Trang chủ » Tư vấn luật » Lĩnh vực khác

#690 19/12/24

Đề xuất CSGT được mặc thường phục giám sát giao thông

3-2113222222222222

Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung, quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT, để lấy ý kiến trong 2 tháng, từ giữa tháng 10.

Tuy nhiên, dự thảo này lại đang gây ra nhiều tranh luận, khi Bộ Công an đề xuất sẽ bố trí một bộ phận CSGT mặc thường phục để giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm khác.

Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

PV: Thưa ông, trước việc Bộ Công an đang đề xuất lực lượng CSGT được bố trí cán bộ mặc thường phục để giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm, ông có cái nhìn như thế nào về việc này?

Luật sư Đặng Văn Cường: Tôi cho rằng là không hợp lý, bởi vì thứ nhất có thể phát sinh những tiêu cực hoặc có thể phát sinh những hiện tượng giả mạo, mạo danh CSGT.

Thứ hai là những trường hợp mà CSGT khi thực hiện nhiệm vụ, có những hành vi vi phạm pháp luật, giống như là vừa rồi có vụ việc mà một số đồng chí CSGT đánh người vi phạm giao thông, rồi nhận mãi lộ, rồi ra bắt vi phạm ở ngoài đường dẫn đến câu chuyện gây tai nạn giao thông, thì những trường hợp đó là có. Rõ ràng nếu quy định cảnh sát không mặc cảnh phục để thực hiện nhiệm vụ, thì có thể xảy ra hiện tượng lạm quyền, lộng quyền cũng như có thể phát sinh những hệ lụy tiêu cực xã hội.

Việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có rất nhiều lực lượng thực hiện rồi. Còn lực lượng CSGT tôi cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất là điều hành giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt và giải quyết những vụ tai nạn giao thông.

Còn ở các quốc gia phát triển hiện nay CSGT chủ yếu là làm việc trên máy tính, và xử lý vi phạm giao thông ở góc độ là xử lý nguội, chứ không có hiện tượng phạt vi phạm trực tiếp nhiều như ở Việt Nam.

PV: Lại có ý kiến cho rằng, nếu người dân chấp hành tốt luật giao thông, thì CSGT có mặc thường phục hay cảnh phục cũng không sẽ không gây ảnh hưởng. Đồng thời, việc cho phép CSGT mặc thường phục sẽ phần nào khiến nhiều người bỏ thói quen cứ thấy CSGT thì mới chấp hành đúng luật, ông nghĩ sao về điều này?

Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện tượng đấy là có chứ không phải không có. Tuy nhiên tôi cho rằng, nếu CSGT hóa trang để phát hiện ra trường hợp vi phạm để xử lý, thì không cần thiết.

Để xử lý đối với những trường hợp vi phạm thì phải bằng các biện pháp giáo dục, chứ không phải bằng câu chuyện rình bắt, hoặc là hóa trang để bắt quả tang, việc đấy tôi cho rằng không thể hiện xu hướng phát triển văn minh của xã hội.

Mà ở đây, một là tăng cường công tác áp dụng các phương tiện kỹ thuật, công nghệ 4.0, tăng cường phạt nguội thì không cần CSGT phải đứng ở đấy làm gì cả, không cần hóa trang, mật phục làm gì cả. Vấn đề thứ hai là trong trường hợp phải trang bị thêm lực lượng CSGT hóa trang như vậy, sẽ có sự chồng chéo.

Hiện nay cảnh sát hình sự phần lớn hóa trang rồi, và ngoài ra còn có các lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự. Những kinh phí đấy, con người đó, nhân lực đó thì nên đầu tư trang bị vào ứng dụng các khoa học công nghệ, và tiến tới điều hành giao thông bằng các thiết bị điện tử. 

PV: Xin cảm ơn ông.
Nguồn: VOV

Đề xuất CSGT được mặc thường phục giám sát giao thông (vovgiaothong.vn)

Tư vấn của luật sư có tính chất tham khảo, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật sư:

Trả lời nhanh