá nhân được pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế ghi nhận rất đầy đủ.

Cụ thể, tại Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền 1948 (UDHR), điều 12 ghi nhận: "Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tuỳ tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân; mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy”.

Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), điều 17 nêu: "Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.”

Về cơ bản, cả Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đều ghi nhận giống nhau: mỗi người đều được bảo vệ về những điều riêng tư trong đời sống cá nhân, gia đình, nơi ở và thư tín. Cả hai văn bản này đều có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam, mỗi cá nhân đều được Nhà nước Việt Nam bảo vệ quyền riêng tư.

Luật sư trích điều 21, Hiến pháp năm 2013, quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.

Bảo vệ quyền trẻ em

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Luật trẻ em cũng có nhiều quy định về bảo vệ trẻ em, trong đó có việc bảo vệ thông tin nhân thân, thông tin cá nhân, hình ảnh của trẻ em. Hành vi thu thập, sử dụng trái phép thông tin nhân thân, hình ảnh của trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật…

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Đối với vụ án này, kết quả giám định ADN là chứng cứ khoa học rất quan trọng để chứng minh mối quan hệ huyết thống của những người có liên quan. Kết quả giám định ADN cũng là căn cứ để áp dụng các biện pháp tố tụng.

Trong quá trình giải quyết vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thận trọng trong việc cung cấp các thông tin cho báo chí, cũng như công khai các thông tin trước công luận liên quan đến mối quan hệ huyết thống.

Với thông tin về việc bị can nào sẽ bị khởi tố, bị xử lý với mức hình phạt bao nhiêu chắc chắn là sẽ công khai. Còn đối với những đứa trẻ, cơ quan tố tụng sẽ giữ bí mật đời tư cho các em để đảm bảo quyền trẻ em, quyền công dân, quyền được giữ bí mật đời tư để không ảnh hưởng đến tương lai, hạnh phúc của các em.

“Trong vụ án này có nhiều đứa trẻ tài năng, rất đáng thương, là nạn nhân của những hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, ngoài việc xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật, cơ chế chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đảm bảo ổn định đời sống của những đứa trẻ.

Chúng không có tội và cần được đối xử bình đẳng, tránh việc kỳ thị của xã hội, cần có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể để các em có cơ hội học tập, lao động, phát triển bản thân”, luật sư Cường chia sẻ.
Nguôn: Báo Vietnamnet

Tư vấn của luật sư có tính chất tham khảo, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật sư:

Trả lời nhanh